tháng 6 2017

* Maria Thảo Nguyên –Vinh- 
Những kỉ niệm và ấn tượng lần đầu bao giờ cũng thật sâu và đậm. Chúa đã “quyến rũ” tôi bằng những cái “lần đầu” như thế…

Lần đầu tiên một chuyến đi dã ngoại
Nơi Nhà Dòng, tôi được vé tham gia
Cảm tạ Chúa, tình Ngài quá bao la
Đã ưu ái, quan phòng và sắp xếp
Tôi còn nhớ in cảm giác đêm hôm trước
Một chút buồn vì biết chẳng được đi
Nhưng vượt lên hết tôi vui vẻ ngại chi
Phó thác Chúa, và cuối cùng Ngài đổi ý.

Lần đầu tiên- một điểm dừng thú vị
Mảnh đất La Vang nơi tôi lỗi hẹn bao lần
Gặp được Mẹ, tôi sung sướng bội phần
Trút cho Mẹ bao tâm tình chất chứa
Tạ ơn Mẹ đã yêu thương phù trợ
Dâng lên Mẹ chuỗi ngày dài sắp đi
Cùng tin Mẹ sẽ tiếp tục độ trì
Cho cha mẹ, quý Soeurs cùng các chị.

Rồi chiêm ngắm một công trình kì vĩ
Lần đầu tiên đến với Động Thiên Đường
Mắt nhìn, chân đi, miệng lưỡi tán dương
Chúc tụng Chúa- Đấng Hóa Công tuyệt diệu
Tôi muốn thét vang cho mọi người được hiểu
Mọi sự đều do Thiên Chúa đã tạo thành
Núi đồi, hang động phải ca ngợi Thánh Danh
Mà cớ sao con người nhanh từ khước!?

Và tôi bước những nấc thang phía trước
Ra khỏi “Thiên Đường” để về với “thế gian”
Sống dưới thế gian nhưng hồn hướng Thiên Đàng
Nơi quê thật, suốt đời tôi tìm kiếm.

Cuộc đời tôi là chuyến đi mạo hiểm
Lội ngược dòng nhiều thử thách gai chông
Nhưng có Chúa, tôi vững niềm cậy trông

Tôi trót yêu Ngài- mối tình đầu và mãi mãi.

Mã số: 17-152

 

“Cũng như sao mai dẫn tới mặt trời thế nào, thì Mẹ Maria cũng dẫn ta đến với Chúa Giêsu như vậy. Người trỏ cho chúng ta hướng về Chúa Giêsu, mặt trời công chính, và giục chúng ta hãy tìm đến nguồn sáng và nguồn sống”. (Trích conggiao.info )

Đối với một người ngoại đạo như tôi thì việc gặp một người xa lạ nhiều lần trong giấc mơ là một điều lạ lùng.

Thuở mười tám, đôi mươi, tôi hay nằm mơ thấy một người phụ nữ trẻ, khuôn mặt thanh tú và đặc biệt là vầng hào quang trên đầu bà ấy luôn sáng ngời. Mỗi khi xuất hiện trong giấc mơ, bà ấy luôn mỉm cười với tôi. Bà thật đẹp!

Giấc mơ về người phụ nữ ấy luôn lặp đi lặp lại trong những giấc ngủ của tôi. Có lần tôi kể cho mẹ tôi nghe về giấc mơ và về người phụ nữ xinh đẹp ấy. Mẹ tôi nói: “Tao thấy mày tả giống Đức Mẹ của mấy người đạo Chúa quá! Mày có theo đạo Chúa thì theo. Tao nghe người ta nói đạo Thiên Chúa có lúa cho vay”. Tôi có hỏi thì bà giải thích: “Theo đạo Thiên Chúa thì giàu, có lúa cho người khác vay”. Câu chuyện cũng dừng lại ở đó. Tôi theo bạn bè lên Sài Gòn đi làm công nhân. Sau đó, lấy chồng và sinh con. Nhưng những giấc mơ về người phụ nữ ấy thỉnh thoảng vẫn len lỏi vào trong giấc ngủ của tôi.

Hai vợ chồng tôi ở trong một căn nhà thuê chật hẹp tại quận Bình Thạnh, nóng nực và tù túng. Bao năm vất vả, chúng tôi mong ước có một căn nhà nhỏ để vợ chồng, con cái có chỗ chui ra chui vào nhưng mãi vẫn không thực hiện được.

Một hôm có mấy người theo đạo Tin Lành đến thuyết phục tôi theo đạo. Họ đến nhà tôi rất nhiều lần, nói với tôi nhiều điều về cuộc sống, sinh hoạt ở Đạo họ, cùng những điều tốt đẹp mà nếu theo thì tôi sẽ được nhận, nhưng tôi không đi. Cuối cùng, thấy họ năn nỉ mãi, tôi xiêu lòng và đồng ý đi cùng họ. Sáng hôm ấy, tôi dắt xe đạp ra đường. Đến đầu hẻm, bánh xe của tôi phát nổ. Tìm mãi không thấy tiệm sửa xe nào mở cửa, tôi đâm nản, quyết định không đi nữa.

Khoảng 10 giờ trưa hôm đó, Tiến – cô hàng xóm ở cùng hẻm với tôi đi làm về. Tôi kể cho cô ấy nghe chuyện của mình. Tiến nói:

- Chị không đi với họ thì đi với em. Hôm nay ngày 13 tháng 5, em đi lễ bên nhà thờ Fatima Bình Triệu nè. Lễ kỉ niệm Đức Mẹ hiện ra đó chị. Nhiều người được ơn lắm!

- Xin cho được cái nhà thì tao cũng ráng đi. Nếu cho có nhà có cửa thì tao theo đạo luôn! Tôi cười đùa.

- Thì chị đi, cầu xin Mẹ cho chị cái nhà. Mẹ ban ơn cho nhiều người lắm đó. Biết đâu chị thành tâm, Mẹ ban ơn cho chị thì sao!

Nghe Tiến nói, tôi cũng muốn đi một lần cho biết, một phần vì muốn đi cùng cô bạn, phần khác vì tò mò. Trưa ngày 13/5, hai chị em đi xe ôm đến nhà thờ. Hôm ấy, người ta từ khắp nơi đổ về tham dự Thánh lễ khiến khuôn viên nhà thờ chật ních và ồn ào. Nghe Tiến nói, Thánh lễ được tổ chức vào 12 giờ trưa, nhưng phải đến sớm hơn cho thoải mái, "gột rửa tâm can gì đó" để đón Chúa nên chúng tôi có mặt từ 11h30. Ấy vậy mà tìm mãi mới được chỗ đứng trong nhà thờ.

Vừa nhìn thấy tượng Đức Mẹ, tôi giật bắn mình vì thấy sao bà này giống trong giấc mơ của mình quá. Bần thần một hồi lâu, chưa kịp quay sang hỏi Tiến thì chuông điểm thánh lễ vang lên, mọi người bắt đầu đứng nghiêm trang, khoanh tay trước ngực và đọc kinh, cúi chào một người áo mặc áo trắng mà họ hay gọi là “cha” vừa bước ra.

Lúc đầu, tôi đâm ngại vì thấy các nghi lễ này nhiều thủ tục quá, có phần không quen, nên chỉ đứng yên một chỗ. Nhưng vì sợ mọi người nhìn mình nên cũng làm theo mà không rõ để làm gì. Họ đứng, tôi cũng đứng, rồi quỳ, mình cũng bắt chước quỳ theo, thậm chí làm theo động tác dấu ấn của họ nữa.

Thú thực, tôi chỉ muốn nó kết thúc thật nhanh, để còn kể cho Tiến nghe câu chuyện của mình. Nhưng càng gần đến cuối lễ, tôi bắt đầu hòa nhập, những lời “cha” giảng lúc đầu dần thấm đượm và mang nhiều ý nghĩa. Kỳ lạ hơn, suốt cả buổi lễ, tôi luôn có cảm giác có ai đó đang đồng hành cùng mình, dõi theo mọi cảm xúc trong tư tưởng, mà không thể lý giải. Mỗi lần như vậy, tôi lại ngước đầu lên nhìn tượng Đức Mẹ và đăm chiêu lắm.

Lễ xong, tôi kể cho Tiến nghe chuyện của mình. Cô ấy nói: “ Chắc Đức Mẹ dẫn dắt chị tới đây. Chị xin Mẹ cho chị mua được nhà đi”. Nghe vậy, tôi cũng âm thầm cầu xin mặc dù tôi cũng không tin chắc có được hay không?

Ba ngày sau, cô em họ của tôi dẫn theo một người bạn đến nhà tôi chơi. Ngồi kể chuyện mới biết cô bạn đó đang muốn mua một miếng đất ở Bình Dương mà chưa đủ tiền. Tôi hỏi giá tiền rồi bàn nhau hùn mua rồi chia sau.

Hai ngày sau đó, vợ chồng tôi chạy xe máy từ Sài Gòn xuống Bình Dương xem đất. Đoạn đường từ nhà tôi đến miếng đất đó đúng 13 cây số (Chắc chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên thôi!). Miếng đất chúng tôi định mua nằm gần giáo xứ Phú Long ở Bình Dương. Trên con đường dẫn vào nhà thờ, vừa qua chỗ rẽ, tôi giật mình thấy tượng Đức Mẹ cao sừng sững bên đường. “ Ủa, sao bà này theo mình hoài vậy trời!”.

Xem đất, thấy ưng ý, hai vợ chồng tôi cùng đi làm giấy tờ. Để ý mới thấy, mọi giấy tờ về nhà cửa, đất đai đều phải ngày 13 mới xong (không phải 13 dương lịch thì cũng là ngày 13 âm lịch). Có lần chúng tôi đi công chứng giấy vào ngày 12 mà họ cũng hẹn sang ngày 13 mới lấy được.

Ngẫm đến nhiều việc lạ lùng liên quan đến con số 13 linh thiêng, tôi thầm cầu: “Nếu mẹ cho con mua được đất ở đây, gần nhà thờ, con xin đi theo Mẹ, con xin theo Chúa”.

Thế là mấy ngày sau, mọi thủ tục mua bán, xây dựng được hoàn tất. Căn nhà nhỏ của chúng tôi được hoàn thành sau hai tháng. Khi nhà cửa xong xuôi, ổn định chúng tôi đã có một ngôi nhà của riêng mình, không phải đi ở nhà thuê nữa. Cảm giác của chúng tôi khi ấy thật lâng lâng khó tả. Riêng bản thân tôi đã cảm thấy mình được Mẹ ban nhiều ơn cho gia đình, tôi đến thưa chuyện cùng cha ở nhà thờ Fatima:

- Con chào cha, con là người ngoại đạo. Con thường gặp Đức Mẹ trong những giấc mơ lúc con còn trẻ. Vào ngày 13/5 có một người bạn đã dẫn con đến nhà thờ này và tham dự thánh lễ hôm đó. Sau buổi lễ, con cảm nhận được rất nhiều ơn Mẹ ban cho con. Con cũng hứa với Mẹ nếu Mẹ chấp nhận lời cầu xin của con, con sẽ theo Mẹ, theo Chúa. Bây giờ xin cha giúp con thực hiện lời hứa với Mẹ.

- Con đã cảm nghiệm được ơn lành Đức Mẹ ban cho con và có lòng mong muốn đến với Chúa, với Mẹ. Cha sẽ giúp con. Theo quy định, khi nhận bí tích Rửa tội để gia nhập đạo Công giáo, con cần có một người đỡ đầu để hướng dẫn con trên đường theo Chúa. Ai là người đưa dẫn con đến với Đức Mẹ? Con hãy nhận người đó làm mẹ đỡ đầu cho con!

- Nhưng cô ấy nhỏ tuổi hơn con, con không thể nhận cô ấy làm mẹ đỡ đầu được!

- Cha sẽ nhờ người đỡ đầu cho con khi con nhận phép rửa tội…

Trong thời gian học hỏi giáo lí, tìm hiểu về đạo tôi mới nhận ra nhiều điều: Đạo Công giáo là đạo của yêu thương và lòng bác ái, tôi cũng được biết Thiên Chúa là Đấng Tối cao đã tạo nên trời đất, muôn vật và con người; Hãy tôn kính Ngài đồng thời cũng có thể xem Ngài là bạn để ta chia sẻ mọi thứ trong cuộc sống… Một điều cực kì thú vị về Đức Mẹ mà tôi biết: Mẹ là Đấng trung gian chuyển cầu những mong muốn của tôi đến với Chúa, là người dẫn dắt tôi đến với Chúa, đến với nguồn sống, ánh sáng. Khi đã đi học, được biết nhiều điều, tôi như được mở mang đầu óc, được cảm hóa bản thân để hướng tới những điều tốt đẹp.

Sau khóa học, tôi được nhận lãnh bí tích rửa tội. Mẹ đỡ đầu của tôi cũng từng là tân tòng như tôi, cũng từng được Đức Mẹ dẫn dắt đến với Chúa như tôi. Thật là một sự sắp xếp khéo léo của Đấng Tạo Hóa.

Khi được khoác lên mình tấm áo trắng, tôi thấy rưng rưng trong lòng. Tôi hãnh diện và vui mừng khi bước theo chân Mẹ, sống dưới sự thương yêu, che chở của Mẹ. Thế là từ nay tôi đã đường đường chính chính gọi Mẹ là Mẹ. Tôi đã có Mẹ chỉ đường, đã có Mẹ hướng dẫn, đã có Mẹ dẫn tôi đi trên con đường mới – Con đường của niềm tin và yêu thương.

Từ đó, vào ngày 13/5, 13/10 hằng năm, tôi đều trở về nhà thờ Fatima, trở về nơi tôi đã gặp Mẹ lần đầu để cảm tạ Mẹ đã yêu thương, che chở cho tôi.

