CÂY HOÀNG PHI ĐIỆP (1)

Không biết có chuyện gì quan trọng mà sơ Nhung lại gọi điện nhắn mình lên nhà Dòng của sơ? Chuyện gì vậy nhỉ? Tại sao không nói qua điện thoại cho rồi? Mãi phân vân suy nghĩ, đoán già đoán non, xe của tôi đã đến trước cổng nhà Dòng lúc nào không hay.

Chiều Chúa nhật các sơ không dạy trẻ, tu viện được trả lại bầu khí yên tĩnh, trầm mặc vốn phải có của nó. Xuống xe, tản bộ vào lối cổng phụ, mắt tôi bị hấp dẫn bởi những cây hoàng phi điệp đang mùa hoa nở rộ trước dãy nhà chính của tu viện. Một khung trời toàn màu vàng, đúng như tên gọi của cây: “bướm vàng bay”. Mải mê ngắm những chùm hoa vàng lững lơ trước gió, có những chùm dài đến nửa thước đưa đi đưa lại, tôi có cảm giác như bất cứ chỗ nào của thân cây cũng có thể chìa ra một chùm hoa dài ngắn khác nhau. Thiên nhiên thật kỳ diệu!

- Xin lỗi, chị có phải là chị Thuý Nga không? - Giọng nhẹ nhàng của một em thanh tuyển kéo tôi về với thực tại.

- Vâng ! Tôi đây.

- Đợi mãi không thấy chị lên, sơ Bề Trên, cha Tuyến, và ông bà cố của ngài vừa đi khỏi. Sơ nhắn chị lên phòng khách trên lầu ngồi đợi, tý nữa sơ sẽ về ngay.

Em thanh tuyển vừa dẫn tôi đi lên cầu thang vừa kể: Chiều nay, tu viện chúng em có Thánh lễ mở tay của cha Tuyến. Ngài mới được trao tác vụ linh mục.

Ngồi một mình trong phòng khách yên tĩnh, đợi mãi không thấy sơ Nhung về, tôi hết nhìn ảnh Chúa Chiên Lành, lại đến ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Thấy chán, tôi mang ghế ra ngoài hành lang ngồi cho thoáng và ngắm cảnh thiên nhiên. Phóng tầm mắt nhìn những ngôi nhà nhấp nhô xa xa, những lùm cây nghiêng mình bên hồ nước trước mặt trong cảnh chiều buông, lòng tôi chợt chùng xuống như cuộc đời tôi cũng đang về chiều…

Ngày ấy, cách đây đã hơn ba mươi năm rồi, lớp của tôi chỉ có hai sinh viên Công giáo. Có lẽ nhờ mối dây đức tin vô hình này mà tôi và sơ Nhung dễ dàng chơi thân với nhau hơn. Sơ lớn tuổi nhất lớp. Sơ không muốn đi học đại học, chỉ muốn sống trong môi trường yên tĩnh của tu viện, đắm mình trong lời kinh, ẩn mình bên Chúa, xa lánh sự nhiễu nhương của cuộc sống… Vì nhu cầu của nhà Dòng, vâng lời bề trên nên sơ đi học. Hình như người nhà tu ai cũng học hành cần mẫn thì phải?

Hồi ấy không hiểu sao lại có sự phân biệt, kỳ thị giữa người không Công giáo và người Công giáo khá rõ ràng. Các môn học, hễ có gì liên quan tới tôn giáo, thế nào các giáo sư cũng chêm vào: “Tôn giáo là thứ thuốc phiện…”. May sơ Nhung học khá đoàng hoàng, tạo được ảnh hưởng tốt, đã phần nào xóa đi những thiên kiến về Đạo cho các bạn trong lớp.

Kể cũng may, nhờ học chung với Sơ mà tôi có thể sống đạo tốt hơn. Nói là có Đạo chứ hồi ấy tôi đâu có sống Đạo. Đi lễ để được gọi là có Đạo, còn về Chúa, về Mẹ tôi chẳng biết sự gì, nói chi đến việc cầu nguyện. Sống trong môi trường xã hội cổ xuý cho việc không tin có Thượng Đế và thế giới bên kia, con người tranh giành nhau mà sống, kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu. Hơn nữa nhà tôi lại sống gần chợ, cha mẹ buôn bán, tự dưng tôi mất đi cảm thức về sự thật thà. Nhà trường đáng lẽ phải đào luyện ra những con người tốt, nhưng thử hỏi thi cử gian lận, chạy chọt “xin điểm” thầy cô… thì làm sao có người tốt được? Hồi ấy việc tôi đậu đại học là do sự “can thiệp bất công” của đồng tiền. Sống trong dòng xoáy của sự gian lận, làm sao một người trẻ có thể đứng vững? Làm sao tiếng nói trung thực của lương tâm có cơ may lên tiếng?

Nhớ lại, sáng hôm đó thi môn Kinh tế chính trị, học kỳ hai năm một đại học. Trước khi vào phòng thi, tôi vội vàng tìm sơ Nhung:

- Sơ ơi! Tài liệu em đã photo cho sơ đây này. Em hai bộ, sơ hai bộ, để nếu bị bắt bộ này thì còn bộ kia nữa.

Sơ Nhung cầm lấy rồi nói:

- Cái gì đây? Chữ nhỏ thế này làm sao đọc được?

- Quay bài thì phải nhỏ chứ to thì lộ liễu quá.

- Cảm ơn em. Chị không quay bài đâu, nhưng chị cất đi để làm kỷ niệm nhé.

- Bộ sơ thuộc cả cuốn sách à? Em với sơ có phải ai xa lạ đâu mà e thẹn. Các bạn đều thủ sẵn tài liệu. Không có tài liệu thi rớt trắng mắt cho mà coi! Lúc sơ nộp “tiền ngu” để thi lại thì đừng kêu ca.

- Cảm ơn lòng tốt của em đã quan tâm tới chị. Chị chưa bao giờ quay tài liệu cả và cũng không dám. Sợ lắm!

Cuộc đời có những ngã rẽ thật huyền nhiệm. Nó dẫn ta đến những nơi không bao giờ có thể ngờ được. Có thể ngay lúc đó ta không nhận ra những giá trị của nó, đôi khi ta còn cố gắng phản kháng lại cách mãnh liệt. Nhưng với thời gian, khi nhìn lại ta mới thấy những dẫn dắt huyền diệu của Thiên Chúa. Ngã rẽ có khi đến từ những chọn lựa, suy tính kỹ càng của bản thân; đôi khi ngay cả trong sự bồng bột, nông nổi nhất thời; và có khi ngang qua một biến cố, một sự kiện nào đó trong cuộc sống thường nhật. Đến bằng cách nào không quan trọng, miễn là qua đó ta rút ra được bài học gì cho hành trình đi tới của ta được tốt hơn. Quay bài là chuyện “thường tình” của kẻ bút nghiên, không quay mới là bất thường? Hồi đó đưa tài liệu cho sơ, tôi chẳng suy nghĩ gì, trong thâm tâm còn mừng nữa là khác, vì mình đã giúp đỡ người khác. Nào ngờ sự thể lại hoàn toàn ngược lại. Nó là cú đập giúp tôi bắt đầu suy nghĩ về các giá trị trong cuộc sống.

Sáng hôm ấy môn cuối cùng của kỳ thi chấm dứt, tôi tạm thời xếp sách vở sang một bên để thưởng thức những ngày hè sau thời gian dài vất vả với chúng. Bỗng dưng sơ Nhung gọi tôi:

- Thuý Nga ơi! Thi xong rồi chắc em rảnh rỗi, đến nhà Dòng sơ chơi không? Hôm nay đến phiên chị nấu ăn.

- Được! Thi xong về nhà em cũng chẳng biết làm gì.

Tôi vui vẻ theo sơ về nhà Dòng. Sơ và tôi vừa nhặt rau vừa nói đủ thứ chuyện: học hành, đạo nghĩa, lý tưởng cuộc đời… Bỗng nhiên sơ nhìn tôi rồi nói:

- Thuý Nga, em trả lời chị điều này nhé? - Giọng sơ có vẻ trầm trọng.

- Trả lời cái gì?

- Ăn trộm đồ của người khác có tội không?

- Chị hỏi vớ vẩn gì vậy! Đương nhiên là có.

- Ăn cắp là có tội… Bây giờ giả sử cả làng đều đi ăn căp, em có đi không?

- Làm gì có chuyện cả làng đi ăn cắp.

- Ừ, chị cứ giả sử vậy.

- Ừ… ừ… có lẽ em… sẽ không đi. Vì ăn cắp là sai, cả làng sai chẳng lẽ thành hết sai.

- Đúng. Thế em nghĩ gì về việc cả lớp, cả trường quay bài trong khi thi, họ đúng hay sai? Tại sao ta phải theo họ?

- Ờ… chuyện này khác.

- Sao lại khác được. Chúa bảo: “Ai trung thành trong việc nhỏ sẽ trung thành trong việc lớn và ngược lại…”

* * *

- Thuý Nga ơi! Đợi chị có lâu không? - Tiếng sơ Nhung từ dưới cầu thang vừa đi lên vừa gọi làm tôi giật mình bỏ dở dòng hồi tưởng.

- Hẹn em lên đây, bỏ đi chơi lại còn hỏi đợi lâu hay chóng. - Tôi trả lời có vẻ hờn mát.

- Sáng nay em đã đi lễ chưa?

- Bộ sơ nghĩ em như thời sinh viên hay sao mà cứ phải kèm cặp. Có cháu nội cháu ngoại rồi, không đạo đức thì chí ít cũng phải sống làm gương cho chúng nó chứ. Nãy giờ ngồi đây, nhớ lại thời sinh viên của chúng ta, em thấy vui vui. Sơ còn giữ hai bộ tài liệu hồi ấy của em không?

- Nhớ dai nhỉ!

- Nhờ việc đó mà em đã thay đổi cuộc đời đấy… Mà chị gọi em lên đây có chuyện gì vậy?

Tay sơ chỉ về hướng những cây hoa hoàng phi điệp:

- Nhìn mấy cây hoa kia em có nhớ gì không?

- Nó lớn nhanh quá và nhiều hoa nữa. Nhớ lúc em mang thai, sơ đưa em về đây “ở ẩn”, xung quanh còn hoang vu, đâu có khang trang như bây giờ… Lúc đó, em vừa buồn vừa chán. May có những việc lặt vặt như làm vườn, trồng cây, nhổ cỏ để giết thời giờ. Cây cuối cùng kia sơ đưa em trồng và bắt em chăm sóc với lời nhắc nhở: “Tưới tắm cho cẩn thận, biết đâu ý Thiên Chúa nhiệm mầu, sau này đứa con trong bụng em cũng được trồng trong vườn nho nhà Chúa, như những cây này được trồng trong khu vực đất của nhà Dòng”… Lúc nãy khi đến đây, em để ý cây đó cách đặc biệt. Thấy nó vươn cao, hoa rất nhiều. Em hy vọng con trai em đang ở phương trời nào đó cũng…

Tôi vừa nói vừa nhìn sâu vào mắt sơ như dò hỏi: “Tại sao sơ lại mất địa chỉ của gia đình ấy? Mà họ cũng tệ thật, không liên lạc gì với sơ. Hay gia đình họ có chuyện gì rồi?”

Sơ cười dịu dàng, trên khuôn mặt lộ rõ nét hiền từ của người tu hành, mắt nhìn vào cõi xa xăm như muốn hiểu thấu nỗi uẩn khúc trong lòng tôi và nhẹ nhàng trả lời:

- Ừ, sơ gọi em đến nhà Dòng cũng là vì chuyện này.

- Sơ biết được tình hình gia đình họ à…?

Boong banh! Boong banh… Tiếng chuông vang lên dồn dập làm ngắt quãng cuộc nói chuyện của hai người.

Nghe tiếng chuông, sơ Nhung vội nói và dường như chưa muốn trả lời câu hỏi của tôi:

- Chiều nay, có tân linh mục về dâng lễ tạ ơn ở nhà Dòng. Chúng ta xuống tham dự Thánh lễ đã. Còn nhiều chuyện chị phải bàn bạc kỹ với em.

Hai người vội xuống cầu thang tiến về phía nhà nguyện. Bước vào nhà nguyện, một bầu khí thánh thiêng đang lan toả khắp không gian. Tôi thấy hồi hộp. Linh tính báo cho tôi có chuyện gì đó sắp xảy đến. Tôi cảm nhận nó cách lờ mờ nhưng không biết rõ nó từ đâu đến.

Các sơ đang ôn hát cho cộng đoàn. Giáo dân tiến vào nhà nguyện mỗi lúc một đông. Hình như họ đã được báo trước? Tôi lặng lẽ đến quỳ trước bàn thờ Đức Mẹ. Chính chỗ này, lúc tuổi đời đôi mươi bồng bột tôi đã tìm được đường trở về, ngừng lại không dại dột làm điều tàn ác, ghê gớm nhất trên đời.

* * *

Tin sét đánh đến với tôi vào chiều thứ năm ấy, trước lễ thành hôn của tôi và anh hai ngày. Nó cách đây ba mươi mốt năm rồi. Anh bất ngờ chết vì tai nạn xe máy, khi một mình trên đường lấy giấy đăng kí kết hôn từ uỷ ban phường trở về. Anh đâm vào con chó chạy ngang qua đường. Anh chết trên đường đưa đến bệnh viện. Với tôi lúc đó, đời hoàn toàn sụp đổ.

Hôm đưa anh ra nghĩa địa, tôi như người mất hồn. Nhìn những ngôi mộ mà lòng tôi xót xa khôn tả. Tôi đã thầm nguyền rủa nghĩa địa. Nghĩa địa! Đó là cuốn biên niên sử trung thực và khắc nghiệt nhất, là ngôi nhà chung cuối cùng cho mọi cư dân. Nơi đó gợi lên nỗi đau tận cùng của lòng người. Nhìn nấm mồ của anh vừa đắp xong, lòng tôi giằng co vô vọng. Tình yêu chân thành của anh và tôi đã để lại một hạt giống truyền sinh anh trao tặng, để hay bỏ? Nếu để, áp lực gia đình, dư luận xã hội… liệu tôi có vượt qua được? Ai hiểu được nổi nỗi lòng rối bời của tôi lúc đó? Tương lai mịt mờ biết đi về đâu?

Mọi người đi đưa tiễn anh đã về hết. Sơ Nhung vừa nói vừa đưa tay dìu tôi:

- Thuý Nga ơi, mình về thôi, thương tiếc bây giờ cũng chẳng làm gì được nữa. Người chết đã yên, mình vẫn phải tiếp tục sống cuộc sống của mình.

- Sơ ơi, chưa yên đâu! Kẻ chết đã vậy còn người sống sẽ ra sao? Tu là cõi phúc tình là dây oan, sơ đi tu làm sao hiểu được kẻ đã vướng vào lưới tình như em?

- Tình yêu là cái gì cao đẹp, được Thiên Chúa chúc phúc... Sao em lại nói võ đoán vây?

- Sơ ơi, tình yêu đúng là đẹp thật. Khổ nỗi mấy ai đủ khôn ngoan như triết gia trong khi đang yêu. Mấy hôm nay, nhìn anh ấy nằm bất động, em suy nghĩ lung tung không biết nên để hay phá mầm sống còn lại của anh đang trong bụng em. Nếu phá đi thì may ra đời em còn có hy vọng, nếu để em e… Em không dám cho ai biết em đã…, nếu mọi người biết chắc em chỉ còn nước độn thổ.

* * *

“Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”… Lời của vị chủ tế vang lên, cắt đứt dòng hồi tưởng miên man và kéo tôi về với bầu khí trang nghiêm của nhà nguyện. Tôi giật mình: Sao giọng của cha này nghe quen quen, giống giọng của ai đó? Tôi đứng dậy, ngước mắt nhìn lên bàn thờ. Bóng dáng linh mục chủ tế, và những lời: “Kính thưa cộng đoàn, hôm nay chúng ta họp mặt nơi đây là làm những nghĩa cử của người con thảo đối với Thiên Chúa là Cha chúng ta. Qua thánh lễ này, xin cộng đoàn cùng hiệp dâng lời tạ ơn cùng với con, cho con, vì con…” của ngài, làm tôi hiểu ra việc sơ Nhung gọi tôi lên đây. Nước mắt tôi trào ra tự bao giờ không biết. Tôi rùng mình và ghê rợn vì đã từng có ý nghĩ tiêu diệt mầm sống kia, mà giờ đây đang đại diện cộng đoàn tế lễ Thiên Chúa...

Trong đầu tôi thoáng hiện đâu đó những khu nhà, những cây hoàng phi điệp đang được trồng bởi biết bao con người dám hy sinh cuộc đời mình vì sự sống của người khác…

Màu vàng của những cánh hoa hoàng phi điệp đang tung bay trước gió, hoà với màu vàng của áo lễ trên bàn thờ…

FX. TRẦN CAO MẠI


[1] Cây Hoàng Yến – Tên chính thức của loài cây này

Đăng nhận xét

[blogger]

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget