Phêrô Hoàng Cao Thái, Ofm
Mỗi lần vào sa mạc trong dịp tĩnh tâm tháng, tôi thường mon men lên ngọn núi sau nhà, nơi có “thành phố của những người chết”. Tại đây có một thứ âm thanh mà mỗi lần nghe thấy đều làm tôi day dứt, khó chịu. Đó không phải là tiếng gió lùa trên các ngọn thông hay tiếng chim chóc ríu rít trong các lùm cây. Đó cũng không phải là tiếng bước chân xào xạc trên lá hay tiếng máy nổ vọng lên từ thung lũng. Một thứ âm thanh sắc ngọt, dứt khoát như xuyên qua lỗ tai và cắm thẳng vào tâm hồn. Đó chính là tiếng đục đá.
Thoạt đầu, giữa vô vàn thứ âm thanh trên ngọn núi này, nó lạc lõng và chìm vào không gian bao la ngút ngàn. Nhưng khi các tán thông ngừng reo, đứng yên vì lặng gió; khi tiếng chim thôi rộn ràng vì mải miết kiếm ăn, khi tiếng máy nổ im hơi để người nông dân nghỉ ngơi và khi tôi dừng bước để đi vào giờ cầu nguyện thì tiếng đục đá vẫn đều đều vang lên bên triền núi. Tôi thường cảm thấy bực bội vì thứ âm thanh khó chịu ấy. Nó đều đều, chát chúa chẳng chịu để tôi yên. Nó cứ như một lời chê trách chĩa vào tôi, cười nhạo tôi như một kẻ trốn đời, giấu mình trong tu viện và bây giờ lại tìm sự thanh thản trong rừng sâu. Nhiều lúc chịu không nổi, tôi cố đi thật xa, càng xa cái thứ âm thanh đó càng tốt để dễ bề cầu nguyện.
Một ngày sa mạc nọ, tôi đã không đến chỗ cũ quen thuộc đó nữa mà đi thật xa. Sau hơn một giờ đi bộ, tôi đã đến khu rừng bên cạnh hồ Tuyền Lâm. Nơi đây thật lý tưởng: Có dòng suối uốn mình, có thác đổ lao xao và nhất là từ trên đỉnh núi, tôi có thể trông thấy hồ Tuyền Lâm mềm mại như một tấm lụa nhiều màu sắc trải dài trên nền xanh ngút ngàn của rừng thông. Nơi đây, ngoài tiếng gió và tiếng chim, không có một thứ âm thanh nào khác. Không tiếng máy nổ. Không tiếng xe cộ. Và nhất là không có tiếng đục đá khô khốc, lạnh lùng. Thế mà thật lạ! Giữa khung cảnh tĩnh mịch, nên thơ ấy, tôi lại nhớ tiếng đục đá da diết. Tôi nhớ anh thợ đục đá mà tôi đã gặp lần trước.
Lần đó, khi không còn chịu nổi cái tiếng “chát chát…cạch cạch”, pha thêm một chút tò mò, tôi đã lần theo con đường mòn, đi theo hướng phát ra cái thứ âm thanh đó. Sau một hồi mò mẫm, tôi đã tới nơi và gặp thấy ở đó một người thợ. Đó là một người đàn ông trung niên khoảng tứ tuần. Tranh thủ giờ nghỉ giải lao ngắn ngủi của anh, tôi đã tìm cách làm quen và nói chuyện với anh. Anh sinh ra tại một gia đình đông anh em tại dải đất miền Trung nắng cháy xa xôi. Để tìm kế mưu sinh, anh đã trôi dạt lên chốn cao nguyên này. Thời gian trôi qua, anh lập gia đình và hiện đã có hai đứa con. Nhìn lại quá khứ, anh thấy đời mình trôi qua thật nhanh. Những hoài bão thời trai trẻ nay đã không còn. Hiện tại, bao nhiêu ước mơ và hy vọng, anh dành cả cho hai đứa con nhỏ. Ngày ngày, anh chạy xe lên đây làm nghề đục đá. Vậy mà đã gần mười năm rồi. Khi được hỏi về những khó khăn trong công việc, anh cười mà ánh mắt chất đầy những ưu tư: Mỗi ngày cố gắng kiếm được khoảng 50.000 đồng, còn những ngày mưa gió thì coi như trùm bạt ngồi không. Đó là chưa kể những lần bị miểng đá văng vào mắt phải nhập viện, những lần búa đóng trật trúng vào tay… hay có những ngày quần quật bên tảng đá mà chẳng được đồng nào vì đá non giòn, buôn lái không mua… Tôi không tài nào có thể tưởng tượng được những nỗi vất vả của anh. Nghe anh kể mà miệng tôi mặn đắng…
Tôi nhớ có một bài hát nào đó mà tôi thỉnh thoảng vẫn thường hát: “Chỗ này là thảm hoa nhưng Người không bước vào. Người lại đứng nơi kia bên những người nghèo khổ. Nơi này là chỗ cao nhưng Người không đến gần. Người lại đứng nơi kia, bên hàng hạ nhân khốn cùng. Người ở với người nông dân đang cày bừa. Người ở với người công nhân đang đập đá…” Người ở với người công nhân đang đập đá!!! Hôm nay, tôi đã tình cờ nhận ra Người khi tôi ngồi xuống bên anh – người công nhân đập đá – để lắng nghe những tâm sự chân thành của anh. Người hiện diện bên anh trên triền núi này đã bao ngày tháng. Người đã chia sẻ với anh bao nỗi nhọc nhằn, vất vả. Còn tôi, tôi đã bao lần phớt lờ đi qua anh mà không một lời thăm hỏi lại còn lấy làm bực bội vì tiếng đục đá chát chúa của anh. Tôi không hiểu hay không biết rằng: Trong lúc tôi đang thẩn thơ đi dạo dưới những bóng mát của cây rừng thì anh đang phơi mình dưới nắng gió; trong lúc tôi đang yên bề cầu nguyện để mong tìm gặp Chúa thì anh lại đang đổ mồ hôi cho công việc với nhiều nguy hiểm. Giêsu đang ở bên anh và đang làm việc với anh. Người làm để chia sẻ kiếp người lận đận và muôn vàn nỗi khổ đau của nhân thế. Người đến bên anh để tôi thấy rằng Người không phải là một vị Chúa ở mãi trên cao để tôi phải ngửa mặt tìm kiếm. Tiếng đục đá như tiếng Người thôi thúc tôi hãy từ bỏ cái vỏ ốc ấm áp nhưng ích kỷ của mình để đến với Người. Tiếng đục đá như tiếng Người trách móc tôi đã quá vô tâm trước nỗi vất vả của tha nhân.
Tôi hỏi anh sao không chuyển làm nghề khác cho đỡ mất sức và có thu nhập khá hơn. Anh trả lời: Biết làm gì đây. Nhà nghèo, ít học và đã có tuổi; vả lại, một mảnh đất cắm dùi cũng không. Sao “Giêsu của tôi” lại nghèo nàn đáng thương đến thế? Sao “Giêsu của tôi” lại cam chịu số phận đắng cay nghiệt ngã? Tôi không hiểu được – không bao giờ có thể hiểu được. Tôi nghĩ Người chỉ có thể ở trong những ngôi thánh đường lộng lẫy, những tu viện kín cổng cao tường hay ở một nơi nào đó trên khoảng không gian cao xa vô tận. Tôi đã quên máng cỏ Bêlem. Tôi đã quên xưởng mộc Nazarét. Và tôi cũng đã quên cây thập giá trên đỉnh đồi Canvê. Tiếng đục đá như tiếng Người gào thét thay cho cả nhân loại khổ đau dội vào tim tôi.
Tiếng đục đá của người thợ mà tôi quên hỏi tên còn làm vang dội trong tôi đủ loại hình ảnh và âm thanh khác đã từng đi qua đời tôi. Đó là tiếng rao hàng khàn khàn của những người bán dạo, là lời mời dai dẳng của những em bé bán vé số, là ánh mắt khẩn khoản, là đôi tay cáu bẩn và run rẩy của những người ăn xin… Và còn đó vô số những hình ảnh và âm thanh khác mà tôi luôn tìm cách né tránh khi phải đối diện với chúng. Tôi biết làm gì để giúp họ - những con người đang phải vật lộn với cuộc mưu sinh – ngoài việc đưa họ vào trong các giờ kinh nguyện?
Giêsu đã đến với họ và ở cùng họ. Tôi cũng muốn được ở cùng Người nhưng lại ngại phải dãi nắng dầm sương. Tôi không chịu được cảnh gió sương bên triền núi hay cái ồn ào, bụi bặm giữa lòng thành phố. Ôi Giêsu! Sao Người cứ muốn tôi phải đến những nơi tôi không muốn? Tôi thấy bế tắc để tìm ra câu trả lời. Và rồi máng cỏ Bêlem hiện về. Rách nát và hôi tanh giữa đồng hoang là túp lều tranh nơi Chúa tôi sinh hạ. Vẫn còn đó xưởng mộc Nazarét. Ngày ngày Người vẫn đổ mồ hôi trong tiếng đục, tiếng đẽo và mùi gỗ sặc nồng. Bóng chiều vàng đổ dài hình dáng cây thập giá trên đỉnh đồi Canvê. Người hấp hối trong cô đơn và sầu khổ với tấm thân trần nằm phơi giữa ngày đông giá lạnh. Sao Giêsu lại có thể làm thế? Tình yêu!!! Người cho tôi thấy tình yêu của Người nơi máng cỏ, nơi lều tranh và nơi thập giá. Còn tôi, tôi sẽ phải làm gì để Người thấy tình yêu của tôi? Đó có phải là chiếc bánh được trao cho người đói lả, là chiếc áo được gửi tặng cho người rách rưới, là ở bên và lắng nghe lời than thở của những tâm hồn sầu úa, là đến gần và lau giọt mồ hôi của người thợ vất vả…? Đó phải chăng là những điều Người đã làm và nay Người muốn tôi làm nếu tôi thực sự yêu mến Người? Tiếng đục đá như tiếng Người thôi thúc.
Đêm đêm, khi muôn loài đã say ngủ và màn sương dày đặc bao phủ khắp nơi, trong tôi vẫn vọng lên tiếng đục đá đều đều. Ôi! Tiếng đục đá bao giờ mới ngừng vang vọng bên triền núi? Và tiếng Chúa bao giờ mới ngừng thôi thúc trong tôi? Tôi có thể làm được gì trong lúc này khi chỉ là một tập sinh? Thế là tiếng đục đá cứ vẫn theo tôi vào giấc ngủ như một tiếng thở dài của nhân thế, chờ đợi một ngày mới bắt đầu với tiếng chim ca và ánh dương rực rỡ…
__________________________________
Đăng nhận xét