Đến bây giờ, chuyện lạ lùng nhất đối với tôi là việc gặp lại Tiến – Cô bạn đã dẫn tôi đến với đạo. Hai chúng tôi chẳng bao giờ hẹn trước. Đến nhà thờ, tôi chỉ cần cầu với Mẹ: “Mẹ ơi, Mẹ xem con Tiến có đi lễ không, Mẹ kêu nó vô đây giùm con nha Mẹ!”. Dứt lời, tôi đã giáp mặt Tiến. Trăm lần như một. Tôi nói với Tiến: “Mẹ linh thiệt đó mày!”.

___________________________


L
   ạy Chúa,
   ngày đã lùi dần,
   màn đêm buông xuống.
Ngoài kia dòng người tất tả trở về,
về với mái nhà ấm êm của họ.
Trong căn phòng này con cũng muốn tìm về,
về với cõi lặng yên thân thuộc, về với chính mình.

Trong màn đêm thinh vắng hôm nay
xin cho con được sống thật với mình.
Xin giúp con nhận ra
bao âu lo và khắc khoải
đã tự lâu con cứ tự mình che lấp.
Xin gỡ con khỏi những ồn ào
và lay tỉnh con khỏi những mê đắm chìm say.
Xin cho con ơn can đảm
đối diện với mình và đối diện với Chúa,
để con có thể thì thầm kể lể với Ngài
và để được Ngài dẫn bước đời con.

Xin đổ ngập lòng con niềm hạnh phúc
của một người đã có Chúa.
Xin lay con tỉnh giấc,
để con cất bước ra đi.
Đến với anh người con khó chịu,
đến với em người con có lỗi.
đến với Ngài chân thành cởi mở,
đến với con chân nhận mình là...

Lạy Chúa
trong màn đêm thinh không,
xin cho con lặng yên say mê Chúa.
Khi bao bận vướng đời con được tháo cởi 
con vui bước hành trình, trong thanh thoát nhẹ nhàng.


Tác giả: Lặng Yên

Bài tham gia mục "Góc Cầu Nguyện", 
xin gởi về địa chỉ email: giaansj@gmail.com

Mã số: 17-149

 

Tôi không theo đạo. Tôi cũng chẳng tin vào thánh thần. Tôi chẳng đặt quá nhiều niềm tin vào ai cả. Tôi chỉ tin tôi.

Nhưng tôi yêu em, một người có đạo.

Màn đêm trùi trụi ánh trăng khuya. Tôi đoan chắc rằng mình chưa hề tin vào những mầu nhiệm của tôn giáo. Tôi càng không dễ bị thuyết phục bởi những ý niệm xa vời với lý trí đòi thực chứng của mình. Dưới ánh trăng lõa lồ, tôi cố giải thích xem tại sao lại có nhiều người tin vào một Đấng tạo hóa tới vậy. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, là họ mù quáng đến ngớ ngẩn. Nhưng còn biết bao bậc vĩ nhân, những nhà bác học kiệt xuất tin theo, thì quả là tôi đang bế tắc.

Ánh trăng như bong tróc từng mảng xuống mỗi ngọn sóng đang gầm gừ kia rồi loang ra khắp mặt biển. Sóng ngoạm sâu vào những ghềnh đá lỗ rỗ như muốn nuốt chửng chúng. Lòng tôi vẳng lại những cung bậc của tình yêu.

- Anh yêu em chứ?

- Em biết anh nghĩ gì mà

- Anh sẽ tôn trọng và giữ gìn cho nhau tới ngày mình cưới chứ?

- Tất nhiên rồi.

Em nép vào tôi. Em hay nói về Chúa, về Kinh thánh, về những điều hết thật xa lạ với tôi. Em tặng tôi một bức tượng nhỏ, em bảo đó là tượng Đức Mẹ Fatima, Mẹ sẽ che chở cho tôi. Không vồ vập, tôi miễn cưỡng nhận lấy. Tôi có một suy nghĩ hơi ác ý một chút lúc đó, đây chỉ là một khối đá được chế tác, không có gì là thiêng liêng hay mầu nhiệm gì cả.

Tại sao em lại dành nhiều khoảng thời gian cầu nguyện với Chúa và Đức Maria? Tại sao em lại thánh thiện tới vậy? Tại sao em luôn làm việc tốt nhưng vẫn luôn nhận mình là người tội lỗi mỏng giòn? Mỗi câu hỏi nho nhỏ ấy khiến tôi nghĩ ngợi.

Làm thế nào để tin vào một Đấng mà tôi không thể nhìn thấy? Tôi đã từng đọc Cựu ước, cả Tân ước nữa, nhưng quả là khó hiểu. Những gì tôi biết về Chúa, chủ yếu là từ em, một người ngoan đạo.

- Bố mẹ em không muốn con gái lấy chồng ngoại đạo đâu anh!

- Tại sao hả em?

- Chúng em phải tuân giữ lề luật của Giáo hội. Khi đã lập gia đình, thì không được ly hôn. Ngoại tình và đi bước nữa khi cả hai còn sống là điều bị cấm. Mọi chuẩn mực đều khá nghiêm ngặt. Bố mẹ em lo lấy người ngoại đạo sẽ không giữ được.

- Em không tin anh sao?

- Em tin anh, em yêu anh, và luôn giữ sự tôn trọng nơi anh

- Nếu ta lấy nhau thì sẽ gặp những khó khăn gì đây?

- Anh sẽ được học đạo, học giáo lý, khi đủ thời gian và điều kiện thì sẽ cưới.

- Tại sao lại ép buộc như vậy hả em?

- Em nghĩ rằng, mọi cha mẹ đều muốn dành những gì tốt nhất cho con cái. Nếu theo đạo là không tốt, em tin là bố mẹ sẽ không cho em theo. Em yêu anh, nên em cũng muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho anh.

Những mẩu đối thoại ngắn ngủi ấy, mặc dù tôi không hiểu gì nhiều về đạo, nhưng quả thật có khiến tôi tò mò.

Tôi nhìn xuống mặt nước, lòng dềnh lên mênh mang.

Em kể với tôi về một người bạn Tin lành. Cô ấy nói với em rằng, giáo dân Công giáo nhìn chung rất lười đọc Kinh thánh, và nhiều khi chẳng dám tuyên xưng đức tin của mình với những người ngoại đạo. Chỉ một việc đơn giản là làm dấu thánh trước bữa ăn khi có những người không cùng đạo, mà nhiều người cũng không dám. Đôi mắt em thoáng u ẩn buồn khi chia sẻ những điều ấy.

Tiếng gió thổi ro ro bên tai. Tôi rùng mình khi nhìn mãi ra mặt biển phía chân trời thăm thẳm. Chúng như có cả triệu triệu mảnh trăng vỡ vụn trong sóng nước, chồng chồng lớp lớp những viền sóng oàm oạp vào bờ. Tôi lãng đãng nghĩ về thế giới tâm linh, về cõi vô hình, về những điều mà dường như lý trí tôi không thể có một lời giải thích đích đáng nổi. Tôi thấy thời điểm này cuộc đời mình như một hạt bụi dấp dính nơi lá cây và chẳng có quyền quyết định mình sẽ đi đâu, sẽ ở lại bao lâu nơi chiếc lá. Dường như có một điều gì đó nơi cõi vô hình cứ ám ảnh mãi tôi. Tôi rút bức tượng Đức Mẹ Fatima ra. Một cảm giác bình an choán lấy tâm hồn tôi.

Tôi nhớ lại cảnh đập phá nhà thờ, cảnh chém giết những người Công giáo, cảnh những con người bé mọn ấy bị kỳ thị thông qua những hình ảnh, những bài viết, những video mà tôi xem được. Họ cầu nguyện chân thành khi bị vu khống và lăng nhục, họ đoàn kết nhau lên tiếng khi thấy những cảnh bất công, họ dành những khoản tiền nho nhỏ để giúp đỡ những vùng chịu thiên tai và những hoàn cảnh khó khăn. Nhưng tôi cũng thấy không ít những gương mù, gương xấu trong số họ. Tôi thấy có những người chẳng bao giờ đến nhà thờ, tôi thấy có người hàng chục năm không đi xưng tội, tôi thấy có cả những người Công giáo sống thử, tôi thấy có cả người trong số họ đi phá thai, tôi thấy có cả người trộm cắp. Những suy nghĩ ấy cứ xoắn vặn lại trong tâm trí tôi.

Tôi ấp bức tượng Đức Mẹ Fatima vào lòng. Đức Maria được tôn kính ở vị trí đặc biệt trong Giáo hội Công giáo, có lẽ gọi là biệt kính như cách gọi ở đâu đó mà tôi từng đọc được. Đối với em cũng vậy, em luôn cầu nguyện với Đức Mẹ và Chúa vào mỗi tối, thú thực là tôi chẳng hiểu em mỗi khi như vậy. Bật đèn điện thoại lên, tôi đọc lại những dòng chữ nắn nót trong cuốn sổ nhỏ:

“ Ngày 29- 10 năm...: Chúa là con súc vật- Hãy tha thứ và cầu nguyện cho họ.

20-7 năm...: Chúa vẫn sống khi được tháo xác xuống- Hãy tha thứ và giải thích vào ngày mai.

09- 07 năm...: Maria có con mà không phải của chồng- Hãy tha thứ, giải thích và cầu nguyện cho họ.

02- 04 năm...: Chúa là thằng điên, luôn làm nhiễu loạn cho xã hội từ lúc sống cho tới bây giờ...: Hãy tha thứ và cầu nguyện cho họ.

08- 05 năm...: Chúa là kẻ bất hiếu, luôn lảng tránh gặp mẹ khi trưởng thành: Hãy tha thứ và cầu nguyện cho họ.

....”

Vậy là tôi chỉ còn cuốn sổ tay nhỏ và bức tượng này của em làm kỷ vật. Em ghi rất nhiều lời lẽ mà em cảm thấy bị xúc phạm vào cuốn sổ ấy. Sau mỗi lời xúc phạm, em đều cẩn thận ghi lại nhiều nhất chữ tha thứ và cầu nguyện.

Nhắm mắt lại, tôi cảm thấy đức tin mạnh mẽ nơi em cho đến phút cuối cùng. Chính chỗ vùng biển này, em đã mãi ra đi khi cố cứu lấy một cô bé bị đuối nước. Tiếng ràn rạt của gió phả lên những ngọn cây phía sau hòa cùng tiếng sóng ào ào phía trước. Tôi ôm chặt lấy bức tượng Đức Mẹ Fatima hơn nữa. Tôi cứ ngồi ngắm biển nơi đây và nhung nhớ về em, tôi biết, sẽ đến lúc tôi phải về.

______________________________

Mã số: 17-147

- Thế tóm lại anh có chịu đi không?

- Dạ, lạy cha, con không ngại bất cứ việc gì, nhưng việc này thì…

- Chứ ở đây anh không chịu đi thì ai đi?

- Nhưng thưa cha…

- Ý anh là tôi đi à, thế anh thay tôi quản Xứ nhé?

- Dạ, lạy cha, con không dám, ý con là…

- Thôi không nói nhiều, cho anh thêm mười phút để suy nghĩ. Nhớ! Đây là lệnh, không còn là chuyện thương lượng, xung phong gì nữa nhé…

Cha Xứ bước ra cửa. Phòng họp Giáo lý viên nhốn nháo. Chiến ngồi thừ người ra, mặt tái xanh tái xám. Là “lệnh” rồi nhé, coi như “xong”, còn bàn với cãi gì nữa!

- Ông hơi bị liều nhé, dám cãi cả Cha…

- Thôi, “vâng lời hơn của lễ”, mà Cha nói rồi đấy, ông không đi thì ai đi…

- Ông làm gì mà căng thẳng thế, cứ như Chúa đi chịu nạn không bằng ấy…

Chiến quay ngoắt lại:

- Ông nào vừa nói câu đó, ông nào nói?

- Là tôi, là tôi đấy!

- Ông giỏi thì đi đi, sao lúc nãy cha bảo “tinh thần xung phong” không thấy cánh tay ông giơ lên…

- Tôi mà giỏi như ông, được tín nhiệm như ông thì khỏi phải bàn luôn ấy…

- Hừ…

Chiến nghẹn giọng, anh lảo đảo bước ra cửa cho thoáng chứ cái phòng này ngột ngạt không thở nổi. Phía trước anh là tượng Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Chiến lại gần, “Lạy Mẹ, xin cứu giúp con”. Bỗng “bộp”, một bàn tay vỗ vào vai anh: “Muốn Mẹ giúp thì ông phải tự cứu mình trước đã”, ra là ông bạn nối khố đang phụ giúp nhà thờ trông coi xe.

- Ông biết gì mà nói…

- Tôi bó tay với mấy Giáo lý viên nhà ông. Có mỗi chuyện cử người sang Tin Lành học hỏi thêm cách dạy Giáo lý và truyền giáo mà cứ đùn đẩy nhau, ông bà cũng nào sợ mất phần Nước Trời. Nghĩ xem, ông sang bên ấy nhỡ có bị “dụ dỗ” rồi theo Tin Lành luôn thì cũng đâu phải vấn đề lớn? Cùng tin một Chúa thì cũng về cùng một Thiên Đàng thôi, đi đâu mà sợ? Bên Tin Lành chẳng phải cho rằng: Một khi lãnh nhận Phép Rửa là đã có phần phúc Nước Trời, chỉ cần sống sao cho phải, vậy các ông theo Tin Lành “cho khỏe”, đỡ lăn tăn. Mai mốt “Đại Kết”, “họ” cũng như “ta”, “ta” cũng như “họ”. Các ông làm như “ta” và “họ” ở hai chiến tuyến ấy, không có tinh thần hiệp nhất vậy đến đời nào mới “Đại Kết” được! Đùa chứ chuyện này mà để bọn con nít biết, nó chả cười cho, lúc đó đừng bảo các ông các bà không dạy dỗ được tụi nó nhé…

- Ơ…

Chiến rùng mình. Tiết trời đang hơn ba mươi độ nhưng anh run lên. Cái ông bỏ học từ thời tóc để chỏm mà nói có lý. Lão Ngoan Đồng (*) này đã từng “qua bển” hay chẳng qua là “điếc không sợ súng”? Ừ cũng hay, sang giao lưu với người Tin Lành mình cứ “giả điếc” thì sợ gì họ “dụ”. Chiến vươn vai, hít thật sâu, vờ lừ mắt nhìn ông bạn nhưng lòng thầm nói cảm ơn. Anh quay lại phòng họp với tinh thần hoàn toàn khác. Mình là Chiến cơ mà, sợ gì! “Ông bạn vàng” nói đúng: đến với Chúa mà còn sợ thì dám đi đâu!?

***

Ngày bé Chiến giỏi Giáo lý lắm, anh được gán cho biệt danh “Chưa khảo đã biết Ưu rồi”, chả là mấy lần thi Giáo lý anh đều xếp hạng nhất, có lúc hơn xa điểm người về nhì. Khi trưởng thành, anh từ chối làm Giáo lý viên vì này vì nọ, Cha Xứ thời ấy cũng nổi cáu: “Chứ ở đây anh không làm thì ai làm”. Vậy nên vụ này họp bàn như thật chứ thực ra đã ngầm chỉ định anh đi tiên phong rồi. Nói gì thì nói, bên Tin Lành cũng nổi tiếng về truyền giáo, đứng xa nghe còn được chứ ở gần là bị thuyết phục rồi theo Tin Lành hết. Bao người bên Phật Giáo còn cải đạo huống là người vốn đã tin Chúa như mình. Cử người tiên phong phải “chắc” kẻo lại mất một giáo dân chứ chẳng chơi, mà phải biết ăn nói thế nào không thì ngáo ngáo ngơ ngơ mang tiếng người Công Giáo, còn là Giáo lý viên nữa chứ! Ôi sao mà không can đảm nổi, tử vì đạo có khi còn dễ hơn…

Chiến đang miên man suy nghĩ thì Cha Xứ quay lại, trên tay ngài cầm một cuốn sách “trắng trắng vàng vàng”. Bên cạnh có tiếng thì thầm:

- Quyển này Cha Xứ quý lắm, có chữ ký tươi của Đức Cha đó!

- Sao ông biết, đã đọc được dòng nào chưa?

- Cha có cho cũng chịu không đọc được, tiếng Anh á!

- Hừ, thế mà cũng nói như thật…

- Thì tôi mới xem qua, thấy cha bôi đỏ bôi xanh vào, chắc mấy đoạn quan trọng…

Cha Xứ thấy mặt Chiến tươi tỉnh chứ không xám xịt như lúc nãy, ngài thoáng vẻ ngạc nhiên, tủm tỉm cười:

- Vậy là quyết rồi nhé! Cha cho mượn quyển này làm “kim chỉ nam”, không sợ lạc đường đâu…

Lại có tiếng thì thầm:

- Cha ưu tiên thế, sướng nhé!

- Mọt sách được sách quý, thật là…

Chiến bật cười:

- Thế ai muốn được ưu tiên thì tôi nhường…

Mấy đồng nghiệp ai cũng lắc đầu lè lưỡi. Rời phòng họp, Cha Xứ còn kéo anh lại dặn dò: “Con chịu khó dịch, mấy phần quan trọng cha đã đánh dấu, những từ khó cha cũng đã tra giúp rồi. Con gắng học cái hay, cái tốt ở bên ấy rồi về truyền đạt cho anh em, nâng cao khả năng giảng dạy, giúp bọn trẻ yêu thích Giáo lý, bớt những đam mê sai lạc, ra bên ngoài không sợ mất Đức tin. Cha sẽ email cho con toàn văn Tông huấn ‘Niềm vui của Tin Mừng’ để nghiên cứu thêm…”

Chiến vừa mừng vừa lo. Mấy ai, mấy khi được Cha Xứ ưu tiên, quan tâm thế, nhưng anh cũng thấy trách nhiệm thật nặng nề. Lỡ dại, nói như Lão Ngoan Đồng, anh theo Tin Lành luôn thì mất công Cha bỏ chín mươi chín con chiên của Xứ lại, đi lôi về…

Nhờ trợ giúp của “Giáo sư Google”, Chiến cũng nắm được đại ý cuốn sách. Anh rất thích cách giải đáp Giáo lý đức tin rõ ràng, mạch lạc nhưng không khô khan trong đó. Cuốn sách này tuy bọn trẻ khó lĩnh hội được, nhưng bố mẹ và các Giáo lý viên đọc rồi làm rõ nghĩa, truyền đạt cho chúng thì hay quá. Đáng tiếc là chưa có sách Tiếng Việt, mà dịch xong in ra chắc đắt tiền lắm. Cuốn sách hơn bốn trăm trang, là sách Giáo lý nên chẳng thể đọc trong ngày một ngày hai được.

“Tinh tinh”, có email, ra là Tông huấn “Niềm vui của Tin Mừng” Cha Xứ vừa gửi. Lạy Chúa tôi, một trăm sáu mươi bảy trang, riêng phần chú thích đã lên tới hai trăm mười bảy mục, biết khi nào mới đọc hết, lướt lướt qua vậy. À ha, “Giáo sư Google” tuyệt quá - Chiến reo lên - có hẳn Tổng lược chỉ hơn ba trang, đọc cho nhanh vậy. Thôi tạm, “sang bên kia” có gì mình “tùy cơ ứng biến”.

***

Lễ nhà thờ Tin Lành bắt đầu lúc chín giờ bốn mươi nhăm phút nhưng Chiến đến sớm cả tiếng để thăm dò, không ngờ nhiều người đã có mặt, họ quây thành từng nhóm để thảo luận. Chiến nhủ thầm “chẳng bù Xứ mình, mười phút tập hát trước lễ còn vắng hoe, sát nút giờ mới chen nhau vào…”. Chiến đi một vòng quanh ngôi nhà thờ nhỏ bé đơn sơ, không khuôn viên vườn hoa và dĩ nhiên, không có tượng Đức Mẹ. Đang nghiêng ngó, Chiến nghe có tiếng gọi, một người đàn ông tầm tuổi anh, giọng trầm ấm:

- Hình như anh là người mới?

- Dạ… con… dạ… tôi. Nói thật với anh tôi là người Công Giáo. Tôi sang đây tìm hiểu thêm về Tin Lành…

- Ồ ồ - Người đàn ông tròn mắt ngạc nhiên - Hoan nghênh, hoan nghênh. Có lẽ anh là người Công Giáo đầu tiên đến đây ấy!

Sau phút lúng túng, Chiến tĩnh trí lại. Anh “có bản lĩnh” mà! “Tiên hạ thủ vi cường”, Chiến “vào đề” luôn:

- Nhà thờ đơn sơ quá, không thấy ảnh tượng gì cả?

- Ồ, tưởng anh biết rồi, chúng tôi không thờ ngẫu tượng.

- Ngẫu tượng? Vậy thiết nghĩ treo ảnh người thân trong nhà, để trong ví cũng cấm kỵ sao?

- A…

Người đàn ông há hốc miệng với kiến giải của anh, nhưng nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, cười nhẹ:

- Anh có vẻ thích tranh luận nhỉ (lại cười), tôi là Hòa.

- Tôi là Chiến - anh chìa tay ra.

- Haha, là Chiến, là Chiến, biết ngay mà!

Chiến cũng bật cười. Quả là “kỳ duyên”, mới gặp đã tranh luận không khoan nhượng như bè bạn lâu năm, hai cái tên cũng đủ nói lên rồi!

- Mua Kinh Thánh ở đâu anh nhỉ?

- Ở nhà sách ngay bên cạnh, nhưng Chúa nhật nghỉ… À, tặng luôn anh quyển của tôi, còn mới đấy!

Chiến ngạc nhiên. Anh từng nghe người Tin Lành thân thiện, hiếu khách nhưng tặng luôn quyển Kinh Thánh ngay khi gặp mặt thì vẫn bất ngờ. Chiến vội mở ba lô, đưa quyển Tân Ước cho Hòa:

- Tôi cũng tặng anh, để còn so sánh và tranh luận. Nói thật với anh là bên tôi tìm quyển Cựu Ước khó lắm…

Hòa dường như cũng cảm thấy ông bạn mới rất thú vị, chẳng ngại ngần tranh luận. Chiến đã “soạn giáo án” rất kỹ nên hoàn toàn không lép vế trước những “đòn tấn công quyết liệt” từ Hòa, nhưng trong lòng anh vẫn thầm khâm phục sự uyên bác của đối phương, anh ta thậm chí nhớ từng câu, từng chữ trong Kinh Thánh. Chiến biết nội dung còn việc Hòa bảo trích dẫn từ sách nào, đoạn mấy, câu bao nhiêu thì anh chịu chết. Quả là anh em Tin Lành “đáng sợ như trong truyền thuyết”, mình đã “chuẩn bị bài” kỹ, còn được Cha Xứ “trang bị đến tận răng” mà vẫn ở thế hạ phong…

Vào lễ, Chiến cảm nhận sự khác biệt lớn. Lễ thờ phượng của Tin Lành tựa như “tiệc Thánh Ca” xen lẫn với Công vụ, xu hướng “trần tục hóa” chứ không “thánh hóa” như Thánh lễ Công Giáo (phải chăng do nhà thờ Tin Lành không có sự hiện diện của Thánh Thể Chúa?). Giờ Giảng luận, Chiến ngỡ ngàng trước lời của vị Mục sư, đoạn dụ ngôn “Đứa con hoang đàng”.

“Theo lẽ thường, chúng ta vẫn cho rằng đứa con hoang đàng là người em hư hỏng nhưng không hẳn vậy. Người em hoang đàng một thì người anh hoang đàng mười. Anh ta ở với Cha Nhân Từ bao năm mà chẳng hiểu Cha. Dù cha ra năn nỉ, anh ta vẫn giận, không thèm vào nhà gặp em. ‘Một giọt máu đào hơn ao nước lã’, dù em có sai lầm thì cũng nên bao dung cho tuổi trẻ lầm lỡ, nhất là khi nó biết sai mà trở về. Trang trại, nhà cửa, gia súc - tất cả những gì của Cha cũng là của anh rồi, nhưng anh lại tiếc một con bê, không muốn chia sẻ cho đứa em ruột thịt. Câu ‘còn đứa con của cha kia’ vô hình chung đã gạt chính anh ta ra khỏi Nhà mình…”

Chiến choáng, anh chưa từng nghe “người em hoang đàng một thì người anh hoang đàng mười”. Lâu nay, như một thói quen, anh thường viện dẫn đứa em trong dụ ngôn này dạy dỗ học sinh hư, không hề nhắc đến người anh. Chiến ngầm định, tuy người anh có phần ích kỷ, hẹp hòi nhưng phản ứng của anh ta là tự nhiên và “có lý”. Phải chăng tụi trẻ vì sợ mà không đứa nào dám phản biện?! Chúng nó bây giờ nhanh khôn lắm, biết đâu có đứa đã ngộ ra và bấm bụng không phục? Bỗng anh nhớ đến câu nói của một học giả Tin Lành: “Đã đến lúc người Tin Lành trở về nhà”. Một đứa con, vì lý do nào đó mà rời bỏ nhà mình liệu có muốn về không khi chưa giải quyết được những khúc mắc đã khiến nó ra đi, khi thái độ đón tiếp của người nhà y hệt thái độ của ông anh kia? Chiến chợt buồn khi nhớ đến câu chuyện Hòa kể trước lễ…

Chuyện là, Hòa đến nhà thờ Công Giáo, anh hỏi thăm người đứng cạnh, cũng thẳng thắn như Chiến, giới thiệu mình theo Tin Lành, thế là người đó bảo: “Vào xem lễ chứ đừng tuyên truyền cho đạo Tin Lành và chớ có phát tờ rơi ở đây nhé, cũng không chụp ảnh này nọ nha bác”, rồi chỉ trỏ với mọi người thế này thế kia, cứ như anh là Ông Ba Bị vậy, làm anh liên tưởng chuyện năm xưa ông Gandhi đến nhà thờ của người da trắng, cảm giác mình bị đề phòng hơn cả người Ngoại. Từ đó anh không đến nhà thờ Công Giáo nữa…

***

Tuần sau, Chiến vừa đến đã thấy Hòa ra “nghênh đón”:

- Thế nào, hôm nay chủ đề gì nhỉ?

- Các phép Bí tích nhé!?

Chiến cười, không ngờ ông bạn mới này lại chủ động “khiêu chiến”, anh chọn ngay đoạn Giáo lý thuộc nằm lòng. Tuy thế, lắm lúc Chiến “đứng hình” trước những kiến giải của Hòa. Về Bí tích Giao Hòa, Hòa cho rằng “Chúa Giê-su không cầm tội ai, kể cả người đàn bà bị bắt quả tang ngoại tình, vậy chẳng thể có chuyện Ngài truyền cho sứ đồ của mình cầm tội người ta, mà cũng chỉ có Đức Chúa Trời có quyền tha tội (Mác, 2:1-12). Trước Chúa, người ta mới giải bày hết tâm tư chứ với người khác thì dễ gì khai ra lỗi phạm điều răn Năm, Sáu, Bảy, mà giấu tội thì càng tai hại (Châm ngôn, 28:13)”. Về Bí tích Thêm Sức, Hòa nói “Đã nhận đủ Thần Khí Thánh khi lãnh phép Báp-Tem (**) rồi”.

Chiến cũng có lý lẽ của mình, anh viện dẫn câu “Hãy nhận lấy thần khí thánh. Nếu anh em tha tội cho ai thì tội người ấy được tha, còn nếu anh em không tha tội cho ai thì tội người ấy chưa được tha” (Giăng, 20: 19-23), nhưng Hòa cho rằng đó chỉ là sự tha thứ cho nhau theo ý kinh Lạy Cha, không có ý truyền lại quyền tha tội cho các sứ đồ. Chiến hiểu, làm sao thống nhất được với Hòa khi Kinh Thánh Tin Lành có nhiều điểm khác Kinh Thánh Công Giáo, do vậy anh chỉ tranh luận “có chừng mực”, bởi “tìm điểm chung thì nối kết, tìm điểm khác sẽ chia xa”.

Cứ thế, Chiến lui tới Hội thánh Tin Lành nhiều hơn, không chỉ Chúa nhật và các giờ học Giáo lý, anh còn tham gia các cuộc đi thiện nguyện song hành truyền giáo đến những vùng sâu, vùng xa. Anh trộm nghĩ: “Một số người bài xích người Tin Lành cho bánh để dụ dỗ người ta theo, nhưng cho người ta no thỏa cả thân xác lẫn linh hồn thì không tốt sao? Dù có người ăn no rồi chẳng theo nữa cũng là làm việc thiện. Như dụ ngôn người gieo hạt, có hạt bị chim trời ăn mất, có hạt lên cây bị gai bóp nghẹt, nhưng chẳng phải có những cây được hạt hai mươi, ba mươi đó sao. Gieo hạt dù gì cũng mang lại hy vọng và cái được sẽ nhiều hơn cái mất, còn ngại ngần, sợ này sợ nọ không gieo, thì sẽ chẳng nhận được gì”.

Qua những chuyến đi đó, Chiến nhận ra: không phải mọi tín hữu Tin Lành đều “gai góc” và ưa tranh luận như Hòa. Có người sắc lẹm như dao cạo, có người mềm mỏng như lạt buộc, cũng có người ngô nghê nhưng chân thành dễ làm người ta lay động. Người Tin Lành tâm niệm Kinh Thánh là viên kim cương hoàn mỹ mà mỗi tín hữu là một mặt cắt, nhưng Chiến có cảm giác ánh sáng lóng lánh từ những mặt cắt đó dường như bị tán xạ, không hội tụ về một điểm, phải chăng là do thiếu định hướng chính thống? Ồ! “Chính Thống”! Không biết Giáo lý đức tin của họ thế nào, tại sao Chính Thống giáo chỉ chủ yếu ở Nga-Xô và vài nước Châu Âu? Còn Anh Giáo nữa? Vẫn biết một cành cây được chiết ra, dẫu thành Cây Con và sớm trổ sinh hoa trái cũng chẳng thể lớn mạnh, bền vững như Cây Mẹ, hoa quả khó thơm ngọt bằng, song việc bị chiết đi nhiều cành cũng làm Cây Mẹ suy yếu. Nhưng một khi việc đã lỡ, điều cần làm trước mắt, là, chăm sóc Cây Mẹ thật tốt, vươn xa cành lá chở che các Cây Con và nối kết các Cây Con chặt chẽ với Cây Mẹ thành một khối vững chắc để vượt qua bão giông…

***

Chiến không ngại ngần chia sẻ với các học trò những trải nghiệm của mình. Anh cũng khuyến khích bọn trẻ giao lưu với các bạn Tin Lành, vì thực ra việc ngại tiếp xúc chỉ đơn thuần là vấn đề tâm lý. Bọn trẻ rất thích thú, chúng cởi mở hơn, đề đạt nhiều câu hỏi thú vị chứ không còn e sợ, giờ học Giáo lý trở nên vui tươi, giống hội thảo về Kinh Thánh hơn là những giờ học thuộc khô khan như ngày trước. Cha Xứ rất vui. Ngài lại cho họp Giáo lý viên, yêu cầu cử thêm người đi “tầm sư học đạo”, nhưng chẳng một ai chịu theo bước Chiến dù anh đã gắng sức làm “thuyết khách”. Thất vọng, ngài hạn cho đúng một tháng, nếu không ai chịu đi sẽ cắt cử luôn, cứ thế mà làm.

Chiến vừa rời phòng họp đã thấy Lão Ngoan Đồng đứng dưới tượng Đức Mẹ, tủm tỉm cười.

- Có gì vui đâu mà ông cười…

- Tôi lại cười mấy Giáo lý viên nhà ông. Chắc lúc Thêm Sức, các ông chỉ chăm chắm xin những ơn riêng cho mình, nào Một, Hai, Ba, Bốn; rồi cho rằng xin được Bảy cũng có nghĩa là đã có Sáu. Còn ơn Năm, là phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân thì chẳng ông nào xin cả!

- Hả? Mà ông thuộc “Bảy Ơn Cả” hồi nào vậy?

- Hừ, ông đừng khinh tôi, hai mươi năm nay các ông cho bọn trẻ đọc ra rả, tôi chả thuộc à. Ông nghĩ tôi “ngồi một chỗ chia ba thiên hạ” như Khổng Minh chắc? Hay ông thấy tôi giỏi lên cũng chính là ông đã kém đi, haha…

Chiến bàng hoàng nhìn theo bóng bạn. Không ngờ “nỗi xấu hổ mỗi kỳ thi Giáo lý” năm xưa lại vặn trái anh thế này. Hội Thánh, nếu thiếu “mạnh bạo”, không dám đi ra vì sợ đi lạc cũng giống một đất nước có nền kinh tế đóng kín, khó mà phát triển dù nội lực mạnh đến mấy. Vẫn biết “mở cửa” sẽ “trầy da tróc vảy” nhưng sẽ lớn mạnh, kiên cường hơn. Lão Ngoan Đồng quả không hề đơn giản! Cũng chính Lão vừa giúp anh ngộ ra: việc không tin nhận một số phép Bí tích tuy làm người Tin Lành vững tin những gì họ cho là Chân Lý, song vô hình chung đã lỡ mất nhiều Ân Sủng Chúa ban thông qua khí cụ của Ngài và không thể đo đếm theo kiểu“một cộng một bằng hai” hay“nói có lý” được, bởi Đạo chúng ta xuất phát từ “Một cộng Một cộng Một bằng Một”. Phải chăng Lão Ngoan Đồng mỗi ngày ở bên Đức Mẹ được thông ban nhiều Ân Sủng đã trở nên hiểu biết đến vậy, “nói câu nào chết câu đó”, giờ đây Giáo lý đức tin đã hơn xa anh rồi!

Chiến chưa kịp kể với Cha Xứ những điều anh vừa lĩnh ngộ thì bất ngờ Bề trên thuyên chuyển ngài sang xứ khác, thay thế bằng Cha Mới - là cựu sinh viên Đại học Xây dựng - để chuẩn bị xây lại nhà thờ. Việc cắt cử người đi “tầm sư học đạo” không còn ai nhắc đến nữa. Chỉ có Chiến vẫn qua lại với các anh em Tin Lành như một thói quen, dù anh phải “vắt chân lên cổ” luyện thi cấp tốc cho lũ trẻ kịp thi Giáo lý do đã lỡ “tổ chức hội thảo Kinh Thánh” hơi nhiều.

Cho đến một ngày…

Cha Mới giảng, có đoạn: “Ngày nay, truyền thông rất mạnh làm ta nhầm tưởng đã mắt thấy tai nghe mọi việc trên đời. Phải biết truyền thông là con dao hai lưỡi, cùng một video, một hình ảnh thì hai báo có thể đưa ra hai cái tin khác hẳn, thậm chí trái ngược nhau. Vì vậy, ta có thể nghe, nhìn nhưng cần biết chọn lọc, tránh trường hợp nghe sự rối đâu đó về kể bậy bạ cho anh em, sinh ra nghi ngờ Giáo lý của Hội Thánh, nghi ngờ các tín điều trong đạo, chẳng hạn các phép Bí tích Chúa đã truyền…”

Không ai bảo ai, mọi ánh mắt trong nhà thờ đều quay nhìn Chiến làm anh lạnh cả sống lưng, cúi gằm mặt xuống. Anh mường tượng đến cảnh Chúa Giê-su trước tòa Phi-lát, xung quanh hàng ngàn người hô to “Treo hắn lên cột” (Ma-thi-ơ, 27: 15-23) (***). Cảm giác tội lỗi ập đến khiến anh không dám lên rước lễ. Nặng trĩu lê bước về nhà, sau lưng anh là tiếng xầm xì: “Tôi cũng dặn cháu nhà tôi rồi, cái ông Chiến nửa Tin Lành này nói thì hay nhưng đừng nghe theo”…

Chiến thấy sao đường về nhà hôm nay xa thế, nhưng có lẽ, ngày những người anh em Tin Lành, Chính Thống, Anh Giáo trở về Ngôi Nhà Chung còn xa hơn rất nhiều…

(*) Lão Ngoan Đồng: Nhân vật trong tiểu thuyết kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung, tuổi già nhưng tính tình ngây thơ, hồn nhiên đến độ ngốc nghếch; lĩnh hội được rất nhiều môn võ công tuyệt thế nhưng hiếm khi dùng đến.

(**) Phép Báp-Tem: Tương tự Phép Rửa của Giăng Báp-tít (Gio-an Bao-ti-xi-ta) trên sông Giô-đanh (Gio-đan), tựa như Phép Rửa Tội (Công Giáo), nhưng chỉ người đã học hết Giáo lý căn bản của Tin Lành mới được lãnh nhận.

(***) Tên riêng:

- Ma-thi-ơ: Mát-thêu.

- Mác: Mác-cô.

- Giăng: Gio-an.

- Phi-lát: Phi-la-tô.

________________________________

Mã số: 17-146

Tàu về ga chập choạng tối, Nam đứng đó tự bao giờ. Quyên bất ngờ vì gặp lại ánh mắt ấy, ánh mắt mà cô luôn thấy mình còn mắc nợ. Đang lẩm bẩm tự hỏi sao Nam lại biết được ngày mình về thì Nam đưa tay kéo chiếc vali từ tay Quyên vừa hỏi: Quyên mệt không? Chị Mai nhờ Nam đón Quyên... Quyên thuộc lòng ý đồ của người chị gái, lâu nay chị vẫn khăng khăng cản Quyên đi tu chỉ với một lý do là sợ em khổ. Có lẽ chị nghĩ rằng trái tim Quyên dù gì vẫn làm bằng thịt, mà nó đã một lần rung động, khi có cơ hội, ai dám chắc được nó sẽ không rung thêm một lần nữa. Chị hy vọng...

Hà Nội về đêm đẹp lãng mạn lạ thường. Nam nói hai giờ nữa mới có chuyến xe về Thái Nguyên. Vậy là Nam có dịp chở Quyên đi lòng vòng Hà Nội như thủa sinh viên. Quyên ngồi sau không còn tự nhiên như trước nhưng vẫn nhỏ nhẹ:

- Đáng lẽ giờ này Nam phải chở một cô bé dễ thương nào đó rồi chứ nhỉ?

- Cô nào hả Quyên?

- Thì một em trẻ trung xinh đẹp nào đó...

- Có ai đâu! Nam cười hiền lành. Mặc cho dòng xe cộ ồn ào chảy qua, hai con người lâu ngày gặp lại cứ đua nhau đuổi theo những khoảng không trống rỗng trong mình.

(Ảnh minh họa)

Con đường đêm dưới ánh đèn lạnh buốt. Nam tạt vô tiệm chè Sài Gòn trên phố Láng và gọi hai ly sữa chua nếp cẩm một đá, một ấm. Nhìn cái cách ấy, Quyên biết Nam chưa hề quên điều gì dù là nhỏ nhất. Nam kể về quãng ngày sau khi ra trường, về gia đình trong lúc sa sút rủi ro, về người mẹ hiền lành nhưng can đảm trong hoàn cảnh khốn cùng nhất. Nam còn kể về những lần anh chứng kiến sự vô cảm của con người trước những lần siết nợ, những đồng tiền nặng lãi bóp nghẹt mẹ con anh. Anh lao đầu vào công việc và gánh trách nhiệm về gia đình trên vai, không còn thời gian nghĩ cho riêng mình. Có lần trên công trường, Nam can thiệp vào mấy vụ bất bình, không ai trong công ty ủng hộ, họ còn nói anh dại dột, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, và cuối cùng anh cũng bị vạ lây. Nam không giải thích được vì sao con người lại có thể đối xử tàn nhẫn với nhau đến thế... Chẳng còn chút tử tế của lương tâm và lòng ngay thẳng. Nam ủng hộ Quyên khi Quyên chọn rời xa chốn này để đi vào tu viện, dù biết lý do của Quyên không phải là trốn tránh sự đời, Quyên có lý do cao thượng hơn. Nhưng Nam thấy thế là tốt nhất cho Quyên. Nam thà thấy mình đau hơn là thấy Quyên bị tổn thương và bị thế gian làm khổ tâm. Quyên ngồi đó như pho tượng Người Trinh Nữ. Cô nghe tất cả và nuốt từng lời chia sẻ của Nam. Những vất vả cực nhọc quá nhiều từ ngày hai đứa xa nhau. Mỗi người, mỗi hoàn cảnh trớ trêu. Nhưng Quyên vui vì thấy những thứ bên ngoài cuộc sống không dễ gì làm mất đi lòng nhân hậu và những phẩm chất cương trực trong con người Nam mà Quyên biết. Thương Nam quá! Nước mắt trào ra nhưng đó không phải là thứ cảm xúc bồng bột thủa nào. Nam lúng túng châm điếu thuốc rồi hí hoáy nhắn tin. Quyên cũng mở điện thoại: “Quyên đừng khóc, Quyên khóc nữa là Nam không cho Quyên đi tu nữa đâu.” Quyên cười, nước mắt lại rơi...

Học xong đại học, Quyên đi tu. Đó là ước mơ của mẹ cô và sau này là của chính cô. Quyên xin vào một dòng tu ở Sài Gòn. Quyết định đó đã chỉ nhận được sự phản đối kịch liệt từ các anh chị, họ trách Quyên bất hiếu, không thương bố và các em. Thi thoảng trong những giấc mơ xen lẫn những lần thức giấc, ký ức Quyên lại hiện lên rất rõ con đường ngược chiều giữa thành phố Vĩnh Lạc. Cô thực sự thấy mình lạc lõng và lẻ loi. Hôm ấy, sau khi không thuyết phục được cô trở về, tức quá chị Mai quay mặt lên xe để lại câu nói vô tình: “Mặc kệ nó, mình về thôi anh, trái tim nó hóa đá rồi.” Câu nói của chị như xé tâm hồn Quyên ra nhiều mảnh. Quyên đứng như trời trồng, mặc kệ cho hai giọt nước mắt đuổi nhau trên gò má.

Từ lâu, Quyên luôn có một dự cảm về sự ra đi này mà cô không dám công nhận nó vì còn đó bố đau bệnh, và hai đứa em nhỏ. Từ ngày ra trường, Quyên vẫn đi dạy thêm nhưng chỉ đủ xăng xe và mua cho các em mấy cuốn tập. Tấm bằng đã nhàu đi vì photo công chứng quá nhiều. Hồ sơ không nhúc nhích vì không có phong bì đi trước. Thi thoảng bố lại đay nghiến: “Thời này chỉ có chuột chạy cùng sào mới đâm đầu vào sư phạm, cứ làm theo ý mình, giờ thì thất nghiệp con ạ!”. Quyên không nói nhưng đắng họng mỗi khi thấy bố lụi hụi ra vườn vì thằng út sáng nào cũng xin tiền học phí. Bố giục Quyên lấy chồng như thể muốn tống khứ cô cho xong trách nhiệm. Đầu cô lúc nào cũng lùng nhùng như một mớ bòng bong rối. Sau mỗi thánh lễ, hôm nào Quyên cũng ở lại rất lâu trước tượng Đức Mẹ. Có khi ở lại chỉ để khóc một cách thoải mái cho nhẹ những nối cực lòng. Quyên giấu nhẹm cái quyết định của mình, chỉ có Nam biết. Cái quyết định mà từ lâu cô vẫn xin Mẹ soi sáng cho cô để cô dám nói ra và không còn giữ riêng cho mình nữa. Quyên nhận ra rằng: Ứớc mơ cũng cần biết chờ đợi, khi nó hội tụ đủ sức mạnh, tự khắc nó sẽ đẩy người ta đi đến một hành động cụ thể, cho dù hành động đó có phải trả giá đi nữa, người ta vẫn sẵn sàng.

Ngày Quyên khăn gói lên đường, chỉ có cơn mưa rào tiễn đưa. Nam gọi nhưng cô cúp máy cái rụp rồi lại tự nguyền rủa mình trước cách xử sự ấy. Đúng hơn là cô sợ, sợ mắc nợ người ta khi chọn Chúa. Cô đâu biết Nam yêu cô nhưng chưa bao giờ anh muốn cản lối hạnh phúc trên lối đường cô chọn. Ngày đó, Sài Gòn cũng đón cô bằng cơn mưa, nhưng là cơn mưa bóng mây dịu dàng hơn. Mới đó mà đã 6 năm... Thi thoảng nhìn lại mình trong bộ áo dòng đen, Quyên chợt nhận ra một con người cũ đã chết và một con người mới đang được Chúa tô điểm.

Nay trở về, mọi thứ đã nguôi ngoai nhưng không khí trong gia đình cô có gì đó rất lạ. Cô không còn cảm nhận được cái đầm ấm như những ngày còn thơ. Anh chị em đã lớn, mỗi người mỗi ngả, ngày tết quây quần bên nhau mà cô chỉ thấy họ tranh luận về mấy chuyện cơm áo gạo tiền, chuyện xe to nhà đẹp, chuyện giao thông, tệ nạn gần xa... Lần nữa Quyên lại phải gồng mình lên để chấp nhận những luồng khí độc đang ngấm ngầm len lỏi vào trong gia đình mình. Cô muốn làm gì đó mà không biết mình phải bắt đầu từ đâu? Anh cả thì tối ngày say xỉn, vợ chồng anh hai thì lam lũ mà vẫn không đủ sống, anh kế cô thì cũng lao đao vì sa vào mấy vụ đỏ đen... Quyên hụt hẫng khi nghe chị Mai kể, một nỗi tủi thân nghẹn ứ ở cổ họng ngay giữa đêm đầu tiên cô trở về. Cô nói cùng chị: “Em ao ước nhà mình một lần được quay về ngày xưa với những bữa cơm rau đầy ắp tiếng cười.” Cô phát hiện ra thói quen đọc kinh tối trong gia đình đã mất tự bao giờ. Bàn thờ thì mạng nhện giăng ngang dọc, bàn cơm thì nguội lạnh mỗi buổi vì ai bận việc người nấy. Trong khung hình cũ, cô thấy khuôn mặt mẹ buồn buồn. Cô chợt nhớ bà da diết.

Quá nhiều thứ đang vây bủa Quyên làm cô phân tán và nghi ngờ vào thứ Tình Yêu cô tôn thờ. Có lúc ngước nhìn Giêsu, Cô tủi hờn trách móc: “Một năm, hai năm hay bao lâu nữa Chúa mới ghé qua gia đình con ? Sau khi con vào dòng Ngài hứa sẽ thế chỗ của con, sao Ngài lại nuốt lời ?” Cô trách Chúa như một đứa con trách cha mình. Im lặng ! Đó là tất cả những gì cô nhận được khi cố loanh quanh với những câu hỏi.

Hết những ngày nghỉ tết nhưng tâm trạng của cô không khá hơn là mấy. Nam tiễn Quyên ở ga khi trời lất phất mưa bay. Đó là một chiều xuân ảm đạm và tẻ nhạt nhất mà cô từng thấy. Trước khi ra ga, Nam đưa cô đi ăn bún đậu, chả cốm. Nam vẫn thuộc lòng sở thích của cô. 1b, ngõ Trạm, Lý Nam Đế, cô tự hỏi cái địa chỉ thân quen ấy không biết có lần nào nữa trở lại? Cô quen Nam lần đầu tiên trên giảng đường lớn hồi năm nhất đại học. Năm đó sinh viên của mấy khoa xã hội hay học chung một số môn có các thầy thỉnh giảng từ Sài Gòn ra. Giảng đường mênh mông hầu như không còn một chỗ trống. Nhìn lên những bậc ghế cao Quyên thất vọng vì không thấy cô bạn thân ngồi đâu cả. Nó hay giành giùm chỗ cho cô khi cô đến trễ. Vội vã đi theo những bậc thang, cô vừa đi vừa đưa mắt tìm xem còn chiếc ghế nào trống. Chợt thoáng qua trong hàng ghế chặt trội một cánh tay giơ lên chỉ chỉ bên cạnh. Trên cổ tay của người con trai ấy có đeo một tràng chuỗi bằng gỗ. Cô tò mò nhưng có gì đó thật thân quen. Đôi mắt biết cười làm cô thấy thân thiện. Cô ngồi xuống, mỉm cười rồi cám ơn nhưng sao chưa bao giờ cô nhìn thấy đôi mắt ấy. Cô quen Nam tình cờ như vậy. Nhưng cũng như một sự xếp đặt.

Rồi một ngày Nam ngỏ lời yêu. Cô không nói nhưng anh biết cô có thích anh. Mỗi buổi chiều Nam vẫn chở Quyên đi lễ trên chiếc xe cà tàng... Món quà giáng sinh năm ấy Quyên nhận được là một cuốn sách có tựa “Viết cho em”. Còn Quyên dí vào tay Nam một tràng chuỗi gỗ và nói “nhớ cầu nguyện cho Quyên một kinh để ước mơ của Quyên thành sự thật...” Thời gian vụt qua như kẻ trộm, nó đã không tìm được câu trả lời từ bờ môi người thiếu nữ cho kẻ trung tình. Nhưng anh biết tình yêu không có quyền chiếm hữu, càng cố giữ nó càng nhanh chóng tuột mất.

***

Tàu chạy. Nó lao về phía trước, đi vào miền nắng. Con tàu đong đưa theo dải đất hình chữ S. Đi dọc miền đất nước Quyên mới cảm nhận ra thật nhiều điều to lớn và nhỏ bé. Đèo Hải Vân hùng vĩ, bao la, công trình sáng tạo của Chúa là đây. Cô thấy nỗi buồn sau dịp tết như tan ra cùng núi rừng và biển cả. Cô lại thấy cả những dải đất toàn cát và đá, nắng cùng gió. Vài con cừu lưa thưa giữa cánh đồng khô cháy, những đứa trẻ đen nhẹm và còi cọc nhưng miệng chúng vẫn nhoẻn cười vô tư. Cô thấy quá khứ đơn độc và những nỗi buồn hiện tại được thu nhỏ. Tàu SE 15 bị trật đường ray. Cả đoàn tàu phía sau phải hoãn lại, TN 5 phải ở lại ga Diêu Trì sáu giờ đồng hồ. Ngoài trời lập lòe thứ ánh sáng đỏ quạch từ chiếc đèn hiệu tàu. Vài ba người gác tàu đi đi, lại lại như những bóng ma. Ghế 54, toa 9 có người đang chìm vào giắc ngủ nhưng chẳng sâu. Cô kéo vội chiếc áo khoác cho bớt lạnh. Cô bắt đầu nghĩ về chuyến đi ngược chiều này. Cô bỗng thấy tâm hồn bình an lạ thường và cô biết con đường ngược chiều này sẽ đưa cô về miền tràn trể nắng ấm và đầy ắp niềm hy vọng. Cô chỉ hơi chạnh lòng khi ngôi nhà nơi miền trung du cứ lúc ẩn, lúc hiện cùng với khuôn mặt các anh của cô. Quyên quyết tâm sẽ là làm dấu chỉ kéo các anh trở lại với Chúa và cô sẽ cầu nguyện cho Niềm Tin đang mai một trong tâm hồn từng người trong gia đình thân thương của cô. Nhưng bằng cách nào đây? Quyên bỏ ngỏ một câu trả lời vì cô biết cô còn phải sống cho một Gia đình lớn hơn. Giáo Hội đang cần cô, những người nghèo trong tim cô, những đứa trẻ nơi mái ấm Bừng Sáng, làm sao cô có thể phong kín họ mãi trong suy nghĩ và lý tưởng mà thôi. Trở lại miền nắng. Quyên quyết định viết cho các anh của mình, đó là cách duy nhất mà cô có thể làm để hóa giải những mâu thuẫn và những chới với trong niềm tin vào Thiên Chúa nơi họ.

Quyên biết chặng đường vừa đi chỉ là con đường dài dằng dặc về mặt vật lý. Nhưng còn một con đường vô hình mà cô đang liều mình bước vào - Đường Dâng Hiến - ngược dòng đời và khó đi. Nhưng tự sâu thẳm cô lại thấy yêu thích và hứng thú hơn lúc nào hết. Quyên yên tâm vì Chúa thả cô chạy theo đường ray của lòng cậy trông và yêu mến. Hồn cô được mở ra như cánh cửa trên toa tàu kia và Chúa đọc được tất cả những niềm vui, nỗi buồn mỗi khi ghé nhìn cô từ Trời cao. Về đến nhà dòng, cô bỏ ba lô, giầy dép bước vào nhà nguyện để tạ ơn Chúa. Mắt cô bị hút vào ánh sáng từ ngôi Nhà Tạm, Chúa đã giam mình trong đó chờ cô từ lâu lắm rồi… Bỗng, có một bóng người vụt nhanh qua ô cửa. Ánh sáng lờ mờ từ chiếc đèn dầu không đủ cô nhận ra đó à ai. Chỉ kịp nhận ra đôi mắt ấy nhìn cô cách trìu mến. Quyên nghe được một lời duy nhất vọng lại: “Con yêu, ơn ta đủ cho con, hãy vững vàng lên! Cô mở mắt, giật mình, ngước nhìn lên Nhà Tạm, cánh cửa nhỏ đang mở…

__________________

Mã số: 17-145

Lần đầu tôi gặp hắn là một buổi chiều thứ Sáu lộng gió. Tôi xuống vườn hoa dưới nhà để hóng mát. Chọn một chiếc ghế đá, tôi châm một điếu Ba Số và nhìn lũ trẻ chơi đùa. Bỗng nhiên hắn xuất hiện.

– Chào anh.

– Vâng, chào anh.– Tôi đáp.

– Tôi ngồi đây được chứ?– Hắn hỏi.

– Được chứ. Tôi xích qua một bên nhường chỗ cho hắn.

Hắn rút một điếu Marl đỏ từ bao thuốc mang theo, đưa lên miệng, rồi loay hoay tìm bật lửa, miệng lẩm bẩm:

– Ủa, đâu rồi ta?

– Chắc anh quên hoặc đánh rơi đâu đó rồi. Cầm của tôi mà dùng.– Tôi đoán chắc hắn tìm bật lửa nên lấy bật lửa của mình đưa cho hắn.

– Cảm ơn anh.– Hắn cười và cầm lấy cái bật lửa từ tay tôi. Châm lửa xong, hắn trả lại và cảm ơn thêm lần nữa. Người đâu mà lịch sự.

Qua trao đổi vài lời, tôi biết hắn bằng tuổi tôi, mới chuyển về tòa chung cư này được vài hôm. Hắn kể, thèm thuốc quá nên hắn mới xuống đây hút một điếu, để khỏi ảnh hưởng tới cô con gái ba tuổi của hắn. Chúng tôi khá là hợp chuyện. Hắn cũng mê tennis như tôi. Ngồi được một lát thì điện thoại của hắn reo. Vợ hắn gọi về ăn cơm. Trước khi chia tay, chúng tôi trao đổi số điện thoại, hẹn lúc nào rảnh thì làm vài ván tennis rồi uống với nhau cốc bia.

Chiều thứ Bảy tuần kế tiếp, sau khi đánh tennis về, chúng tôi chọn một quán bia trên mức bình dân một chút để có đủ yên tĩnh mà nói chuyện. Chúng tôi chia sẻ về công việc, gia đình và về tennis. Tôi kể với hắn, rằng tôi đã từng có một gia đình hạnh phúc nhưng rồi mọi thứ lại tuột khỏi tay tôi… Hắn trầm ngâm nghe tôi kể… và đợi tôi kể thêm… Nhưng tôi chỉ kể đến đó rồi chuyển chủ đề, vì mỗi khi nhắc tới là trái tim tôi lại nhói đau. Sau khi cả hai đã cạn ly bia đầu tiên, đợi cho câu chuyện đang rôm rả lắng xuống một chút, hắn hỏi tôi:

– Anh có tin rằng trời đất và muôn vật được tạo dựng một cách kỳ diệu hay không?

– Không phải anh đang muốn nói đến Thiên Chúa đấy chứ?

– Phải. Tất cả mọi thứ xung quanh chúng ta đều kỳ diệu, vũ trụ xoay vần theo một trật tự tuyệt đối, đó là do Đức Chúa Trời tạo dựng. Dù con người đã phạm tội, nhưng Đức Chúa Trời vì quá yêu con người nên đã cho Chúa Giêxu Christ là Con Đức Chúa Trời đến để cứu chuộc chúng ta. Chúa Giêxu yêu anh, yêu tôi và yêu tất cả chúng ta. Ai tin vào Chúa Giêxu thì sẽ được cứu, khỏi bị hư mất đời đời.

Những lời hắn nói làm trái tim tôi nhói đau vì gợi nhớ tới chuyện cũ.

– Anh là người Tin Lành?

– Phải. Tôi là một Cơ Đốc nhân. Tôi tin vào Đức Chúa Trời, và tôi đã tiếp nhận Chúa Giêxu, Đấng đã chịu đóng đinh vì tội lỗi nhân loại, làm Cứu Chúa của mình.

Rồi hắn say mê nói về vị Cứu Chúa của mình, rằng Ngài đã chịu đóng đinh vào thập giá để cứu chuộc loài người, ai tin vào Ngài thì sẽ được cứu, được hưởng sự sống muôn đời trên Thiên Đàng. Khuôn mặt hắn rạng rỡ. Tôi có thể cảm nhận được niềm hạnh phúc của hắn. Thật kỳ cục là tôi chẳng thích nghe những gì hắn nói, nhưng lại thích nhìn vẻ mặt rạng rỡ ấy khi hắn nói về những điều đó.

Xong chầu bia nhẹ nhàng, chúng tôi cùng trở về chung cư. Trên đường về, hắn quay sang bảo tôi:

– Mai là Chúa Nhật, chúng tôi dành ngày này để thờ phượng Đức Chúa Trời. Sáng mai anh đi nhà thờ cùng tôi nhé?

Tôi muốn từ chối, nhưng nói luôn thì bất lịch sự nên trả lời:

– Thú vị đấy. Nhưng để tôi về xem lại lịch xem mai có phải đi gặp khách hàng không đã. Trước khi đi ngủ tôi sẽ nhắn tin cho anh.

“Hắn đang truyền giáo cho mình đây.” Tôi nhủ thầm. Tôi định sẽ nhắn tin từ chối, cáo bận, nhưng lại đắn đo, hết cầm điện thoại lên rồi lại đặt xuống. Cuối cùng tôi nhắn tin cho hắn rằng tôi nhận lời. Có điều gì đó thôi thúc tôi phải đi. Hắn hẹn tôi 7 rưỡi ở dưới sảnh chung cư, và mời tôi đi cùng ô tô với vợ con hắn.

Đó là lần đầu tôi tới một nhà thờ Tin Lành. Bạn bè hắn, ai cũng niềm nở bắt tay tôi:

– Xin Chúa ban phước lành cho anh!

Bài truyền giảng của vị mục sư hôm ấy nói về chương 3, sách Ca Thương của ngôn sứ Giê-rê-mi, với nội dung: Đức Chúa Trời tốt lành – dù đời lắm gian truân. Đại ý rằng Giê-rê-mi đã khóc rất nhiều vì đau khổ trước cảnh lầm than của dân tộc ông, và của chính ông trước sự xâm lăng của quân Babilon. Ông đã chán nản, thất vọng, buông xuôi, mất hết niềm tin và hi vọng. Nhưng ông nhận ra rằng Đức Chúa Trời là Đấng tốt lành, thành tín. Dẫu nghịch cảnh có xảy ra, nhưng tất cả đều không nằm ngoài sự cho phép của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời vẫn không ngừng yêu thương con người. Càng trong gian truân, chúng ta càng phải tương giao mật thiết với Đức Chúa Trời; càng đau khổ cay đắng thì chúng ta lại càng ngập chìm trong hoàn cảnh. Hãy trông đợi Đức Chúa Trời, nhận Ngài làm sản nghiệp thì sẽ được an ủi và đáp lời.

Trở về nhà, tôi cứ suy nghĩ mãi về những gì đã được nghe hồi sáng. Đến tối, cơm nước xong xuôi, tôi nhấc máy gọi cho hắn vì thấy cần nói chuyện. Tôi chuẩn bị một chai vang Chile, hai cái ly và đĩa hạt điều, rồi ngồi chờ hắn. Mười lăm phút sau cuộc điện thoại, hắn đã bấm chuông gọi cửa. Ở gần nhau tiện thật.

Tôi đã kể cho hắn nghe, rằng tôi từng có một người vợ hiền. Nàng là người bạn thanh mai trúc mã của tôi. Chúng tôi ở gần nhà nhau, chơi với nhau từ nhỏ, rồi lớn lên và yêu nhau như một lẽ tự nhiên. Chúng tôi kết hôn và có một bé trai. Nhưng rồi… vào một đêm mưa gió cách đây gần một năm, khi chúng tôi trên đường trở về từ nhà ngoại, tôi đã mất hai người tôi yêu thương nhất, chỉ vì một gã lái xe tải say rượu. Đêm đó là một đêm định mệnh, vì chính nó đã làm trái tim tôi tan nát và làm tôi trở thành một con người khác.

Hắn vẫn chăm chú lắng nghe tôi kể với thái độ đồng cảm. Nhưng khi nghe tới đó, bỗng nhiên hắn đẩy nhẹ hộp khăn giấy trên bàn về phía tôi. Tôi giật mình nhận ra mình đã nhòe nhoẹt nước mắt từ lúc nào.

Tôi tiếp tục kể, tôi đã trở–thành–một–con–người–khác. Tôi đưa hắn trở về một quá khứ xa hơn để giải thích cho hắn. Tôi vốn là một người Công giáo. Tôi và vợ tôi đã từng cùng sinh hoạt Thiếu Nhi Thánh Thể, sau đó cùng một ca đoàn. Những gì xảy ra đêm hôm ấy đã làm tôi oán trách Thiên Chúa, rồi nghi ngờ vào sự hiện hữu của Ngài. Tôi đã nghĩ, nếu như Ngài thực sự hiện hữu thì Ngài đã giữ gìn vợ con tôi, đã chẳng để tôi còn lại một mình bơ vơ đến thế này. Tôi thì xây xát nhẹ, còn hai người thân yêu của tôi đã vĩnh viễn ra đi. Kể từ đó, tôi đã bỏ đi lễ và xưng tội.

Hắn trầm ngâm một lát để đợi cho cảm xúc của tôi lắng xuống rồi chậm rãi nói:

– Người Công giáo các anh hay dùng một từ mà tôi rất thích: QUAN PHÒNG. Tôi có mấy người bạn Công giáo, họ luôn nói “Hãy tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng”. Mà họ giải thích cho tôi, rằng đó là một sự cậy trông, phó thác nơi Thiên Chúa, vì Ngài sẽ rút lấy điều lành từ sự dữ. Vợ con anh đang ở Thiên Đàng, rồi anh sẽ gặp lại họ.

Tôi sững sờ. Thiên Chúa rút điều lành từ sự dữ. Câu này rất quen! Vị cha cố mà tôi rất yêu mến từng hay nói với tôi như thế.

Hắn rút chiếc smartphone trong túi, tìm gì đó trong điện thoại và đọc cho tôi nghe, có lẽ hắn dùng một ứng dụng đọc Kinh Thánh.

– Anh hãy nghe đoạn Kinh Thánh này. Đức Giê-hô-va phán: ‘Ta biết rõ ý Ta đang nghĩ về các con, đó là ý bình an, chứ không phải ý thảm họa, hầu ban cho các con một tương lai và một hy vọng. Các con sẽ kêu cầu ta và đến cầu nguyện với ta, còn ta thì sẽ nghe các con’. Sách ngôn sứ Giê-rê-mi, chương 29, câu 10-11.

Hắn lại tìm một câu khác và đọc:

– Còn câu này nữa. Nhưng Si-ôn cứ nói rằng: ‘Đức Giê-hô-va đã bỏ tôi, Đức Giê-hô-va quên tôi rồi’. Có phụ nữ nào quên con đang tuổi còn bú, Hay không thương xót con ra từ lòng mình chăng? Dù họ có quên đi nữa, ta chẳng quên ngươi bao giờ.” Sách Ê-sai, chương 49, câu 14-15.

Trong khi tôi im lặng suy ngẫm về mấy câu Kinh Thánh vừa được nghe, thì hắn mỉm cười nhìn tôi, đặt điện thoại xuống bàn, rồi giơ tay lên cầu nguyện. Chưa bao giờ tôi thấy ai cầu nguyện sốt sắng như vậy.

– Lạy Đức Chúa Trời là Cha Chí Thánh, là Đấng Toàn Năng. Con hết lòng thờ lạy và chúc tụng Chúa. Con yêu mến Chúa và Chúa cũng yêu mến tất cả chúng con, đặc biệt là người anh em đang ngồi cạnh con đây. Chúa biết mọi sự và thấu hiểu nỗi đau của anh, Chúa hiểu vì gặp gian truân mà anh thành chai sạn. Xin Chúa hãy gửi Đức Thánh Linh đến ủi an và dẫn dắt anh về với lẽ thật của Ngài. Xin cho anh lại có thể cảm nhận được tình yêu vô biên của Chúa dành cho anh. Amen.

– Amen. Tôi ngập ngừng đáp lại.

Cầu nguyện xong, hắn cầm chai rượu và rót cho cho cả hai:

– Cạn ly này nhé, uống mừng vì chúng ta cùng là con Đức Chúa Trời, vì chúng ta cùng một Cha. Xin chúc tụng Chúa!

Tôi không đáp lại, nhưng vẫn cụng ly với hắn và uống cạn.

– Dù có chút khác biệt nhưng chúng ta vẫn là anh em. Hắn nhặt một hạt điều trên đĩa, bỏ vào miệng nhai và mỉm cười nhìn tôi.

– Ừm. Tôi gật đầu.

– Chúng tôi chỉ thờ phượng một mình Đức Chúa Trời, còn các anh thờ cả bà Mary nữa, trong khi bà ấy chỉ là một người phụ nữ bình thường, lại có thêm mấy đứa con với ông Joseph. – Hắn nói, nhưng không nhìn tôi.

Nghe hắn nói vậy, bỗng nhiên tôi cảm thấy trong người dâng lên một cơn giận phừng phừng. Tôi trừng mắt với hắn và gắt ầm lên:

– Đừng nói bậy! Không biết Công giáo chúng tôi phải giải thích bao nhiêu lần với Tin Lành các anh nữa? Đức Mẹ mang nặng đẻ đau ra Chúa Giêsu, cho Ngài bú mớm, lại chăm sóc và nuôi dưỡng Ngài, nên việc chúng tôi tôn kính Đức Mẹ cũng đẹp lòng Thiên Chúa. Còn việc Đức Mẹ có thêm con nữa hả, là do các anh giải nghĩa sai Kinh Thánh!

– Ấy, đừng nóng. Tôi xin lỗi. Tôi không có ý xúc phạm. Thật ra chỉ có một số ít những người cực đoan mới nghĩ như vậy. Tôi thì không. Thân Mẫu của Đấng Christ đối với tôi là một người nữ đáng kính. Tôi chỉ muốn khích anh một chút để thử xem phản ứng của anh thế nào. Anh nổi giận như vậy có nghĩa là anh vẫn còn yêu mến Bà Ấy. Chừng nào anh còn yêu mến Bà Ấy thì đức tin của anh không thể mất được, mà hiện giờ chỉ đang bị một lớp bụi dày bao phủ.

Chúng tôi còn ngồi uống cho tới khi vợ hắn sốt ruột gọi về. Trước khi chia tay, hắn vỗ tai tôi:

– Cần nói chuyện hay chia sẻ gì thì cứ gọi tôi. Đừng giận tôi chuyện nói khích anh vừa nãy nhé. Xin Chúa ban phước lành cho anh.

Đêm hôm đó, tôi đi nằm mà không sao ngủ được. Tôi nghĩ về quãng đời đã qua, và nhớ về những gì đã được học về lịch sử cứu độ. Có một điều gì đó trong tôi đang thay đổi. Bỗng nhiên tôi thấy khát. Khát đến cồn cào. Nhưng không phải là khát nước, mà là khát Chúa.

Tôi bật dậy, bắc ghế để tìm cây Thánh Giá Chịu Nạn chơ vơ trên nóc tủ. Tôi đã cùng vợ đi mua cây Thánh Giá này từ hồi mới chuyển về đây, nhưng sau đêm định mệnh kia, tôi đã tháo xuống và đặt lên đó. Gần một năm đã trôi qua, bụi đã phủ trắng xóa.

Trái tim tôi thắt lại. Lạy Chúa Giêsu! Xin tha tội cho con!

Tôi mang rửa sạch, lấy khăn lau khô và treo lên chỗ cũ, là vị trí trang trọng nhất trong phòng khách. Rồi tôi cứ ngồi bệt dưới đất mà nhìn lên Thánh Giá cho tới sáng. Chỉ còn mình tôi với Chúa, tôi cứ để mặc cho cảm xúc vỡ òa.

Do công việc tôi đang làm không khắt khe về thời gian, nên sáng hôm sau tôi quyết định không đến công ty để có thể làm một việc hệ trọng.

Tôi đã xưng tội trong những tiếng nấc nghẹn nào để rồi khi bước ra từ tòa giải tội, tôi thấy mình như được hồi sinh. Tôi thầm hát một câu Đáp Ca mà tôi đã thuộc lòng: “Từ Si-on khi được Chúa dẫn về, ta ngỡ ngàng tựa trong giấc mơ. Tiếng cười rộn rã đôi môi, lời hoan ca vang rền cửa miệng…” Dù tôi bỏ Chúa, nhưng Ngài chẳng bao giờ bỏ rơi tôi. Chối từ Ngài cũng đồng nghĩa với việc chối từ hạnh phúc.

Trong nhà thờ, ngọn đèn chầu leo lét vẫn bền bỉ cháy sáng bên Nhà Tạm. Tôi đã quỳ rất lâu, để dâng Chúa hết nỗi lòng và xin Ngài ban ơn trợ sức, cho tôi được kiên trung theo Ngài, dù yếu đuối và bé nhỏ như ánh sáng của ngọn đèn chầu kia, nhưng không bao giờ lụi tắt.

Có lẽ nào, Chúa đã dùng hắn, một gã Tin Lành sốt sắng, để đưa tôi trở lại với Ngài? Từ khi tôi bỏ lễ, đã bao người thân và bạn bè đã khuyên nhủ tôi, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Lòng tôi chai sạn, không lời nào lay động được tôi. Không ai làm cho tôi đặt chân đến nhà thờ được. Vậy mà… tôi lại biến đổi kể từ khi gặp hắn.

Tôi rút điện thoại để nhắn tin cho hắn, người anh em Tin Lành của tôi. Hắn phải là người đầu tiên chia sẻ với tôi niềm vui này.

____________________

Mã số: 17-144

“Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ, lại trở nên đá tảng góc tường.

Đó chính là công trình kì diệu của Thiên Chúa, công trình kì diệu trước mắt chúng ta”

(Mt 21,42)

Vâng, cuộc sống của con người vốn luôn luôn là một phép màu, là một kì công trong chương trình của Thiên Chúa. Bởi vì “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” Những sự việc xảy ra trong cuộc đời tôi cũng như một giấc mơ tuyệt đẹp vậy. Tạ ơn Thiên Chúa vì mọi việc, mọi điều mà Ngài đã dành cho con.

Đang trong những suy nghĩ như vậy thì bỗng có tiếng gọi tôi, tôi quay lại.

- Chào sơ, xin lỗi cho con hỏi sơ có phải là sơ Mai không?

- Vâng, cho hỏi anh có việc gì vậy?- Tôi thắc mắc hỏi lại.

- Xin chào sơ, con là một người đạo Tin Lành, đứa con tinh thần của một vị mục sư đã qua đời, trước khi ngài ấy mất, ngài ấy truyền cho con phải đưa tận tay cho sơ món đồ này.- Rồi anh ấy đưa cho tôi món đồ ấy.

- Xin hỏi người đó là ai và vì sao anh lại biết sơ?- Tôi hỏi

- À, vị mục sư đó tên là Trần Đăng Sơn, tại trước khi mất ngài ấy có cho con xem một bức hình, bức hình đó nhìn rất giống sơ!

- Anh ấy mất vì lí do nào vậy?- Tôi gặng hỏi

- Thưa sơ, lúc đó con và ngài ấy đang cùng đi trên một tuyến xe buýt, nhưng lại gặp tai nạn. Ngài ấy đã dùng bàn tay bác sĩ của mình để cứu mọi người, nhưng sau đó lại kiệt sức vì vết thương trên người quá nặng và dẫn đến chết.- Buồn rầu, anh ấy trả lời.

- Thì ra là vậy! Vậy xin cảm ơn anh! Mời anh vào mời nước!

- Thôi con xin phép con đi, tại đang có công việc quan trọng.- Rồi anh ấy đi thật nhanh trở về, tôi còn chưa kịp hỏi anh ấy là ai, tên gì.

Tôi nhận lấy món đồ đó, nó là một bức thư, hơi cũ kĩ, có lẽ đã viết lâu rồi. Bỗng kí ức lại trôi dạt vào tâm trí tôi, trong đầu tôi bây giờ là những kỉ nệm về anh ấy, người bạn Tin Lành mà tôi từng quen.

* * *

Mùa hè trôi qua cách vội vã với bao kỉ niệm đẹp. Tiếng trống trường vang lên rộn rã, tôi đã lên lớp mười một. Hây-ya, mệt rồi đây, lại phải đối diện với đống sách vở, đối phó với bao nhiêu bài kiểm tra nữa. Lớp chúng tôi mới học được bốn tuần thì có một người bạn chuyển tới đây, bạn ấy được ngồi bên cạnh tôi. Người bạn ấy với cặp mắt kính, dáng cao, gầy và tên bạn ấy là… Sơn. Ngay ngày đầu tiên gặp mặt, Sơn đã tỏ ra là một người hoạt bát, vui tươi, nhanh nhẹn và… học siêu giỏi. Khi về đến nhà, tôi mới phát hiện ra một điều, nhà Sơn ngay sát bên nhà tôi. À! Hiểu rồi, chả là mới có một vị mục sư đạo Tin Lành chuyển đến để phụ trách nhà thờ Tin Lành thay cho vị mục sư quá cố đã qua đời tuần trước. Và bạn là con trai của vị mục sư mới tới đó, và… bạn cũng là người Tin Lành. Trời đất! Riêng tôi, tôi không có thiện cảm về cái đạo này cho lắm. Ngay từ nhỏ đã nghe các sơ nói: “Đạo Tin Lành là một lạc giáo.” Mà thôi cũng kệ! Chẳng có gì liên quan. Nói cách khác, tôi xem thường đạo Tin Lành và những tín đồ của đạo ấy, và tìm cách tránh xa họ. Nhưng nói vậy thôi, tôi lại rất khâm phục Sơn bởi cách đối xử với bạn bè và những người xung quanh. Hằng ngày, tôi vẫn cùng Sơn đi trên con đường mòn để tới trường. Có hôm, tôi hỏi han Sơn về quê quán, gia đình. Theo như bạn ấy nói, cậu ấy trả lời quê cậu ấy ở Kiên Giang, một vùng sông nước, bố làm mục sư đã nhiều năm,…

Cứ vào tối thứ bảy thường kì, lớp tôi sẽ có họp lớp tại nhà của giáo viên chủ nhiệm , hôm thì ngồi bàn kế hoạch văn nghệ, hôm thì chia sẻ những kinh nghiệm gì đó, hôm thì ngồi kể chuyện cho nhau nghe,… Hôm đó, lại gần vào ngày lễ Halloween, lớp tôi lại họp lớp như thường kì. Nhưng chủ đề của ngày hôm ấy là kể những câu chuyện ma kinh dị. Trong cái rét của trời sắp bước vào mùa đông, cộng vào đó là cái tính sợ ma vốn có từ nhỏ của tôi, hầu như trong buổi họp lớp, tim tôi như muốn rớt ra vì những câu truyện đó cộng thêm vào đó là tiếng hét rất thanh của những con người sợ ma như tôi. Và cuối cùng thì buổi họp lớp cũng đã kết thúc. Trên đường về cùng với Sơn, bỗng Sơn hỏi:

- Trong lúc họp lớp hôm nay, có vẻ cậu sợ ma quá nhỉ?

- Ma hả? Đương nhiên rồi! Tớ sợ ma số một luôn đó! Mà nghĩ cũng thấy kì! Sao lớp mình biết là có nhiều người sợ ma mà chúng nó cứ thích kể chuyện ma là sao í nhỉ?- Tôi đáp.

- Mà sao cậu lại phải sợ ma vậy nhỉ? Mình đã có Chúa của mình thì mình còn sợ gì nữa? Giống như trong Kinh thánh đã nói đó thôi: Chúa Giê-su đã vượt qua cám dỗ, chiến thắng ma quỷ rồi đó sao? Chẳng nhẽ đạo Công Giáo chưa nghe đọan Tin mừng này sao?- Sơn đáp lại.

- Tớ nghe rồi chứ, nhưng mà vẫn sợ thôi.- Tôi đáp

- Cậu sợ ma là chứng tỏ cậu thua ma quỷ đó, cậu có biết không? Nếu chẳng hạn ta gặp ma quỷ thật sự đi chăng nữa thì đến lúc đó ta phải mượn sức mạnh của Thiên Chúa để chiến thắng nó chứ! Như ông Đa-vit đã đánh bại Gô-li-át thế nào, cậu biết chứ?

-Tớ biết!- Tôi trả lời trong sự xấu hổ vì một người Công giáo như tôi lại phải được giảo thích Kinh thánh nhờ một người Tin lành - cái đạo mà tôi coi thường. Nhưng đây lại là một bài học hay cho tôi về một niềm tin vào sức mạnh của Thiên Chúa.

Rồi hai đứa tiếp tục đi trong đêm vắng, dưới ánh trăng sáng, lấp lánh bởi những ngôi sao vàng. Tôi nhìn lên trời rồi hỏi cậu ấy:

-Trong một tháng, cậu thích trăng vào thời điểm nào nhất?

- Tớ thích trăng vào đêm mười bốn nhất!- bạn ấy đáp.

- Sao vậy?- tôi thắc mắc hỏi.

- Cậu nhìn lên trời đi! Tuy hôm nay trăng không tròn, không đẹp nhất nhưng nó sẽ có thêm ngày mai làm cho nó đẹp hơn, tròn hơn; như một đời người vậy, con người sông luôn luôn trông đợi về một ngày mai tươi sáng hơn.- Cậu ấy nói.

- Ờ!

- À! Nói mới nhớ, trăng cũng là do Thiên Chúa tạo nên mà! Sao không đẹp được! Bởi vì tất cả mọi thứ Ngài dựng nên đều tốt đẹp cả mà!

- Ờ! Giỏi ghê ta! Biết nhiều ghê ta! Trả lời toàn triết lí không nữa chứ! Cậu định mai mốt làm triết học gia hả?- Tôi hỏi đùa.

- Không có đâu! Chỉ là lâu lâu cần phải nói chuyện cho nó hợp logic tí thôi í mà! Mà thôi đến nhà cậu rồi kìa, bai bai cậu nha! Chúc cậu ngủ ngon mơ đẹp nha!

- Cảm ơn cậu, cúc cậu ngủ ngon. Bai cậu tớ về đây!

Rồi sau đó tôi và cậu ấy tạm biệt nhau ra về. Buổi tối hôm ấy thật là khó quên, vì nó đã dạy cho tôi bao nhiêu điều, thêm vào đó là nó đã làm cho tôi phải suy nghĩ lại về những người đạo Tin Lành, và đặc biệt là Sơn.

Thời gian thấm thoát trôi đi, chưa gì đã sắp thi tốt nghiệp để lên đại học rồi! Sơn thì nói rằng cậu ấy sẽ học ngành y để trở thành một bác sĩ phục vụ những người bệnh. Còn tôi thì có lẽ sẽ không thi đại học, thay vào đó, tôi sẽ đi tu. Quyết định của tôi, hầu như gia đình không phản đối, mẹ chỉ bảo rằng: “Dù con biết rằng đi tu là khổ, nhưng con đã quyết thì không ai ngăn cản được cả.” Còn Sơn, Sơn lại nói rằng: “Mong rằng đó sẽ là con đường mang lại cho cậu hạnh phúc.” Sơn nói mà tôi không thể nào hiểu nổi câu nói của cậu ấy. Ngày thi tốt nghiệp cũng đã kết thúc, lớp tôi liên hoan một bữa cuối năm để rồi chia tay. Ai cũng sẽ đi trên con đường mình đã chọn. Ngày hôm đó, trời không nắng cũng không có mưa, trời hơi se lạnh, cứ râm râm như bình minh buổi sáng, dù bây giờ là những ngày tháng hè. Các bạn tôi ngồi thổ lộ hết tâm tư tình cảm, những câu chuyện buồn vui của thời đi học. Có tiếng khóc thút thít trong căn phòng nhỏ này, chúng nó kể chuyện nào là yêu đương, học hành, kỉ niệm,… Trong đó, tôi nhớ câu chuyện của Sơn. Cậu ấy nói rằng cậu ấy yêu thầm một cô gái, cô ấy có phần hơi trầm, hầu như không có một sở thích nào chung của anh ấy với cô ấy cả. Cả lớp gặng hỏi cô gái ấy là ai, vì sao cậu lại không ngỏ lời với cô ấy?... Nhưng hầu như Sơn không trả lời và chỉ nói một câu đơn giản, vì hoa đã có chủ rồi, và cậu thật không xứng với cô gái ấy. Và buổi họp mặt cuối cùng ấy cũng nhanh chóng tàn. Tôi và Sơn lại tiếp tục đi trên con đường mòn để về tới nhà, tôi hỏi cậu ấy rằng người anh thích là ai. Nhưng trước sự tò mò của tôi là sự im lặng của cậu bạn.

Và cũng đã đến hẹn. Tôi xin vào dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, tạm biệt mọi người, tạm biệt bố mẹ, con sẽ đi trên con đường tu trì để dành riêng cho việc phụng thờ Thiên Chúa, phục vụ mọi người. Cũng hôm đó, Sơn xách ba lô lên trường đại học. Kể từ đó, tôi không còn nghe tin tức gì về cậu bạn, chỉ nghe thoáng qua rằng cậu đã đi du học bên Mỹ vì nhận được học bổng do một trường đại học gì đó tài trợ.

* * *

Tôi vội mở bức thư ra, vẫn là nét chữ cậu ấy, một vài dòng chữ trên trang giấy: “Chào Mai, chắc cậu vẫn còn nhớ mình chứ. Cũng quá lâu rồi chúng ta không gặp nhau, giờ đây mình cũng chỉ có thể nói với cậu qua bức thư nhỏ này thôi. Bây giờ, mình chẳng biết nói gì với cậu cả, mình muốn được gặp cậu hằng ngày, nhưng điều kiện lại không cho phép. Mình muốn nhớ lại những kỉ niệm ngày xưa. Nhiều khi, mình rất muốn nói với cậu rằng mình yêu cậu, yêu ánh mắt buồn của cậu, yêu nụ cười trong sáng của cậu, yêu giọng nói nhẹ nhàng của cậu,… Đến khi cậu nói rằng cậu đi tu, mình buồn, nhưng cũng không thể nào nói ra, bởi vì cậu đã quyết thì không thể nào thay đổi được; với lại con đường của cậu là một con đường thiêng liêng mà chỉ có những con người thích hợp mới có thể đi trên con đường đó mà thôi. Vì vậy nên mình tôn trọng ý nguyện của cậu, không dám ngỏ lời rằng mình rất yêu cậu. Những lời nói này có lẽ là những lời nói trong sâu thẳm của mình. Nhưng cũng cảm ơn cậu vì cậu đã luôn bên mình trong những năm đã học dưới mái trường cấp ba đó. Tạm biệt cậu. Chúc cậu hạnh phúc trên con đường mà cậu đã chọn. Trần Đăng Sơn.” Đọc xong bức thư, những giọt lệ như vỡ òa. Thì ra… ngừơi mà cậu ấy nói cách đây hơn mười bốn năm trước chính là mình sao?... Những câu hỏi lại hiện ra trong đầu tôi không có lời giải đáp. Nhưng giờ đây cậu ấy đã ra đi mà không thể gặp lại được nữa. Giờ đây chỉ biết tạ ơn Thiên Chúa mà thôi. Tạ ơn Chúa đã ban cho con có một người bạn như bạn ấy, mong rằng bạn ấy sớm được hưởng vinh quang thiên quốc cùng Ngài.

____________________________

Mã số: 17-139

Trời Tây Nguyên về đêm lạnh giá, tiếng cú kêu nghe âm u thảm buồn. Con đường dốc chạy lòng vòng quanh rặng núi vào bản T’hine không có lấy một ngôi nhà, khiến cảm giác của người đi đường trong đêm càng thêm ớn lạnh.

Đi sâu vào trong làng, có khoảng ba chục nóc nhà ở quây quần với nhau. người Chu Ru sống hiền hòa đơn sơ chất phác. Họ sống dựa vào thiên nhiên núi đồi. Làm nương làm rẫy trồng hoa màu, săn bắt thú rừng kiếm thức ăn.

Cuộc sống thanh bình của họ dần bị xáo trộn bởi sự xuất hiện của người Kinh. Với dã tâm làm giàu trên mồ hôi nước măt của người khác bằng nhiều hình thức, từng bãi đất khai hoang màu mỡ của người Chu Ru dần mất vào tay họ. Đã đói nghèo lại càng nghèo đói hơn.

Gia đình K’vương là một gia đình lớn nhất ở thôn T’hine. Bố K’vương làm già làng. Cái khôn ngoan của ông không đủ sức ngăn sự lôi cuốn của đời sống vật chất mà xã hội hiện đại mang đến. Thủ đoạn của người Kinh là cứ bán chịu cho người trong làng tất cả những gì họ thích, rồi đến mùa họ sẽ thu nông sản để khấu trừ. Ai không đủ nông sản thì bán rẻ nương rẩy cho họ, hoặc săn bắn được những thú vật qúy hiếm thì bán cho họ trừ nợ.

Tuy đời sống vật chất được nâng cao nhưng cái nét dân dã nơi đây không còn nữa. Những thủ tục cưới xin ma chay cũng bị ảnh hưởng rất lớn, người ta không còn dựa trên những vật phẩm như chóe rượu cần, gùi gạo nếp, dây cườm hạt cây, con trâu cái tơ và nhiều thứ khác nữa. Thay vào đó là dùng tiền làm đơn vị thách cưới của nhà trai đối với nhà gái. Tập tục của người Chu Ru là đi bắt chồng, một người con gái muốn lấy dược chồng phải chấp nhận số tiền bao nhiêu tùy bên nhà trai đưa ra, tiền thách cưới ít nhất cũng hai cây vàng.

K’vương và Ma năng lấy nhau không theo tập tục mới. Hai gia đình thống nhất với nhau theo tục cũ. Họ cũng là đôi vợ chồng đầu tiên được cử hành nghi lễ cưới xin theo nghi thức Công giáo, dưới sự chủ trì của Ama Quang. Gia đình K’vương là gia đình đầu tiên tin đạo. Cái đám cưới đơn sơ mộc mạc của hai bên gia đình khiến cho người trong làng bàn tán xôn xao. Kẻ trọng tiền bạc thì cười, người giàu tình nghĩa thì khen. Nhưng đó quả thực là một bước ngoặc lớn mà nguời tông đồ của Chúa đang âm thầm thực hiện.

Là một người đã từng sống chung với người bản xứ nên cha Quang rất am hiểu văn hóa người Chu Ru. Được bề trên dòng đặc trách sai về mở rộng vùng truyền giáo, cha không biết phải làm gì với cánh đồng hoang vu mà cha được sai đến, cha chỉ biết dâng lên Chúa tất cả qua sự chuyển cầu của Đức Mẹ.

Cha ở lại nhà già làng K’mia bố của K’vương, cùng đi rẫy, cùng làm, cùng ăn với họ, cùng tham gia mọi hoạt động tập tục văn hóa của họ, qua đó cha dần giải thích cho họ hiểu về sự hiện diện của Chúa trong tín ngưỡng của họ mà họ vẫn gọi Thượng Đế là Giàng.

Bước ngoặc lớn nhất của cha là gỡ bỏ được cái bàn thờ ma làng trong góc bếp của già làng K’mia, và thay vào đó là bàn thờ Thiên Chúa.

Cả nhà K’vương được rửa tội, đó là một sự kiện trọng đại trong việc truyền giáo tại đây. Họ trìu mến và gọi cha là Ama. Tiêng Chu Ru nghĩa là bố, là cha. Một khi già làng đã tin theo thì tất cả người trong buôn làng đều dễ dàng tin theo.

Đối với cha Quang, điều khó nhất là làm sao để họ thăng tiến trong đời sống vật chất nhưng vẫn giữ được thuần túy cái nét văn hóa của họ, tránh khỏi những dụ dỗ của các con buôn người kinh.

Đời sống vật chất dần được cải thiện, người trong làng không còn đem đất bán cho người kinh nữa, những tập tục mê tín dần được bỏ, thay vào đó là niềm tin vào Chúa.

Mất miếng ăn nên các con buôn quay ra làm khó cha. Đứng đầu các con buôn là Ba Sẹo. Họ báo cho chính quyền và vu khống cho cha tội tuyên truyền mê tín và chống phá nhà nước.

Ở đời không ăn được thì đạp đổ là lẽ thường tình. Vì muốn điều tra thực hư như thé nào cho rõ ràng nên chính quyền nhà nước đã vào can thiệp và yêu cầu cha ngưng lại các hoạt động tôn giáo. Lòng ngậm ngùi đầy buồn phiền không biết phải làm sao, cha chỉ biết dâng lên Đức Mẹ Fatima lời thở than. Chính quyền yêu cầu cha rời khỏi đây, cha đành gạt nước mắt ra đi để lại đàn chiên bơ vơ giữa cánh đồng đầy sói dữ.

Cha đi rồi, một mình già làng K’mia phải cố gắng duy trì đời sống đức tin cho những người đã tin đạo, nhưng với niềm tin còn non nớt mà già làng mơi lãnh nhận không đủ khả năng để giữ lấy đàn chiên không có chủ chăn, từng con bỏ đàn và gia nhập lại với truyền thống tập tục cũ.

Ba Sẹo lại cầm đầu bọn con buôn tràn vào làng làm đảo lộn nếp sống nơi đây. Dù cố gắng thế nào đi nữa thì già làng vẫn không thể biết được những mánh lới làm ăn của các con buôn . Lúc có cha Quang thì cha hiểu được vì cha thừa biết kiểu cách làm ăn của người Kinh.

K’vương có được chiếc xe máy cha Quang để lại nên cứ cuối tuần anh lại chạy ra ngoài thị trấn cách làng cả trăm cây số để trình bày sự việc trong làng với cha và xin bánh lễ về cử hành cầu nguyện chung.

Nhìn cảnh thanh niên trong làng ngày càng trở nên hư hỏng vì rượu chè và cờ bạc, lòng K’vương nặng trĩu nổi lo. Họ không còn siêng năng việc nương rẫy. Những trò vui mà người kinh mang đến lôi kéo thanh niên khỏi những buổi đọc kinh chung. Lòng đầy thao thức mà không biết làm sao. Anh chỉ mong cha chóng quay trở lại, chỉ có cha nói thì may ra người trong làng mới chịu nghe.

Đã qua hai cái mùa khô, khắp trên nương rẫy người ta chất từng đống củi rác để đốt, dọn đất để chờ một vụ mùa mới. Riêng nhà K’vương thì đã có hai mẫu đất trồng cà phê, năm nay đã được hái bói. Niềm vui rạng ngời trên gương mặt già làng K’mia, đó là kết quả của sự vâng lời mà ông có được khi nghe Ama Quang.

Cái văn hóa du canh du cư đã ăn sâu vào cách sống của con người nơi đây. Họ chỉ trồng cây ngô, cây sắn, và một số nông sản địa phương, ngoài ra họ còn trồng lúa ở các chỗ trũng thấp của các thung lũng trong dãy núi mà thôi. Cha Quang biết được chỗ này có thể trồng các loại cây như cà phê, sầu riêng, và trà, cho nên đã kêu gia đình già làng cùng với bà con trong làng giữ đất trồng cà phê. Nhưng cả làng không chịu nghe, chỉ có mình già làng K’mia chịu làm theo lời cha Quang chỉ.

Ngoài việc vẫn canh tác các vạt đất khác làm hoa màu, già làng K’mia dành riêng hai mẫu đất và bảo K’vương cùng vợ là Ma năng trồng cà phê. Vì chưa có hệ thống tưới nước cho cây nên họ phải hạ giống vào mùa mưa. Sau đó cha Quang xin được một chiếc máy bơm nước chạy bằng dầu về, mùa khô mới giữ cho cây được tươi tốt.

Trải qua hai mùa khô, đối với người Chu Ru, họ không quen chờ đợi để thu hoạch. Và họ cũng chưa biết cây cà phê là thứ cây gì. Có lúc K’vương cũng chán, anh không muốn chăm sóc cho mảnh vườn nữa, nhưng được sự động viên từ xa của Ama Quang nên anh vẫn giữ cho mảnh vườn được tươi tốt.

Ba Sẹo thấy được cái lợi trước mắt nên đã tìm cách để chiếm mảnh vườn. Một mặt hắn mua chuộc các thầy mo, thầy cúng trong làng phao tin lên rằng, vì gia đình già làng K’mia trồng thứ loại cây lạ nên Giàng không ưng cái bụng, Giàng phạt mất mùa khiến năm nay sâu bọ phá hết hoa màu.

Chiều nay trên rẫy, hai vợ chồng K’vương đơn phương chống chọi với cả làng, thầy cúng Ja-tao lại là bố của Ma năng, tức là bố vợ của K’vương lên tiếng:

- Ơ! ... K’vương…. Mày trồng thứ cây này không được rồi… đất này Giàng chỉ cho trồng ngô sắn thôi… Giàng không ưng cái bụng. Mày làm cả làng bị Giàng phạt rồi… năm nay bị mất mùa rồi.

- Ơ!...mày nói không đúng rồi…. Giàng không ưng cái bụng khi mày bán đất cho người Kinh trồng thuốc phiện nên Giàng phạt… Đất là của người Chu Ru….bọn mày đem bán cho người Kinh nên Giàng không ưng cái bụng đó thôi.- K’vương mạnh mẽ đáp lại.

- Không phải đâu thằng K’vương ạ… Tao cúng cho ma làng, ma làng bảo mày bỏ không thờ Giàng, không thờ ma làng nữa nên Giàng phạt đó.- Thầy cúng Ja-tao lại nói.

- Không phải đâu Ja-tao…. Tao biết Giàng tên gì rồi. Tao vẫn thờ Giàng nhưng tao thờ tên của Người. Người chỉ cho tao cách thờ phượng người như thế nào cho đúng thôi. Tao không có bỏ Người…. nên Người chúc phúc cho gia đình tao…. Năm nay nhà tao được mùa… cây cà phê Ama Quang bảo tao trồng giờ có trái rồi… tao không gạt mày đâu Ja-tao ạ.

- Thế Giàng tên gì?

- Giàng tên là Giê-su.

- Thế Giàng có mẹ không?

- Có chứ… Mẹ Người tên là Maria.

Nghe thế cả đám người bên kia cười ồ lên. Thầy cúng Ja-tao nói lớn:

- Cả làng nghe chưa…. Giàng làm gì có mẹ…. phá nát cái rẫy cây của nó đi… tại nó mà Giàng phạt đấy cả làng ạ.

Đám người xôn xao, kẻ dao người búa chực xông vào phá rẫy cà phê đang chuẩn bị cho thu hoạch. Hai vợ chồng K’vương rất lo sợ. Đang lúc không biết làm gì thì từ đàng xa, con voi Phia của nhà K’vương lao nhanh tới, nó gầm thét lên có vẻ đầy giận dữ, rồi lao vào đám người đang hung hăng chực phá nát đám rẫy cà phê của K’vương. Đám người vội bỏ chạy tán loạn. Họ không hiểu tại sao con Phia thường ngày rất hiền lành ai tới gần nó vuốt ve đùa giỡn đều được, vậy mà hôm nay nó lại hung dữ như thế để bảo vệ cho K’vương. Chỉ duy nhất già làng K’mia mới được phép sử dụng voi. Và đó cũng là đặc ân của mọi người dành cho vị trưởng làng.

Con voi Phia đã cùng với K’vương bảo vệ rẫy cà phê cho đến hết ngày thu hoạch. Cha Quang đã nhờ người thân quen vào tận nơi thu mua cà phê cho già làng K’mia. Vụ mùa đó Già làng đã có thể đủ tiền để mua được một cái máy xới và cất được một căn nhà khang trang. Người trong làng đã chuyển thái độ thù ghét sang lòng ngưỡng mộ. Từ đó nhiều người đã trở lại với niềm tin vào Chúa.

_____________________________________________

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget