Mã số: 17-139
Trời Tây Nguyên về đêm lạnh giá, tiếng cú kêu nghe âm u thảm buồn. Con đường dốc chạy lòng vòng quanh rặng núi vào bản T’hine không có lấy một ngôi nhà, khiến cảm giác của người đi đường trong đêm càng thêm ớn lạnh.
Đi sâu vào trong làng, có khoảng ba chục nóc nhà ở quây quần với nhau. người Chu Ru sống hiền hòa đơn sơ chất phác. Họ sống dựa vào thiên nhiên núi đồi. Làm nương làm rẫy trồng hoa màu, săn bắt thú rừng kiếm thức ăn.
Cuộc sống thanh bình của họ dần bị xáo trộn bởi sự xuất hiện của người Kinh. Với dã tâm làm giàu trên mồ hôi nước măt của người khác bằng nhiều hình thức, từng bãi đất khai hoang màu mỡ của người Chu Ru dần mất vào tay họ. Đã đói nghèo lại càng nghèo đói hơn.
Gia đình K’vương là một gia đình lớn nhất ở thôn T’hine. Bố K’vương làm già làng. Cái khôn ngoan của ông không đủ sức ngăn sự lôi cuốn của đời sống vật chất mà xã hội hiện đại mang đến. Thủ đoạn của người Kinh là cứ bán chịu cho người trong làng tất cả những gì họ thích, rồi đến mùa họ sẽ thu nông sản để khấu trừ. Ai không đủ nông sản thì bán rẻ nương rẩy cho họ, hoặc săn bắn được những thú vật qúy hiếm thì bán cho họ trừ nợ.
Tuy đời sống vật chất được nâng cao nhưng cái nét dân dã nơi đây không còn nữa. Những thủ tục cưới xin ma chay cũng bị ảnh hưởng rất lớn, người ta không còn dựa trên những vật phẩm như chóe rượu cần, gùi gạo nếp, dây cườm hạt cây, con trâu cái tơ và nhiều thứ khác nữa. Thay vào đó là dùng tiền làm đơn vị thách cưới của nhà trai đối với nhà gái. Tập tục của người Chu Ru là đi bắt chồng, một người con gái muốn lấy dược chồng phải chấp nhận số tiền bao nhiêu tùy bên nhà trai đưa ra, tiền thách cưới ít nhất cũng hai cây vàng.
K’vương và Ma năng lấy nhau không theo tập tục mới. Hai gia đình thống nhất với nhau theo tục cũ. Họ cũng là đôi vợ chồng đầu tiên được cử hành nghi lễ cưới xin theo nghi thức Công giáo, dưới sự chủ trì của Ama Quang. Gia đình K’vương là gia đình đầu tiên tin đạo. Cái đám cưới đơn sơ mộc mạc của hai bên gia đình khiến cho người trong làng bàn tán xôn xao. Kẻ trọng tiền bạc thì cười, người giàu tình nghĩa thì khen. Nhưng đó quả thực là một bước ngoặc lớn mà nguời tông đồ của Chúa đang âm thầm thực hiện.
Là một người đã từng sống chung với người bản xứ nên cha Quang rất am hiểu văn hóa người Chu Ru. Được bề trên dòng đặc trách sai về mở rộng vùng truyền giáo, cha không biết phải làm gì với cánh đồng hoang vu mà cha được sai đến, cha chỉ biết dâng lên Chúa tất cả qua sự chuyển cầu của Đức Mẹ.
Cha ở lại nhà già làng K’mia bố của K’vương, cùng đi rẫy, cùng làm, cùng ăn với họ, cùng tham gia mọi hoạt động tập tục văn hóa của họ, qua đó cha dần giải thích cho họ hiểu về sự hiện diện của Chúa trong tín ngưỡng của họ mà họ vẫn gọi Thượng Đế là Giàng.
Bước ngoặc lớn nhất của cha là gỡ bỏ được cái bàn thờ ma làng trong góc bếp của già làng K’mia, và thay vào đó là bàn thờ Thiên Chúa.
Cả nhà K’vương được rửa tội, đó là một sự kiện trọng đại trong việc truyền giáo tại đây. Họ trìu mến và gọi cha là Ama. Tiêng Chu Ru nghĩa là bố, là cha. Một khi già làng đã tin theo thì tất cả người trong buôn làng đều dễ dàng tin theo.
