Phương Uy (Phan Thiết)
Thuyền kéo va li trở về giáo đoàn Bác Ái lúc trời đã sẫm, sắp đến giờ kinh tối. Sơ Châu không nói gì, chỉ lẳng lặng dắt Thuyền về phòng và dọn cho Thuyền bữa cơm muộn. Sau đó sơ đi cắm hoa chuẩn bị cho Thánh lễ sáng mai.
Thuyền ngồi bó gối trong phòng, không bật đèn. Nhắm mắt vẫn thấy rõ mồn một từng đồ vật bài trí trong căn phòng nhỏ. Thuyền đã sống ở đây từ lâu lắm. Năm đó Thuyền chỉ mới khoảng ba hay bốn tuổi. Sau phiên tòa, mẹ đưa Thuyền đến gửi tại tu viện này. Lúc đó, các sơ vẫn nhận học trò nội trú, nhưng Thuyền quá nhỏ nên sơ trưởng không nhận. Sau mẹ Thuyền năn nỉ quá các sơ mới nhận nuôi Thuyền. Mẹ vét túi, đóng hết cho Thuyền ba tháng tiền ăn, hẹn tháng sau quay lại thăm Thuyền. Nhưng rồi không bao giờ mẹ quay lại nữa. Mấy tháng đầu, Thuyền còn mong mẹ đến, còn khóc nhèo nhẹo đòi mẹ. Nhưng càng mong càng vắng. Rồi dần dần, Thuyền cũng quen hơi sơ Châu, rồi lớn lên với sự bao bọc và ủ ấm của sơ Châu.
Ngày đó, thấy Thuyền khóc quá, sơ Châu có đưa Thuyền về nhà. Nhưng cửa đóng, hỏi hàng xóm mới biết nhà đã bán từ lâu, còn mẹ thì đi đâu không rõ. Ba mẹ Thuyền trước đều ở cô nhi viện nên Thuyền không có bà con gì. Vậy là Thuyền chính thức mồ côi từ năm bốn tuổi. Năm đó cũng là năm ba ra pháp trường. Nhưng chỉ sau này, Thuyền mới nghe sơ Châu kể lại. Chỉ biết rằng hằng năm, cứ vào trước Giáng sinh, sơ Châu lại đưa Thuyền đi thăm mộ một người, sau này mới biết là ba.
* * *
Uy lúc ấy cũng là cô nhi. Một bà mẹ nào đấy đã bỏ Uy trước cổng nhà thờ lúc Uy còn đỏ hỏn. Uy và Thuyền là hai đứa trẻ lạc mẹ lúc nào cũng ngác ngơ quấn lấy sơ Châu. Tuổi thơ của Thuyền trôi qua cùng Uy, trôi qua cùng tiếng kinh cầu sáng chiều trong ngôi giáo đường nhỏ và nghèo ấy. Uy lớn hơn Thuyền một chút nên đảm luôn nhiệm vụ trông Thuyền và đưa Thuyền đi học, dù vóc Uy nhỏ thó và bị tập tễnh ở chân do di chứng trận sốt thuở nhỏ. Dù vậy, Uy vẫn luôn bảo vệ cho Thuyền và dành mọi thứ đồ ăn ngon mà Uy có cho Thuyền.
Uy thiếu sữa mẹ từ nhỏ nên hay đau ốm quặt quẹo. Mỗi lúc ốm nằm một chỗ, Uy thường hay khóc thầm. Có lúc Thuyền vào thăm, biết được, Uy nói Uy thèm hơi mẹ lắm. Uy thèm cái cảm giác được mẹ ôm vào lòng như các đứa trẻ khác. Các sơ dù có thương cũng không biểu lộ tình cảm được như thế. Thuyền nghe rồi ngồi khóc theo Uy. Bởi Thuyền cũng nhớ mẹ. Mẹ Thuyền đẹp và thơm ơi là thơm! Thuyền khóc theo Uy một hồi rồi bảo Uy hãy để Thuyền ôm và ru cho. Thuyền vừa ôm vừa vỗ về và hát ầu ơ cho Uy nghe, giọng còn ngọng líu ngọng cò, Uy cười rồi thiu ngủ lúc nào chả hay.
Hai đứa có thế giới riêng là gốc xoài đằng sau dãy nhà học giáo lý. Ở đấy hai đứa bày đủ trò chơi. Thích nhất là những lúc Uy theo sơ Châu cắm hoa, sau đó xin các hoa thừa về và kết vòng hoa cho Thuyền. Lúc ấy Uy bảo Thuyền đội vòng hoa đẹp như cô dâu ấy. Mỗi lần trong xứ có lễ cưới làm phép ở nhà thờ, hai đứa dù ngồi trên dãy ghế của ca đoàn vẫn cố nhón lên để xem cô dâu. Uy thường bảo, nếu Thuyền là cô dâu của Uy, Uy sẽ làm hoa cưới cho Thuyền đẹp hơn hết thảy các bó hoa tay và hoa đội đầu của mọi cô dâu ở đây.
Thuyền cũng thường tưởng tượng cảnh mình làm cô dâu, đội voan trắng quỳ trước cung thánh. Nhưng Thuyền không tưởng tượng ra được chú rể, vì người ấy càng không phải là Uy với những bước đi tập tễnh.
* * *
Thuyền về lần này không gặp Uy. Uy vừa theo đoàn bác sĩ thiện nguyện đi Nam Phi từ tháng trước. Thuyền ngồi và nhớ khuôn mặt anh trong ráng chiều sót đỏ như máu, láng máng nhớ đôi kính trắng và tiếng anh cười khẽ khàng. Ở Uy cái gì cũng khẽ khàng và từ tốn, kể cả khi anh thăm, khám và tiêm thuốc cho các em nhỏ bị ốm trong nhà xứ.
Ngày Thuyền quyết định dọn ra ngoài ở với Nam, Uy cũng chỉ hỏi Thuyền một cách khẽ khàng: “Em quyết định vậy thật à?”. Rồi thôi. Không một câu chúc, kể cả chúc đi đường bình an. Thuyền miệt mài trong những ngày tháng với Nam. Chỉ thoảng nhớ Uy mỗi khi Nam đi chơi quá khuya không về, lúc ấy Thuyền thường ngồi dựa cửa sổ và nghĩ: Nếu giờ có Uy, Thuyền có thể ngồi kể lể hàng giờ với Uy cho bớt khổ tâm. Nhưng thường là cô ngủ quên cho đến khi Nam về đập cửa, càu nhàu sao cô không vào giường mà ngồi đây, coi chừng cảm lạnh cho coi. Rồi Thuyền cũng sẽ đánh rơi hết mọi sự trong vòng tay ấm áp và trong nụ hôn còn váng vất mùi rượu của Nam.
Thuyền không cần biết mình sống trong hạnh phúc ảo ảnh đó bao lâu. Thuyền như quên đi tất cả mọi người. Thỉnh thoảng Thuyền gọi cho sơ Châu, nghe loáng thoáng sơ Châu bảo là Uy có hỏi thăm em gái dạo này khỏe không. Em gái… em gái… Em gái này chưa một lần gọi điện cho Uy!
Chỉ đến một ngày, khi cả Thuyền và Nam tốt nghiệp, ngày Nam xin được vệc làm trong một bệnh viện lớn trực thuộc một công ty nước ngoài, Thuyền về nhà và như hẫng chân khi thấy nhà trống hoác. Toàn bộ vật dụng của Nam đã không còn. Thuyền cuống cuồng chạy quanh gọi Nam ơi Nam à mà vẫn không ai trả lời. Gọi phone cho Nam thì Nam không cầm máy, chỉ có tiếng chuông tít dài. Phải tới chiều, Thuyền mới nhận được tin nhắn dài dòng của Nam, đại ý là xin lỗi Thuyền vì đã chia tay mà không cho Thuyền sự chuẩn bị, và rằng từ nay mong Thuyền sống ổn, đừng tìm và hi vọng gì ở Nam.
Thuyền nằm bẹp mất ba ngày và rút ra một điều: Cô chẳng thể mang đến cho anh điều gì cả ngoại trừ tình yêu của cô. Mà anh thì còn cần nhiều điều khác, tỷ dụ như cô không phải là một con gà trong chuồng hay một cái ô tô trong nhà xe.
Lúc đó, Thuyền có nghĩ tới việc tìm mẹ, nhưng biết mẹ ở đâu mà tìm?
Ngày thứ tư, Thuyền gọi cho Uy. Nhưng Uy không nghe máy. Gọi lại thì máy không liên lạc được.
Thuyền chật vật vượt qua mùa đông trong căn phòng cũ vắng hơi Nam. Đâu biết rằng khi đó, nơi nước Pháp xa xôi, Nam đang hưởng những ngày trăng mật với vợ là con gái của tổng giám đốc bệnh viện nơi Nam thử việc.
Ra trường, nhưng xin việc không dễ. Bao lần Thuyền đã có ý định về lại nhà xứ Bác Ái. Nhưng Thuyền vẫn còn giận Uy. Tức cái lúc cô gào khóc gọi Nam đến khản hơi, gọi cho Uy thì Uy không thèm trả lời. Ấm ức như đứa trẻ bị bỏ rơi, Thuyền quyết không thèm về Bác Ái gặp anh nữa.
Rồi Thuyền cũng xin được việc làm ở một bệnh viên tư nhân. Công việc tuy vất vã nhưng lại có hiệu quả tốt để giúp Thuyền quên đi nỗi đau trong lòng. Ngoài việc khám chữa bệnh, Thuyền còn nhận thêm việc điều đưỡng, chăm sóc các người già bị ốm phải điều trị lâu dài trong bệnh viện. Tưởng như là ổn.
Cho đến ngày bệnh viện được chuyển nhượng để sát nhập với một bệnh viện lớn khác, và giám đốc mới không ai khác hơn là Nam, thì Thuyền mới té ngữa. Té ra cuộc sống không có chỗ cho Thuyền.
Thuyền đi như bỏ của chạy lấy người. Trong thâm tâm vẫn thấy mình còn yêu Nam lắm, bão lòng đã yên sóng đâu. Thuyền tưởng là quên, khi Thuyền cố ý quay cuồng trong công việc. Thuyền tưởng mình đã bước được tới phía trước. Nhưng thật ra chỉ là Thuyền tự mị hoặc mình. Thuyền thức ngộ ra rằng có những người rất khó bị kẻ khác quên đi. Đôi lúc cứ tưởng là đã quên, quên thật rồi, nhưng khi gặp nhau, thì mới biết rằng quên chỉ là quên tạm, như những lượt sóng ngầm trong lòng biển, bùng lên là bùng mạnh không tưởng.
Nơi đầu tiên mà Thuyền nhớ đến khi ngồi trên ghế chờ trong bến xe là hàng ghế trước đài Mẹ Mễ Du, nơi Thuyền vẫn thường ra cầu nguyện mỗi chiều cùng Uy và sơ Châu. Vậy là Thuyền theo quán tính mà quay về.
Khi sơ Châu về đến phòng, bật đèn lên, mới thấy Thuyền ngủ quên từ lúc nào. Dáng nằm vẫn co quắp và cô đơn như mỗi lần hờn giận thuở nhỏ. Sơ chỉ cẩn thận đắp mền, giăng mùng cho Thuyền rồi lặng lẽ cầu nguyện. Trong cung lòng thánh nữ kia, sơ vẫn luôn xem Thuyền là con gà con ướt sũng cần được che chở bởi bộ lông ấm áp của mẹ gà.
* * *
Thuyền đang ăn sáng thì sơ Châu nghe điện thoại. Cuộc gọi đường dài từ Nam Phi. Nghe tiếng sơ hồ hởi, hình như có nhắc đến Thuyền.
Ngồi khỏa chân trên cây cầu bắc ngang dòng suối sau tu viện, Thuyền trìu mến nghe tiếng trẻ con trong xứ vào học lớp lá đang đánh vần, có tiếng sơ Thủy bắt nhịp bài hát.
Ôm hộp quà Uy gửi lại cho Thuyền mà lúc nãy sơ Châu trao cho, Thuyền vừa mỉm cười vừa đọc hết bức thư của Uy. Chợt nghe lòng len nhẹ một tia hạnh phúc mỏng như tia nắng đầu ngày xen qua kẽ lá khi biết rằng từ lâu Uy đã không xem Thuyền như em gái. Sơ Châu bảo giữa tháng này Uy về.
Thuyền nhìn đám trẻ con như đàn gà con chiêm chiếp quanh sơ trong giờ tập múa. Ơ, sắp Giáng Sinh rồi nhỉ! Các bé đang tập múa thiên thần, những khuôn mặt xinh xinh non nớt đáng yêu. Sáng mai sơ trưởng đã phân cho Thuyền một lớp. Lớp này là lớp các bé mồ côi giáo đoàn nhận về nuôi, với những đôi mắt lạc bầy ngơ ngác như Thuyền dạo ấy.
Dạo này, con suối trong không còn trong veo như trước nữa, người dân sống trên đầu nguồn cứ hồn nhiên vứt rác xuống suối làm trôi lề dề từng đám. Thuyền hơi nheo mắt khi thấy một đám xanh non lạc trong đám bao ni lông bệp bềnh. Rác. Lục bình trong rác. Hoa trên lục bình. Bướm trên hoa.
Đôi bướm vàng chấp chới rồi bay đi. Tiếng đàn bài Silent Night trong trẻo vang ra từ phòng tập múa. Ừ, đêm Thánh vô cùng sắp đến rồi, không biết Uy có về kịp trước ngày 24 để cùng Thuyền viếng mộ ba, cùng Thuyền cầu nguyện trong đêm Giáng Sinh này không? Sau những lầm lạc, dường như Thuyền đã trở về đúng chỗ, ở cái nơi mà Thuyền đã bắt đầu cuộc đời mình trong yêu thương, để lại có thể bắt đầu một cuộc đời mới…
Đăng nhận xét