Sưu tầm. Ánh Sao Đêm
Các bạn thân mến, trong tình huynh đệ ngôi nhà Tiếng Việt tôi xin giới thiệu với các bạn NGHỆ THUẬT VIẾT VĂN của Phạm Việt Tuyền để các bạn tham khảo. Quyển sách này có thể bạn đã biết nhưng giờ bạn đọc lại lần nữa tôi nghĩ chẳng thừa.
PHẦN THỨ BA
CÁC LOẠI VĂN
ĐOẠN THỨ I
KHÁI QUÁT VỀ CÁC THỂ VĂN VÀ LOẠI VĂN
TIẾT THỨ NHẤT
PHÂN BIỆT CÁC THỂ VĂN
78. Xét về phương diện mỹ thuật, văn chương chia làm 2 thể chính.
Một thể mặc hình thức thông thường, diễn tả trực tiếp các ý tưởng và cảm tình. Đó là văn từ dùng để trao đổi hàng ngày hoặc để truyền tin tức, phổ biến tư tưởng, chẳng hạn văn từ của nhà hùng biện, triết lý và bác học. Thể văn ấy gọi là văn xuôi (còn gọi là tản văn).
79. Đối với văn xuôi có văn vần (còn gọi là vận văn). Thể văn này tự khép mình vào những thể thức riêng về tiết điệu và âm thanh. Dùng để ngâm vịnh, văn vần vượt lên trên ngôn ngữ của quần chúng. Nó là tiếng nói dành riêng cho một lớp người biết cảm nghĩ khác người và diễn tả bóng bảy: các thi sĩ (kể cả các thi sĩ vô danh).
Văn vần là tiếng nói của thi sĩ, những con người sáng tạo… Văn xuôi là tiếng nói của nhà bác học. Đối tượng của thơ là lý tưởng; đối tượng của văn xuôi là thực tế.
80. Căn cứ vào đối tượng, phương pháp và tính chất của chúng, ta có thể định nghĩa hai thể văn nói trên như sau:
Văn xuôi là tiếng nói của trí tuệ, cốt phô diễn điều hay nó đã quan sát được, bằng diễn dịch hay quy nạp, nhờ sức giúp đỡ của giác quan và tưởng tượng dưới sự kiểm soát của lý trí. Nó phóng túng tự do và ngay thẳng trực tiếp như ngôn ngữ thông thường.
Còn thờ là tiếng nói của tưởng tượng và tình cảm, cốt biểu dương cái đẹp. Tưởng tượng và tình cảm cùng nhau sáng tạo với trợ lực của trí tuệ. Là văn vần, nó gò bó trong các quy tắc âm thanh và tiết điệu, nhưng lại rất tự do về cảm hứng.
(Còn tiếp)
(Còn tiếp)
Đăng nhận xét