Đối với cha Quang, điều khó nhất là làm sao để họ thăng tiến trong đời sống vật chất nhưng vẫn giữ được thuần túy cái nét văn hóa của họ, tránh khỏi những dụ dỗ của các con buôn người kinh.
Đời sống vật chất dần được cải thiện, người trong làng không còn đem đất bán cho người kinh nữa, những tập tục mê tín dần được bỏ, thay vào đó là niềm tin vào Chúa.
Mất miếng ăn nên các con buôn quay ra làm khó cha. Đứng đầu các con buôn là Ba Sẹo. Họ báo cho chính quyền và vu khống cho cha tội tuyên truyền mê tín và chống phá nhà nước.
Ở đời không ăn được thì đạp đổ là lẽ thường tình. Vì muốn điều tra thực hư như thé nào cho rõ ràng nên chính quyền nhà nước đã vào can thiệp và yêu cầu cha ngưng lại các hoạt động tôn giáo. Lòng ngậm ngùi đầy buồn phiền không biết phải làm sao, cha chỉ biết dâng lên Đức Mẹ Fatima lời thở than. Chính quyền yêu cầu cha rời khỏi đây, cha đành gạt nước mắt ra đi để lại đàn chiên bơ vơ giữa cánh đồng đầy sói dữ.
Cha đi rồi, một mình già làng K’mia phải cố gắng duy trì đời sống đức tin cho những người đã tin đạo, nhưng với niềm tin còn non nớt mà già làng mơi lãnh nhận không đủ khả năng để giữ lấy đàn chiên không có chủ chăn, từng con bỏ đàn và gia nhập lại với truyền thống tập tục cũ.
Ba Sẹo lại cầm đầu bọn con buôn tràn vào làng làm đảo lộn nếp sống nơi đây. Dù cố gắng thế nào đi nữa thì già làng vẫn không thể biết được những mánh lới làm ăn của các con buôn . Lúc có cha Quang thì cha hiểu được vì cha thừa biết kiểu cách làm ăn của người Kinh.
K’vương có được chiếc xe máy cha Quang để lại nên cứ cuối tuần anh lại chạy ra ngoài thị trấn cách làng cả trăm cây số để trình bày sự việc trong làng với cha và xin bánh lễ về cử hành cầu nguyện chung.
Nhìn cảnh thanh niên trong làng ngày càng trở nên hư hỏng vì rượu chè và cờ bạc, lòng K’vương nặng trĩu nổi lo. Họ không còn siêng năng việc nương rẫy. Những trò vui mà người kinh mang đến lôi kéo thanh niên khỏi những buổi đọc kinh chung. Lòng đầy thao thức mà không biết làm sao. Anh chỉ mong cha chóng quay trở lại, chỉ có cha nói thì may ra người trong làng mới chịu nghe.
Đã qua hai cái mùa khô, khắp trên nương rẫy người ta chất từng đống củi rác để đốt, dọn đất để chờ một vụ mùa mới. Riêng nhà K’vương thì đã có hai mẫu đất trồng cà phê, năm nay đã được hái bói. Niềm vui rạng ngời trên gương mặt già làng K’mia, đó là kết quả của sự vâng lời mà ông có được khi nghe Ama Quang.
Cái văn hóa du canh du cư đã ăn sâu vào cách sống của con người nơi đây. Họ chỉ trồng cây ngô, cây sắn, và một số nông sản địa phương, ngoài ra họ còn trồng lúa ở các chỗ trũng thấp của các thung lũng trong dãy núi mà thôi. Cha Quang biết được chỗ này có thể trồng các loại cây như cà phê, sầu riêng, và trà, cho nên đã kêu gia đình già làng cùng với bà con trong làng giữ đất trồng cà phê. Nhưng cả làng không chịu nghe, chỉ có mình già làng K’mia chịu làm theo lời cha Quang chỉ.
Ngoài việc vẫn canh tác các vạt đất khác làm hoa màu, già làng K’mia dành riêng hai mẫu đất và bảo K’vương cùng vợ là Ma năng trồng cà phê. Vì chưa có hệ thống tưới nước cho cây nên họ phải hạ giống vào mùa mưa. Sau đó cha Quang xin được một chiếc máy bơm nước chạy bằng dầu về, mùa khô mới giữ cho cây được tươi tốt.
Trải qua hai mùa khô, đối với người Chu Ru, họ không quen chờ đợi để thu hoạch. Và họ cũng chưa biết cây cà phê là thứ cây gì. Có lúc K’vương cũng chán, anh không muốn chăm sóc cho mảnh vườn nữa, nhưng được sự động viên từ xa của Ama Quang nên anh vẫn giữ cho mảnh vườn được tươi tốt.
Ba Sẹo thấy được cái lợi trước mắt nên đã tìm cách để chiếm mảnh vườn. Một mặt hắn mua chuộc các thầy mo, thầy cúng trong làng phao tin lên rằng, vì gia đình già làng K’mia trồng thứ loại cây lạ nên Giàng không ưng cái bụng, Giàng phạt mất mùa khiến năm nay sâu bọ phá hết hoa màu.
Chiều nay trên rẫy, hai vợ chồng K’vương đơn phương chống chọi với cả làng, thầy cúng Ja-tao lại là bố của Ma năng, tức là bố vợ của K’vương lên tiếng:
- Ơ! ... K’vương…. Mày trồng thứ cây này không được rồi… đất này Giàng chỉ cho trồng ngô sắn thôi… Giàng không ưng cái bụng. Mày làm cả làng bị Giàng phạt rồi… năm nay bị mất mùa rồi.
- Ơ!...mày nói không đúng rồi…. Giàng không ưng cái bụng khi mày bán đất cho người Kinh trồng thuốc phiện nên Giàng phạt… Đất là của người Chu Ru….bọn mày đem bán cho người Kinh nên Giàng không ưng cái bụng đó thôi.- K’vương mạnh mẽ đáp lại.
- Không phải đâu thằng K’vương ạ… Tao cúng cho ma làng, ma làng bảo mày bỏ không thờ Giàng, không thờ ma làng nữa nên Giàng phạt đó.- Thầy cúng Ja-tao lại nói.
- Không phải đâu Ja-tao…. Tao biết Giàng tên gì rồi. Tao vẫn thờ Giàng nhưng tao thờ tên của Người. Người chỉ cho tao cách thờ phượng người như thế nào cho đúng thôi. Tao không có bỏ Người…. nên Người chúc phúc cho gia đình tao…. Năm nay nhà tao được mùa… cây cà phê Ama Quang bảo tao trồng giờ có trái rồi… tao không gạt mày đâu Ja-tao ạ.
- Thế Giàng tên gì?
- Giàng tên là Giê-su.
- Thế Giàng có mẹ không?
- Có chứ… Mẹ Người tên là Maria.
Nghe thế cả đám người bên kia cười ồ lên. Thầy cúng Ja-tao nói lớn:
- Cả làng nghe chưa…. Giàng làm gì có mẹ…. phá nát cái rẫy cây của nó đi… tại nó mà Giàng phạt đấy cả làng ạ.
Đám người xôn xao, kẻ dao người búa chực xông vào phá rẫy cà phê đang chuẩn bị cho thu hoạch. Hai vợ chồng K’vương rất lo sợ. Đang lúc không biết làm gì thì từ đàng xa, con voi Phia của nhà K’vương lao nhanh tới, nó gầm thét lên có vẻ đầy giận dữ, rồi lao vào đám người đang hung hăng chực phá nát đám rẫy cà phê của K’vương. Đám người vội bỏ chạy tán loạn. Họ không hiểu tại sao con Phia thường ngày rất hiền lành ai tới gần nó vuốt ve đùa giỡn đều được, vậy mà hôm nay nó lại hung dữ như thế để bảo vệ cho K’vương. Chỉ duy nhất già làng K’mia mới được phép sử dụng voi. Và đó cũng là đặc ân của mọi người dành cho vị trưởng làng.
Con voi Phia đã cùng với K’vương bảo vệ rẫy cà phê cho đến hết ngày thu hoạch. Cha Quang đã nhờ người thân quen vào tận nơi thu mua cà phê cho già làng K’mia. Vụ mùa đó Già làng đã có thể đủ tiền để mua được một cái máy xới và cất được một căn nhà khang trang. Người trong làng đã chuyển thái độ thù ghét sang lòng ngưỡng mộ. Từ đó nhiều người đã trở lại với niềm tin vào Chúa.
_____________________________________________
Đăng nhận xét