Site nháp 4 TSMD

BÀI MỚI

Suối Ngàn

Đêm đông!

Chúa đã ngự đến buôn làng

Người dọi ánh sáng xua đi tăm tối

Người ngự đến giữa những ngôi nhà sàn,

Người ở tại buôn làng

Của miền cao nguyên heo hút!

Đêm đông!

Từng đợt gió lạnh ùa về

Thổi từng hồi lùa xuyên qua vách nứa

Em bé nằm co ro nơi sàn nhà,

Mảnh chăn rách hôi mùi

Dưới gầm sàn đàn lợn kêu vì đói!

Đêm đông!

 

Chân Ama thêm nhức mỏi

Cuộc gian nan đã qua mấy quả đồi

Đời Amí đã lội nhiều con suối,

Đã qua nhiều mùa rẫy

Lời kinh đêm thầm thĩ nhớ đến Người!

Đêm đông!

 

Ánh trăng thanh thanh sáng tỏ

Nghe thấy tiếng Người đang nói nhỏ

Ta yêu mến bao nhiêu mảnh đất này

Ngày lại ngày Ta đến

Thăm từng nhà và sẽ ở lại đây!

Đêm đông!

 

Người sinh xuống giữa nơi này!

Đã ban thêm nguồn sức sống bình yên

Buôn làng ơi hãy vang tiếng còng chiêng!

Mừng con Chúa Trời giáng thế

Ánh sao khuya luôn dẫn lối chỉ đường!

Đêm đông!

 

Sẽ vơi đi cái gió lạnh

Ngày sẽ thêm muôn cái nắng ửng hồng

Cho muôn đời ấm áp trong tình Cha

Cho buôn làng vang lời kinh

Cám ơn Người cho niềm tin vui sống!

Đêm đông!

 

Sẽ chẳng còn thêm trống vắng

Ngôi nhà sàn lửa ấm sẽ bừng lên!

Tình thân ái anh em cùng ngợi khen,

Người Kinh, người Thượng chan hòa

Chung một nhà ấm áp trong tình Cha!

Bùi Thị Minh Ân

Giáng Sinh về con quỳ bên máng cỏ

Ngắm Hài Nhi, Hoàng tử Hòa Bình

Giê-su hỡi, Ngài nằm trong hang đá

Lạnh lẽo vô cùng, ai sưởi ấm Ngài đây?

Vì nhân loại lỗi lầm- ngài xuống thế

Yêu mến Ngài con đây thỏ thẻ:

Con xin nguyện dâng hy sinh nhỏ bé

Nên cọng rơm dâng Chúa Hài Nhi

Dâng tiếng hát cùng thiên thần hợp xướng

Dâng tấm lòng sưởi ấm Ngài đêm đông.

 Phương Uy (Phan Thiết)

Thuyền kéo va li trở về giáo đoàn Bác Ái lúc trời đã sẫm, sắp đến giờ kinh tối. Sơ Châu không nói gì, chỉ lẳng lặng dắt Thuyền về phòng và dọn cho Thuyền bữa cơm muộn. Sau đó sơ đi cắm hoa chuẩn bị cho Thánh lễ sáng mai.

Thuyền ngồi bó gối trong phòng, không bật đèn. Nhắm mắt vẫn thấy rõ mồn một từng đồ vật bài trí trong căn phòng nhỏ. Thuyền đã sống ở đây từ lâu lắm. Năm đó Thuyền chỉ mới khoảng ba hay bốn tuổi. Sau phiên tòa, mẹ đưa Thuyền đến gửi tại tu viện này. Lúc đó, các sơ vẫn nhận học trò nội trú, nhưng Thuyền quá nhỏ nên sơ trưởng không nhận. Sau mẹ Thuyền năn nỉ quá các sơ mới nhận nuôi Thuyền. Mẹ vét túi, đóng hết cho Thuyền ba tháng tiền ăn, hẹn tháng sau quay lại thăm Thuyền. Nhưng rồi không bao giờ mẹ quay lại nữa. Mấy tháng đầu, Thuyền còn mong mẹ đến, còn khóc nhèo nhẹo đòi mẹ. Nhưng càng mong càng vắng. Rồi dần dần, Thuyền cũng quen hơi sơ Châu, rồi lớn lên với sự bao bọc và ủ ấm của sơ Châu.

Ngày đó, thấy Thuyền khóc quá, sơ Châu có đưa Thuyền về nhà. Nhưng cửa đóng, hỏi hàng xóm mới biết nhà đã bán từ lâu, còn mẹ thì đi đâu không rõ. Ba mẹ Thuyền trước đều ở cô nhi viện nên Thuyền không có bà con gì. Vậy là Thuyền chính thức mồ côi từ năm bốn tuổi. Năm đó cũng là năm ba ra pháp trường. Nhưng chỉ sau này, Thuyền mới nghe sơ Châu kể lại. Chỉ biết rằng hằng năm, cứ vào trước Giáng sinh, sơ Châu lại đưa Thuyền đi thăm mộ một người, sau này mới biết là ba.

* * *

Uy lúc ấy cũng là cô nhi. Một bà mẹ nào đấy đã bỏ Uy trước cổng nhà thờ lúc Uy còn đỏ hỏn. Uy và Thuyền là hai đứa trẻ lạc mẹ lúc nào cũng ngác ngơ quấn lấy sơ Châu. Tuổi thơ của Thuyền trôi qua cùng Uy, trôi qua cùng tiếng kinh cầu sáng chiều trong ngôi giáo đường nhỏ và nghèo ấy. Uy lớn hơn Thuyền một chút nên đảm luôn nhiệm vụ trông Thuyền và đưa Thuyền đi học, dù vóc Uy nhỏ thó và bị tập tễnh ở chân do di chứng trận sốt thuở nhỏ. Dù vậy, Uy vẫn luôn bảo vệ cho Thuyền và dành mọi thứ đồ ăn ngon mà Uy có cho Thuyền.

Uy thiếu sữa mẹ từ nhỏ nên hay đau ốm quặt quẹo. Mỗi lúc ốm nằm một chỗ, Uy thường hay khóc thầm. Có lúc Thuyền vào thăm, biết được, Uy nói Uy thèm hơi mẹ lắm. Uy thèm cái cảm giác được mẹ ôm vào lòng như các đứa trẻ khác. Các sơ dù có thương cũng không biểu lộ tình cảm được như thế. Thuyền nghe rồi ngồi khóc theo Uy. Bởi Thuyền cũng nhớ mẹ. Mẹ Thuyền đẹp và thơm ơi là thơm! Thuyền khóc theo Uy một hồi rồi bảo Uy hãy để Thuyền ôm và ru cho. Thuyền vừa ôm vừa vỗ về và hát ầu ơ cho Uy nghe, giọng còn ngọng líu ngọng cò, Uy cười rồi thiu ngủ lúc nào chả hay.

Hai đứa có thế giới riêng là gốc xoài đằng sau dãy nhà học giáo lý. Ở đấy hai đứa bày đủ trò chơi. Thích nhất là những lúc Uy theo sơ Châu cắm hoa, sau đó xin các hoa thừa về và kết vòng hoa cho Thuyền. Lúc ấy Uy bảo Thuyền đội vòng hoa đẹp như cô dâu ấy. Mỗi lần trong xứ có lễ cưới làm phép ở nhà thờ, hai đứa dù ngồi trên dãy ghế của ca đoàn vẫn cố nhón lên để xem cô dâu. Uy thường bảo, nếu Thuyền là cô dâu của Uy, Uy sẽ làm hoa cưới cho Thuyền đẹp hơn hết thảy các bó hoa tay và hoa đội đầu của mọi cô dâu ở đây.

Thuyền cũng thường tưởng tượng cảnh mình làm cô dâu, đội voan trắng quỳ trước cung thánh. Nhưng Thuyền không tưởng tượng ra được chú rể, vì người ấy càng không phải là Uy với những bước đi tập tễnh.

* * *

Thuyền về lần này không gặp Uy. Uy vừa theo đoàn bác sĩ thiện nguyện đi Nam Phi từ tháng trước. Thuyền ngồi và nhớ khuôn mặt anh trong ráng chiều sót đỏ như máu, láng máng nhớ đôi kính trắng và tiếng anh cười khẽ khàng. Ở Uy cái gì cũng khẽ khàng và từ tốn, kể cả khi anh thăm, khám và tiêm thuốc cho các em nhỏ bị ốm trong nhà xứ.

Ngày Thuyền quyết định dọn ra ngoài ở với Nam, Uy cũng chỉ hỏi Thuyền một cách khẽ khàng: “Em quyết định vậy thật à?”. Rồi thôi. Không một câu chúc, kể cả chúc đi đường bình an. Thuyền miệt mài trong những ngày tháng với Nam. Chỉ thoảng nhớ Uy mỗi khi Nam đi chơi quá khuya không về, lúc ấy Thuyền thường ngồi dựa cửa sổ và nghĩ: Nếu giờ có Uy, Thuyền có thể ngồi kể lể hàng giờ với Uy cho bớt khổ tâm. Nhưng thường là cô ngủ quên cho đến khi Nam về đập cửa, càu nhàu sao cô không vào giường mà ngồi đây, coi chừng cảm lạnh cho coi. Rồi Thuyền cũng sẽ đánh rơi hết mọi sự trong vòng tay ấm áp và trong nụ hôn còn váng vất mùi rượu của Nam.

Thuyền không cần biết mình sống trong hạnh phúc ảo ảnh đó bao lâu. Thuyền như quên đi tất cả mọi người. Thỉnh thoảng Thuyền gọi cho sơ Châu, nghe loáng thoáng sơ Châu bảo là Uy có hỏi thăm em gái dạo này khỏe không. Em gái… em gái… Em gái này chưa một lần gọi điện cho Uy!

Chỉ đến một ngày, khi cả Thuyền và Nam tốt nghiệp, ngày Nam xin được vệc làm trong một bệnh viện lớn trực thuộc một công ty nước ngoài, Thuyền về nhà và như hẫng chân khi thấy nhà trống hoác. Toàn bộ vật dụng của Nam đã không còn. Thuyền cuống cuồng chạy quanh gọi Nam ơi Nam à mà vẫn không ai trả lời. Gọi phone cho Nam thì Nam không cầm máy, chỉ có tiếng chuông tít dài. Phải tới chiều, Thuyền mới nhận được tin nhắn dài dòng của Nam, đại ý là xin lỗi Thuyền vì đã chia tay mà không cho Thuyền sự chuẩn bị, và rằng từ nay mong Thuyền sống ổn, đừng tìm và hi vọng gì ở Nam.

Thuyền nằm bẹp mất ba ngày và rút ra một điều: Cô chẳng thể mang đến cho anh điều gì cả ngoại trừ tình yêu của cô. Mà anh thì còn cần nhiều điều khác, tỷ dụ như cô không phải là một con gà trong chuồng hay một cái ô tô trong nhà xe.

Lúc đó, Thuyền có nghĩ tới việc tìm mẹ, nhưng biết mẹ ở đâu mà tìm?

Ngày thứ tư, Thuyền gọi cho Uy. Nhưng Uy không nghe máy. Gọi lại thì máy không liên lạc được.

Thuyền chật vật vượt qua mùa đông trong căn phòng cũ vắng hơi Nam. Đâu biết rằng khi đó, nơi nước Pháp xa xôi, Nam đang hưởng những ngày trăng mật với vợ là con gái của tổng giám đốc bệnh viện nơi Nam thử việc.

Ra trường, nhưng xin việc không dễ. Bao lần Thuyền đã có ý định về lại nhà xứ Bác Ái. Nhưng Thuyền vẫn còn giận Uy. Tức cái lúc cô gào khóc gọi Nam đến khản hơi, gọi cho Uy thì Uy không thèm trả lời. Ấm ức như đứa trẻ bị bỏ rơi, Thuyền quyết không thèm về Bác Ái gặp anh nữa.

Rồi Thuyền cũng xin được việc làm ở một bệnh viên tư nhân. Công việc tuy vất vã nhưng lại có hiệu quả tốt để giúp Thuyền quên đi nỗi đau trong lòng. Ngoài việc khám chữa bệnh, Thuyền còn nhận thêm việc điều đưỡng, chăm sóc các người già bị ốm phải điều trị lâu dài trong bệnh viện. Tưởng như là ổn.

Cho đến ngày bệnh viện được chuyển nhượng để sát nhập với một bệnh viện lớn khác, và giám đốc mới không ai khác hơn là Nam, thì Thuyền mới té ngữa. Té ra cuộc sống không có chỗ cho Thuyền.

Thuyền đi như bỏ của chạy lấy người. Trong thâm tâm vẫn thấy mình còn yêu Nam lắm, bão lòng đã yên sóng đâu. Thuyền tưởng là quên, khi Thuyền cố ý quay cuồng trong công việc. Thuyền tưởng mình đã bước được tới phía trước. Nhưng thật ra chỉ là Thuyền tự mị hoặc mình. Thuyền thức ngộ ra rằng có những người rất khó bị kẻ khác quên đi. Đôi lúc cứ tưởng là đã quên, quên thật rồi, nhưng khi gặp nhau, thì mới biết rằng quên chỉ là quên tạm, như những lượt sóng ngầm trong lòng biển, bùng lên là bùng mạnh không tưởng.

Nơi đầu tiên mà Thuyền nhớ đến khi ngồi trên ghế chờ trong bến xe là hàng ghế trước đài Mẹ Mễ Du, nơi Thuyền vẫn thường ra cầu nguyện mỗi chiều cùng Uy và sơ Châu. Vậy là Thuyền theo quán tính mà quay về.

Khi sơ Châu về đến phòng, bật đèn lên, mới thấy Thuyền ngủ quên từ lúc nào. Dáng nằm vẫn co quắp và cô đơn như mỗi lần hờn giận thuở nhỏ. Sơ chỉ cẩn thận đắp mền, giăng mùng cho Thuyền rồi lặng lẽ cầu nguyện. Trong cung lòng thánh nữ kia, sơ vẫn luôn xem Thuyền là con gà con ướt sũng cần được che chở bởi bộ lông ấm áp của mẹ gà.

* * *

Thuyền đang ăn sáng thì sơ Châu nghe điện thoại. Cuộc gọi đường dài từ Nam Phi. Nghe tiếng sơ hồ hởi, hình như có nhắc đến Thuyền.

Ngồi khỏa chân trên cây cầu bắc ngang dòng suối sau tu viện, Thuyền trìu mến nghe tiếng trẻ con trong xứ vào học lớp lá đang đánh vần, có tiếng sơ Thủy bắt nhịp bài hát.

Ôm hộp quà Uy gửi lại cho Thuyền mà lúc nãy sơ Châu trao cho, Thuyền vừa mỉm cười vừa đọc hết bức thư của Uy. Chợt nghe lòng len nhẹ một tia hạnh phúc mỏng như tia nắng đầu ngày xen qua kẽ lá khi biết rằng từ lâu Uy đã không xem Thuyền như em gái. Sơ Châu bảo giữa tháng này Uy về.

Thuyền nhìn đám trẻ con như đàn gà con chiêm chiếp quanh sơ trong giờ tập múa. Ơ, sắp Giáng Sinh rồi nhỉ! Các bé đang tập múa thiên thần, những khuôn mặt xinh xinh non nớt đáng yêu. Sáng mai sơ trưởng đã phân cho Thuyền một lớp. Lớp này là lớp các bé mồ côi giáo đoàn nhận về nuôi, với những đôi mắt lạc bầy ngơ ngác như Thuyền dạo ấy.

Dạo này, con suối trong không còn trong veo như trước nữa, người dân sống trên đầu nguồn cứ hồn nhiên vứt rác xuống suối làm trôi lề dề từng đám. Thuyền hơi nheo mắt khi thấy một đám xanh non lạc trong đám bao ni lông bệp bềnh. Rác. Lục bình trong rác. Hoa trên lục bình. Bướm trên hoa.

Đôi bướm vàng chấp chới rồi bay đi. Tiếng đàn bài Silent Night trong trẻo vang ra từ phòng tập múa. Ừ, đêm Thánh vô cùng sắp đến rồi, không biết Uy có về kịp trước ngày 24 để cùng Thuyền viếng mộ ba, cùng Thuyền cầu nguyện trong đêm Giáng Sinh này không? Sau những lầm lạc, dường như Thuyền đã trở về đúng chỗ, ở cái nơi mà Thuyền đã bắt đầu cuộc đời mình trong yêu thương, để lại có thể bắt đầu một cuộc đời mới…

Suối Ngàn

Thiên Chúa sai sứ thần tin báo

Mẹ một lòng khiêm hạ xin vâng

Cung lòng trinh nữ hiến dâng

Ngôi Hai nhập thể, xác phàm trần gian.

Đầy ơn phúc hơn mọi người nữ

Cưu mang Ngôi cực báu huy hoàng

Niềm tin Mẹ đã sẵn sàng

Xin vâng Thánh ý, muôn ngàn hồng ân

 

Lòng hoan hỷ ơn trên chín tháng

Dạ vui mừng nở nhụy khai hoa

Niềm vui cất tiếng vỡ òa

Ca vang trời đất tiếng loa Thiên Thần.

 

Một hài nhi co ro máng cỏ

Tạm căn lều vách đá hoang sơ

Gần xa nô nức kính thờ

Ngôi Hai giáng thế đơn sơ nghèo hèn

 

Không trung rực rỡ cất tiếng vang

Mừng vui sinh hạ đấng cao sang

Đêm đông lạnh giá lan tràn

Trời cao cất tiếng bình an huy hoàng

 

Hôm nay giao ước đã vẹn toàn

Ngôi sao rạng chiếu cõi bình yên

Tình thương đến khắp mọi miền

Đất trời tín nghĩa giao duyên ân tình

 

Bỏ ngai vàng đến muôn dân nước

Gánh tội trần cứu giúp nguy nan

Chúng con khỏi kiếp lầm than

Ngày sau vinh hiển, từ nan tội trần.

 

Trời cao đã bao đêm sương đổ

Ơn phúc lành muôn thuở tụng ca

Sao trời lấp lánh gần xa

Hòa theo khúc hát ngân nga đêm này.

* Maria Nguyễn Thị Mỹ Kiều (Gx.Cù Lâm)

Nó chạy ra khỏi nhà giữa cơn mưa tầm tã... Mưa ào ào xối xả đập vào khuôn mặt nó... Mưa và nước mắt quyện làm một với nhau mặn đắng. Gió từng cơn rít lên. Chớp nháy liên hồi. Chân đất lang thang, đầu tóc và người nó ướt sũng, lạnh run…
Ngoài đường chẳng có xe cộ qua lại, cũng chẳng thấy có một bóng người nào. Trong bụi cây trước mặt chợt có tiếng kêu rên thảm thiết, nó tiến lại gần vạch bụi cây ra và thấy... Á! Hai con mắt sáng trưng đang nhìn nó, một chú chó con đang run cầm cập vì lạnh. Tội nghiệp! Nó  dang tay ôm lấy chú chó con vào lòng. Nằm trong vòng tay của nó chú ngoan đến lạ, chẳng phải là chủ thế mà nằm im thin thít...
Từ đằng xa nó nghe tiếng chó sủa... Càng gần.. Càng gần... Trong ánh đèn đường lờ mờ nó thấy có một con chó đang chạy hết bụi này đến bụi kia và liên tục sủa... Nghe tiếng sủa, chú chó con tự nhiên vẫy đuôi và rên lên...Vừa rên chú vừa ngước nhìn nó rồi lại nhìn về phía trước. Chắc là mẹ nó rồi, mất con nên đã lặn lội dù trời mưa, mặc cho thân mình ướt sũng cũng phải tìm cho ra đứa con của mình. Con chó ấy tiến lại gần, nó hạ chú chó con xuống đất... Ngay lập tức cả hai mẹ con cùng sà đến bên nhau vẫy vẫy đuôi mừng rỡ.
Nó lại nghĩ đến mình... Nghĩ đến đứa con còn ngây dại trong bụng nó... Đứa trẻ đó đâu có tội tình gì! Chỉ là lỗi do nó và hắn... Không! Đứa trẻ không việc gì phải chết, đến cả loài chó nó còn biết thương con cơ mà! Vậy mà... Gia đình nó vì cái sĩ diện mà bắt nó phải bỏ cái thai ấy... Mặc cho nó khóc lóc nài xin họ vẫn kiên quyết không giữ lại. Một là chọn bố mẹ... Hai là chọn đứa con. Nhiều lần nó cãi nhau với bố mẹ nó về chuyện ấy... Và đêm nay cũng vậy... Mẹ bảo nó quyết định nhanh để bà dẫn đi phá, bởi nếu không phá bây giờ thì thai nhi sẽ một ngày lớn và khi ấy rất nguy hiểm cho nó. Gia đình nó là một gia đình Công giáo, bố nó là một chủ tịch Hội đồng giáo xứ, mẹ nó cũng là một bà biện của giáo khu... Cả bố mẹ nó đều hiểu rõ phá thai đồng nghĩa với việc giết người, là một tội cực nặng... Vậy mà vì danh dự, vì cái mà họ cho là sĩ diện đã ép nó phải bỏ cái thai này.
ó, một cô bé vừa tròn 18 tuổi, cái tuổi đẹp và đầy mộng mơ với biết bao hoài bão đang ấp ủ. Vậy mà vì một chút lỗi lầm trong tình yêu, nó đã đánh mất đi phẩm giá của mình. Chàng trai mà cô đem lòng yêu thương lại là một kẻ khốn nạn. Khi biết tin cô có thai thì hắn đã không thừa nhận và còn cặp bồ với một cô bạn học chung trường... Quá phẫn uất, nó muốn chết ngay lúc đó,  nhưng đứa con trong bụng là nguồn sống của nó, là động lực để nó tiếp tục sống. Nó lấy hết can đảm để nói chuyện với bố mẹ. Nghe xong, bố mẹ nó chửi bới và nhục mạ nó vô cùng nhưng nó vẫn chịu đựng, chỉ mong họ chấp nhận đứa con trong bụng nó mà thôi. Nhưng rồi sao?
Mở cánh cửa và bước vào phòng, nó lấy vài bộ đồ bỏ vào túi xách cũ, thu dọn căn phòng sạch sẽ rồi bước ra cửa trong đêm tối.
Ba năm sau...

Đứa trẻ ngày nào trong bụng nó giờ đã là một cậu nhóc bụ bẫm bước từng bước chập chững trên sân. Có một bà mái tóc hoa râm, một ông mái tóc muối tiêu đang vui đùa cùng cậu nhóc ấy. Trong căn nhà ấy sau ba năm vắng lặng tiếng nói, tiếng cười thì giờ đây khắp căn nhà như có sức sống trở lại, ấm áp hơn, tiếng cười râm ran từ trong nhà ra tới đầu ngõ...

Sưu tầm: Ánh Sao Đêm

TIẾT THỨ II
NỘI DUNG BÀI MÔ TẢ
NGUYÊN TẮC THỨ NHẤT: TẢ LÀ VẼ
91. Văn tả hay giúp người đọc hình dung ra được thực tế.
Dù tả người, vật hay cảnh, dù tả những cái hữu hình hay thiêng liêng, ta hãy tưởng chừng như ta phải tiếp chuyện một người thông minh nhưng dốt nát. Họ chưa từng biết những cái mà ta tả, nhưng rất có thể tưởng tượng ra được nếu ta khéo làm cho họ thấy.
Muốn thế, chính ta đã phải quan sát cái mà ta định tả, quan sát một cách tỉ mỉ và tế nhị. Với con mắt tinh, Xuân Diệu đã “chụp” được những run rẩy của đôi chim non nớt rung rinh trên cành cây thu gầy:
“Cành biết run run chân ý nhi”
NGUYÊN TẮC THỨ HAI: ĐỦ NHƯNG GỌN
92. Bài tả phải đủ nhưng gọn gàng.
Muốn cho bài tả khỏi thiếu sót, cần ghi nhận tất cả các chi tiết, từ cảm giác đến cảm tưởng mà thực tế phản chiếu vào trí não tâm hồn ta. Để tránh sự mơ hồ, ta hãy phân tích.
91.1. Các cảm giác theo thứ tự:
- Hình dung
- Vận chuyển
- Màu sắc
- tính chất
- Hương
- Vị
91.2. Các nhận xét theo phương diện:
- Diện mạo
- Phục sức
- Điệu bộ
- Đức tốt
- Tật hư
- Thói quen
- Đặc tính
Nhưng tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, lắm học sinh vì muốn đầy đủ mà kéo bài tả thành dài dòng. Họ không biết bỏ bớt các chi tiết rườm rà và đem các chi tiết tương tự hoặc trái ngược đối chiếu với nhau.
Nước trong xanh lơ lững con cá vàng.
Cây ngô cành bích con chim phượng hoàng nó đậu cao.
Anh tiếc cho em phận gái má đào
Thâm đồng bạc trắng gánh mình vào chú tây đen.
Sợi tơ hồng ai khéo xe duyên?
Treo tranh tố nữ đứng bên anh tượng đồng
Chị em ơi, ba bảy đường chồng!
Trong bài hát nói trên, Tản Đà đã gạt bỏ tất cả các chi tiếc vô ích, chỉ chọn lấy các ý tưởng và từ ngữ rực rỡ, nhiều màu sắc. Thi sĩ khéo ví von người con gái lấy được chồng ưa duyên đẹp lứa như con cá vàng vùng vẫy nơi bể nước xanh, như con chim phượng hoàng vắt vẻo trên cành cây ngô đồng cao chót vót. Thi sĩ lại khéo chơi chữ để làm nổi bật cái mâu thuẫn ở đời: Má đào bạc trắng tây đen!
Phương pháp đối chiếu này cốt ở chỗ so sánh vật phải tả với các vật tương tự hay là so sách những phương diện khác nhau của cùng một sự vật.
Image result for hình cây viết
NGUYÊN TẮC THỨ BA: TẢ CHÂN VÀ LÝ TƯỞNG HÓA
93. Bài tả phải cụ thể vì dựa vào thực tế, nhưng cũng phải đặc sắc vì được lý tưởng hóa.
Như đã nói, ta cần phải quan sát thiên nhiên, từ nội giới tâm linh đến nội giới cảnh vật, mới có được một ngọn bút mô tả có sức khơi gợi. Có bắt nguồn trong thực tế, có thai nghén trong kinh nghiệm, văn tả của ta mới cụ thể và linh hoạt. Những nhà văn tả chân đạt tới mục đích đó, phải kể đến các tác giả phóng sự Tam Lang, Trọng Lang…
Nhưng có người quá vụ cụ thể hữu hình đến nỗi bài tả thành một bài vạn vật học hay là một đơn thuốc. Ông Đoàn Văn Cừ, chẳng hạn, tả vật hữu hình một cách rất tỉ mỉ, rõ ràng, đượm màu sắc và đầy linh động, nhưng nhiều đoạn tả của ông như xác không hồn. Bài tả hay, sau những đường vẽ và màu tô…, phải phản phất ít nhiều hương vị linh thiêng.
Muốn cho bài tả có hồn, ta phải hướng nó về một mục đích. Chủ đích ấy có khi là một lý tưởng mà ta muốn tán dương hay bài bác, có khi là một cảm tình vui, buồn hay kỳ thú, mênh mang. Chẳng hạn như bài thơ Tiếng thu của Lưu Trọng Lư:
Em nghe chăng mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em nghe chăng rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?

Em nghe chăng rừng thu,
Lá thu kêu xào xạc,
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô.
Bài này ý nhị vì tác giả đã phổ vào đó một hương vị sầu tư mơ hồ và huyền bí. Bài này hay hơn nữa vì nó mang dấu cá tính của người viết. Lối quan sát loáng thoáng và cách xúc cảm tinh vi của thi sĩ, tất cả những phương pháp vận dụng ngũ quan và tâm trí riêng biệt của một khách giang hồ lãng mạn và lơ đễnh!
Tắt một lời, tả chân không đủ, còn phải lý tưởng hóa nữa.
Image result for hình cây viết
NGUYÊN TẮC THỨ TƯ: BỐ CỤC CHẶT CHẼ
94. Tùy theo đối tượng của bài và tùy theo cảm hứng của người viết, bài viết sẽ được bố cục theo một khung khổ thích hợp.
Dàn bài phải tương đương với thứ tự và quan hệ của các điều quan sát. Không thể phác họa một khung khổ nhất định cho tất cả mọi thứ và mọi bài văn tả được.
Đại lược ta có thể dựa vào mấy khung bài kiểu mẫu sau đây.
A.    Riêng cho cảnh vật bất động
MỞ: Nhìn bao quát cả bức ảnh
THÂN: Xếp đặt các chi tiết
(theo thứ tự không gian: trên dưới trong ngoài; tả hữu; gần xa)
KẾT: Cô đọng lại ý tưởng hay cảm tình mà bức ảnh ấy gợi ra và đã man mác trong toàn thể thân bài.
B.     Riêng cho các sự việc
MỞ: Vắn tắt dàn cảnh sân khấu trên đó sự việc sẽ xảy ra.
THÂN: Xếp đặt các việc (theo thứ tự thời gian: trước, sau; tương lai, quá khứ; điềm báo, kết cục; nguyên nhân, hậu quả).
KẾT: Đúc kết lại chủ đích của tác giả: chân lý tiềm tàng trong các biến chuyển thực tế.
C.    Riêng các phong cảnh động hay tĩnh nhưng bao la.
MỞ: Nêu tổng quát và phát họa trường hợp quan sát
THÂN: Xếp đặt các phần đoạn (thứ tự giá trị: càng đi càng quan trọng hay ngược lại, tùy theo hậu quả mà ta muốn thực hiện).
KẾT: Giải thích việc đã xảy ra hay gợi lại cảm tưởng do cảnh tượng xui nên.
D.    Tả hình dung một người hay một con vật.
MỞ: Trường hợp đã gặp một người hay vật mình tả.
THÂN:
1.      Hình dáng toàn thể
2.      Thân hình từ đầu đến chân
3.      Vận động, dáng điệu, cử chỉ, ngôn ngữ.
4.      Cách phục sực
5.      Các đặc điểm
KẾT: Thiện cảm hay ác cảm mà người ấy hoặc vật ấy gây ra ở chung quanh.
E.     Tả tính nết một người hay một con vật.
MỞ: Trường hợp khiến mình chú ý đến người hay vật ấy.
THÂN:
1.      Tính nết chung
2.      Đặc điểm
3.      Ngôn ngữ và hành vi bộc lộ tính tình tư tưởng của người hay vật ấy
4.      Một vài gian đoạn
KẾT: Hình dung diện mạo phù hợp hay là mâu thuẩn với tính tình tư tưởng của người hay vật ấy.
F.     Tả toàn thể nhân vật.

MỞ: Dịp đã khiến mình lưu ý đến nhân vật ấy, hay là hoàn cảnh trong đó nhân vật ấy sống.
THÂN:
1.      Tên, tuổi, tầm vóc, diện mạo, dáng điệu, hành vi và cử chỉ.
2.      Ngôn ngữ, thói quen, giáo dục, tư tưởng, tính tình.
3.      Ít nhiều cái rởm, một vài cá tính hay dăm ba giai thoại kỳ thú.
KẾT: Một chủ trương, một tính hạnh hay là một nết xấu tiêu biểu mà nhân vật ấy có thể coi như là hiện thân.

An Thiện Minh (Qui Hòa-Qui Nhơn 13-16/11/2017)


Cha ơi!
Đến với Cha quả là điều không đơn giản
Tới bên Cha quả là giờ Vượt Qua chính bản thân
Con phải chết đi cho ý riêng nông cạn
Để Thánh Ý Cha ngập tràn hồn con Ánh Sáng
Con phải xóa mình tận căn tính tự phụ
Cho Tình Yêu Cha đong đầy muôn trùng sóng nhịp ru
Con không thể đến với Cha
Mà tâm hồn lại không mặc chiếc áo cưới tinh trắng
Con không thể đi đón Cha
Mà trái tim lại quên chút dầu Đức Ái thắp lửa chân tâm
Cha ơi!
Bước theo Cha quả là điều xé nát chính mình
Sống Lời Cha quả là cuộc đại phẫu tận tâm can
Con phải tiết độ ngũ quan cùng các quan năng
Để mọi mê thích…
Biến tan trong Tình Yêu Cha ùa đến
Con phải buông rơi mọi sự mình có với những sai lệch
Để tất cả ham muốn…
Trống rỗng cho Tim Cha đổ đầy Lòng Mến
Con không thể nói với người anh em
Điều mà con chưa trải nghiệm với Lời Sự Thật
Con không thể kể cho người thân cận
Điều mà con chưa rung nhịp với Bánh Tình Yêu
Lạy Cha!
Xin cho con đến với Cha bằng một tấm lòng quảng đại
Hồn nhiên như cánh chim bay về Miền Nắng Ấm
Xin cho con tới bên Cha bằng một ý chí tự do đích thật
Khấp khởi như người con vui mừng ôm chặt trong vòng tay Thân Phụ

Related image

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget