tháng 11 2017

Suối Ngàn

Thiên Chúa sai sứ thần tin báo

Mẹ một lòng khiêm hạ xin vâng

Cung lòng trinh nữ hiến dâng

Ngôi Hai nhập thể, xác phàm trần gian.

Đầy ơn phúc hơn mọi người nữ

Cưu mang Ngôi cực báu huy hoàng

Niềm tin Mẹ đã sẵn sàng

Xin vâng Thánh ý, muôn ngàn hồng ân

 

Lòng hoan hỷ ơn trên chín tháng

Dạ vui mừng nở nhụy khai hoa

Niềm vui cất tiếng vỡ òa

Ca vang trời đất tiếng loa Thiên Thần.

 

Một hài nhi co ro máng cỏ

Tạm căn lều vách đá hoang sơ

Gần xa nô nức kính thờ

Ngôi Hai giáng thế đơn sơ nghèo hèn

 

Không trung rực rỡ cất tiếng vang

Mừng vui sinh hạ đấng cao sang

Đêm đông lạnh giá lan tràn

Trời cao cất tiếng bình an huy hoàng

 

Hôm nay giao ước đã vẹn toàn

Ngôi sao rạng chiếu cõi bình yên

Tình thương đến khắp mọi miền

Đất trời tín nghĩa giao duyên ân tình

 

Bỏ ngai vàng đến muôn dân nước

Gánh tội trần cứu giúp nguy nan

Chúng con khỏi kiếp lầm than

Ngày sau vinh hiển, từ nan tội trần.

 

Trời cao đã bao đêm sương đổ

Ơn phúc lành muôn thuở tụng ca

Sao trời lấp lánh gần xa

Hòa theo khúc hát ngân nga đêm này.

* Maria Nguyễn Thị Mỹ Kiều (Gx.Cù Lâm)

Nó chạy ra khỏi nhà giữa cơn mưa tầm tã... Mưa ào ào xối xả đập vào khuôn mặt nó... Mưa và nước mắt quyện làm một với nhau mặn đắng. Gió từng cơn rít lên. Chớp nháy liên hồi. Chân đất lang thang, đầu tóc và người nó ướt sũng, lạnh run…
Ngoài đường chẳng có xe cộ qua lại, cũng chẳng thấy có một bóng người nào. Trong bụi cây trước mặt chợt có tiếng kêu rên thảm thiết, nó tiến lại gần vạch bụi cây ra và thấy... Á! Hai con mắt sáng trưng đang nhìn nó, một chú chó con đang run cầm cập vì lạnh. Tội nghiệp! Nó  dang tay ôm lấy chú chó con vào lòng. Nằm trong vòng tay của nó chú ngoan đến lạ, chẳng phải là chủ thế mà nằm im thin thít...
Từ đằng xa nó nghe tiếng chó sủa... Càng gần.. Càng gần... Trong ánh đèn đường lờ mờ nó thấy có một con chó đang chạy hết bụi này đến bụi kia và liên tục sủa... Nghe tiếng sủa, chú chó con tự nhiên vẫy đuôi và rên lên...Vừa rên chú vừa ngước nhìn nó rồi lại nhìn về phía trước. Chắc là mẹ nó rồi, mất con nên đã lặn lội dù trời mưa, mặc cho thân mình ướt sũng cũng phải tìm cho ra đứa con của mình. Con chó ấy tiến lại gần, nó hạ chú chó con xuống đất... Ngay lập tức cả hai mẹ con cùng sà đến bên nhau vẫy vẫy đuôi mừng rỡ.
Nó lại nghĩ đến mình... Nghĩ đến đứa con còn ngây dại trong bụng nó... Đứa trẻ đó đâu có tội tình gì! Chỉ là lỗi do nó và hắn... Không! Đứa trẻ không việc gì phải chết, đến cả loài chó nó còn biết thương con cơ mà! Vậy mà... Gia đình nó vì cái sĩ diện mà bắt nó phải bỏ cái thai ấy... Mặc cho nó khóc lóc nài xin họ vẫn kiên quyết không giữ lại. Một là chọn bố mẹ... Hai là chọn đứa con. Nhiều lần nó cãi nhau với bố mẹ nó về chuyện ấy... Và đêm nay cũng vậy... Mẹ bảo nó quyết định nhanh để bà dẫn đi phá, bởi nếu không phá bây giờ thì thai nhi sẽ một ngày lớn và khi ấy rất nguy hiểm cho nó. Gia đình nó là một gia đình Công giáo, bố nó là một chủ tịch Hội đồng giáo xứ, mẹ nó cũng là một bà biện của giáo khu... Cả bố mẹ nó đều hiểu rõ phá thai đồng nghĩa với việc giết người, là một tội cực nặng... Vậy mà vì danh dự, vì cái mà họ cho là sĩ diện đã ép nó phải bỏ cái thai này.
ó, một cô bé vừa tròn 18 tuổi, cái tuổi đẹp và đầy mộng mơ với biết bao hoài bão đang ấp ủ. Vậy mà vì một chút lỗi lầm trong tình yêu, nó đã đánh mất đi phẩm giá của mình. Chàng trai mà cô đem lòng yêu thương lại là một kẻ khốn nạn. Khi biết tin cô có thai thì hắn đã không thừa nhận và còn cặp bồ với một cô bạn học chung trường... Quá phẫn uất, nó muốn chết ngay lúc đó,  nhưng đứa con trong bụng là nguồn sống của nó, là động lực để nó tiếp tục sống. Nó lấy hết can đảm để nói chuyện với bố mẹ. Nghe xong, bố mẹ nó chửi bới và nhục mạ nó vô cùng nhưng nó vẫn chịu đựng, chỉ mong họ chấp nhận đứa con trong bụng nó mà thôi. Nhưng rồi sao?
Mở cánh cửa và bước vào phòng, nó lấy vài bộ đồ bỏ vào túi xách cũ, thu dọn căn phòng sạch sẽ rồi bước ra cửa trong đêm tối.
Ba năm sau...

Đứa trẻ ngày nào trong bụng nó giờ đã là một cậu nhóc bụ bẫm bước từng bước chập chững trên sân. Có một bà mái tóc hoa râm, một ông mái tóc muối tiêu đang vui đùa cùng cậu nhóc ấy. Trong căn nhà ấy sau ba năm vắng lặng tiếng nói, tiếng cười thì giờ đây khắp căn nhà như có sức sống trở lại, ấm áp hơn, tiếng cười râm ran từ trong nhà ra tới đầu ngõ...

Sưu tầm: Ánh Sao Đêm

TIẾT THỨ II
NỘI DUNG BÀI MÔ TẢ
NGUYÊN TẮC THỨ NHẤT: TẢ LÀ VẼ
91. Văn tả hay giúp người đọc hình dung ra được thực tế.
Dù tả người, vật hay cảnh, dù tả những cái hữu hình hay thiêng liêng, ta hãy tưởng chừng như ta phải tiếp chuyện một người thông minh nhưng dốt nát. Họ chưa từng biết những cái mà ta tả, nhưng rất có thể tưởng tượng ra được nếu ta khéo làm cho họ thấy.
Muốn thế, chính ta đã phải quan sát cái mà ta định tả, quan sát một cách tỉ mỉ và tế nhị. Với con mắt tinh, Xuân Diệu đã “chụp” được những run rẩy của đôi chim non nớt rung rinh trên cành cây thu gầy:
“Cành biết run run chân ý nhi”
NGUYÊN TẮC THỨ HAI: ĐỦ NHƯNG GỌN
92. Bài tả phải đủ nhưng gọn gàng.
Muốn cho bài tả khỏi thiếu sót, cần ghi nhận tất cả các chi tiết, từ cảm giác đến cảm tưởng mà thực tế phản chiếu vào trí não tâm hồn ta. Để tránh sự mơ hồ, ta hãy phân tích.
91.1. Các cảm giác theo thứ tự:
- Hình dung
- Vận chuyển
- Màu sắc
- tính chất
- Hương
- Vị
91.2. Các nhận xét theo phương diện:
- Diện mạo
- Phục sức
- Điệu bộ
- Đức tốt
- Tật hư
- Thói quen
- Đặc tính
Nhưng tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, lắm học sinh vì muốn đầy đủ mà kéo bài tả thành dài dòng. Họ không biết bỏ bớt các chi tiết rườm rà và đem các chi tiết tương tự hoặc trái ngược đối chiếu với nhau.
Nước trong xanh lơ lững con cá vàng.
Cây ngô cành bích con chim phượng hoàng nó đậu cao.
Anh tiếc cho em phận gái má đào
Thâm đồng bạc trắng gánh mình vào chú tây đen.
Sợi tơ hồng ai khéo xe duyên?
Treo tranh tố nữ đứng bên anh tượng đồng
Chị em ơi, ba bảy đường chồng!
Trong bài hát nói trên, Tản Đà đã gạt bỏ tất cả các chi tiếc vô ích, chỉ chọn lấy các ý tưởng và từ ngữ rực rỡ, nhiều màu sắc. Thi sĩ khéo ví von người con gái lấy được chồng ưa duyên đẹp lứa như con cá vàng vùng vẫy nơi bể nước xanh, như con chim phượng hoàng vắt vẻo trên cành cây ngô đồng cao chót vót. Thi sĩ lại khéo chơi chữ để làm nổi bật cái mâu thuẫn ở đời: Má đào bạc trắng tây đen!
Phương pháp đối chiếu này cốt ở chỗ so sánh vật phải tả với các vật tương tự hay là so sách những phương diện khác nhau của cùng một sự vật.
Image result for hình cây viết
NGUYÊN TẮC THỨ BA: TẢ CHÂN VÀ LÝ TƯỞNG HÓA
93. Bài tả phải cụ thể vì dựa vào thực tế, nhưng cũng phải đặc sắc vì được lý tưởng hóa.
Như đã nói, ta cần phải quan sát thiên nhiên, từ nội giới tâm linh đến nội giới cảnh vật, mới có được một ngọn bút mô tả có sức khơi gợi. Có bắt nguồn trong thực tế, có thai nghén trong kinh nghiệm, văn tả của ta mới cụ thể và linh hoạt. Những nhà văn tả chân đạt tới mục đích đó, phải kể đến các tác giả phóng sự Tam Lang, Trọng Lang…
Nhưng có người quá vụ cụ thể hữu hình đến nỗi bài tả thành một bài vạn vật học hay là một đơn thuốc. Ông Đoàn Văn Cừ, chẳng hạn, tả vật hữu hình một cách rất tỉ mỉ, rõ ràng, đượm màu sắc và đầy linh động, nhưng nhiều đoạn tả của ông như xác không hồn. Bài tả hay, sau những đường vẽ và màu tô…, phải phản phất ít nhiều hương vị linh thiêng.
Muốn cho bài tả có hồn, ta phải hướng nó về một mục đích. Chủ đích ấy có khi là một lý tưởng mà ta muốn tán dương hay bài bác, có khi là một cảm tình vui, buồn hay kỳ thú, mênh mang. Chẳng hạn như bài thơ Tiếng thu của Lưu Trọng Lư:
Em nghe chăng mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em nghe chăng rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?

Em nghe chăng rừng thu,
Lá thu kêu xào xạc,
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô.
Bài này ý nhị vì tác giả đã phổ vào đó một hương vị sầu tư mơ hồ và huyền bí. Bài này hay hơn nữa vì nó mang dấu cá tính của người viết. Lối quan sát loáng thoáng và cách xúc cảm tinh vi của thi sĩ, tất cả những phương pháp vận dụng ngũ quan và tâm trí riêng biệt của một khách giang hồ lãng mạn và lơ đễnh!
Tắt một lời, tả chân không đủ, còn phải lý tưởng hóa nữa.
Image result for hình cây viết
NGUYÊN TẮC THỨ TƯ: BỐ CỤC CHẶT CHẼ
94. Tùy theo đối tượng của bài và tùy theo cảm hứng của người viết, bài viết sẽ được bố cục theo một khung khổ thích hợp.
Dàn bài phải tương đương với thứ tự và quan hệ của các điều quan sát. Không thể phác họa một khung khổ nhất định cho tất cả mọi thứ và mọi bài văn tả được.
Đại lược ta có thể dựa vào mấy khung bài kiểu mẫu sau đây.
A.    Riêng cho cảnh vật bất động
MỞ: Nhìn bao quát cả bức ảnh
THÂN: Xếp đặt các chi tiết
(theo thứ tự không gian: trên dưới trong ngoài; tả hữu; gần xa)
KẾT: Cô đọng lại ý tưởng hay cảm tình mà bức ảnh ấy gợi ra và đã man mác trong toàn thể thân bài.
B.     Riêng cho các sự việc
MỞ: Vắn tắt dàn cảnh sân khấu trên đó sự việc sẽ xảy ra.
THÂN: Xếp đặt các việc (theo thứ tự thời gian: trước, sau; tương lai, quá khứ; điềm báo, kết cục; nguyên nhân, hậu quả).
KẾT: Đúc kết lại chủ đích của tác giả: chân lý tiềm tàng trong các biến chuyển thực tế.
C.    Riêng các phong cảnh động hay tĩnh nhưng bao la.
MỞ: Nêu tổng quát và phát họa trường hợp quan sát
THÂN: Xếp đặt các phần đoạn (thứ tự giá trị: càng đi càng quan trọng hay ngược lại, tùy theo hậu quả mà ta muốn thực hiện).
KẾT: Giải thích việc đã xảy ra hay gợi lại cảm tưởng do cảnh tượng xui nên.
D.    Tả hình dung một người hay một con vật.
MỞ: Trường hợp đã gặp một người hay vật mình tả.
THÂN:
1.      Hình dáng toàn thể
2.      Thân hình từ đầu đến chân
3.      Vận động, dáng điệu, cử chỉ, ngôn ngữ.
4.      Cách phục sực
5.      Các đặc điểm
KẾT: Thiện cảm hay ác cảm mà người ấy hoặc vật ấy gây ra ở chung quanh.
E.     Tả tính nết một người hay một con vật.
MỞ: Trường hợp khiến mình chú ý đến người hay vật ấy.
THÂN:
1.      Tính nết chung
2.      Đặc điểm
3.      Ngôn ngữ và hành vi bộc lộ tính tình tư tưởng của người hay vật ấy
4.      Một vài gian đoạn
KẾT: Hình dung diện mạo phù hợp hay là mâu thuẩn với tính tình tư tưởng của người hay vật ấy.
F.     Tả toàn thể nhân vật.

MỞ: Dịp đã khiến mình lưu ý đến nhân vật ấy, hay là hoàn cảnh trong đó nhân vật ấy sống.
THÂN:
1.      Tên, tuổi, tầm vóc, diện mạo, dáng điệu, hành vi và cử chỉ.
2.      Ngôn ngữ, thói quen, giáo dục, tư tưởng, tính tình.
3.      Ít nhiều cái rởm, một vài cá tính hay dăm ba giai thoại kỳ thú.
KẾT: Một chủ trương, một tính hạnh hay là một nết xấu tiêu biểu mà nhân vật ấy có thể coi như là hiện thân.

An Thiện Minh (Qui Hòa-Qui Nhơn 13-16/11/2017)


Cha ơi!
Đến với Cha quả là điều không đơn giản
Tới bên Cha quả là giờ Vượt Qua chính bản thân
Con phải chết đi cho ý riêng nông cạn
Để Thánh Ý Cha ngập tràn hồn con Ánh Sáng
Con phải xóa mình tận căn tính tự phụ
Cho Tình Yêu Cha đong đầy muôn trùng sóng nhịp ru
Con không thể đến với Cha
Mà tâm hồn lại không mặc chiếc áo cưới tinh trắng
Con không thể đi đón Cha
Mà trái tim lại quên chút dầu Đức Ái thắp lửa chân tâm
Cha ơi!
Bước theo Cha quả là điều xé nát chính mình
Sống Lời Cha quả là cuộc đại phẫu tận tâm can
Con phải tiết độ ngũ quan cùng các quan năng
Để mọi mê thích…
Biến tan trong Tình Yêu Cha ùa đến
Con phải buông rơi mọi sự mình có với những sai lệch
Để tất cả ham muốn…
Trống rỗng cho Tim Cha đổ đầy Lòng Mến
Con không thể nói với người anh em
Điều mà con chưa trải nghiệm với Lời Sự Thật
Con không thể kể cho người thân cận
Điều mà con chưa rung nhịp với Bánh Tình Yêu
Lạy Cha!
Xin cho con đến với Cha bằng một tấm lòng quảng đại
Hồn nhiên như cánh chim bay về Miền Nắng Ấm
Xin cho con tới bên Cha bằng một ý chí tự do đích thật
Khấp khởi như người con vui mừng ôm chặt trong vòng tay Thân Phụ

Related image

* Catarina Cao Quỳnh Trường Nhi (Gx.Mằng Lăng)

Ngày 14 tháng 6 năm 2017
Mọi thứ cứ thế tiếp diễn, chẳng ai thèm quan tâm tới tôi đang buồn hay vui, chỉ quan tâm tới cuộc sống của họ.
Ngay cả ba tôi cũng bỏ mặc con gái của mình, chỉ lo tụ tập ăn chơi với bạn bè chiến hữu.
Mẹ đã bỏ đi, chỉ còn lại ba cha con, vậy mà… Chị Hai thì bị bác, chị họ và ba ép đi vào Nha Trang để quen dần với cuộc sống sau này ở trong đó.
Hôm nay một mình tôi phải ở trong căn phòng nhỏ lạnh lẽo, cô đơn này. Lúc còn chị Hai thì căn phòng tấp nập, rộn ràng, vui biết mấy. Giờ chỉ còn mình tôi nên chẳng biết làm gì. Trong nhà cũng chẳng có gì để chơi, ngay cả ti-vi vũng không có để xem… Ăn cơm một mình suốt hai ngày liền (nói là cơm chứ thật ra là mì tôm gói), chán lắm chứ! Ăn xong là leo lên giường lăn qua lăn lại, nhớ những lúc có chị ở nhà, ba cha con sum vầy vui vẻ biết bao nhiêu. Buồn quá thì lấy giấy bút ra vẽ, nhưng rồi cũng chán, vì chả được đi chơi gì cả…
Nhiều lúc tôi hỏi thầm với Chúa là: “Tôi sinh ra trên Trái đất này làm gì? Chẳng ai thèm quan tâm, chia sẻ với tôi…”. Tôi thấy buồn và tủi thân lắm chứ, nhưng nghĩ đến Chúa và mọi người nên tôi thôi cái ý định muốn chết đi.
Nhưng sau nhiều ngày hỏi thầm với Chúa như vậy, tôi cũng đã tìm được câu trả lời: “Chúa cho tôi thân xác và linh hồn này để sống, để đi rao giảng về nước Thiên Chúa cho mọi người biết. Tôi được sinh ra để làm con chiên của Ngài là một hạnh phúc lớn…”. Từ đó, tôi không còn ý định cắt cổ tay tự tử nữa...
Tôi chỉ cầu xin Chúa một điều nhỏ nhoi giúp cho con chiên nhỏ bé này là: “Xin cho gia đình con trở lại như trước kia, ba con quan tâm con nhiều hơn, chị con mau về chơi với con để con không phải ở nhà một mình nữa…”.


* Maria Kiều Nguyễn Yến Nhi (Gx.Cây Rỏi)


Chẳng hiểu tại sao mỗi khi nước mắt tuôn rơi, tôi thật sự nhớ mẹ, nhớ ngoại – những “người đẹp” trong lòng tôi. Mỗi người đều có một thần tượng trong trái tim mình, tôi cũng thế, người đẹp lòng tôi chính là ngoại – người phụ nữ đã nuôi nấng tôi từ lúc lọt lòng mẹ cho đến giờ đã là cô gái tuổi 24. Và “người đẹp” cũng là tên gọi thân thuộc mà tôi đặt cho cho bà ngoại thân thương của tôi.
Thật sự tôi rất sợ đến cái ngày đó, ngày mà “cô gái xinh đẹp ngoài 70” ấy ra đi mãi mãi, nên mỗi ngày tôi chỉ cầu xin một điều: Xin Mẹ gìn giữ và chở che ngoại. Ở cái tuổi vừa đủ để trưởng thành này, tôi muốn kể rất nhiều về tuổi thơ bên ngoại. Đó là những ngày chỉ có chơi, ăn và học, chả phải làm bất cứ thứ gì. Chơi thì cũng được “người đẹp” cưng đến nỗi đầu tư cho nguyên bộ đồ hàng, còn bày cho tráng bánh tráng bằng cái lò tự chế bé xíu. Ăn thì toàn những món ngon, ngoại nấu thì bao giờ cũng ngon miễn bàn luôn! Đi học về, tôi chỉ có việc ăn ngủ, không quét nhà, giặt đồ hay rửa chén gì cả. Được cưng quá nên tới giờ vẫn ế chưa có chồng được! Bởi vậy “người đẹp” hay thủ thỉ: “Con cháu nhà người ta thì lấy chồng ầm ầm, còn nhà mình chờ hoài mà chẳng thấy”. Tôi cũng chỉ biết cười trừ rồi kiếm chuyện chọc ngoại cho qua với lý do: “Tại ai đó cưng quá nên giờ đâu biết làm cái chi đâu mà có chồng. Với lại có chồng rồi ai đâu chọc ghẹo cho người đẹp vui cơ chứ!”.
Cho đến giờ tôi lại đi học đi làm xa, “người đẹp” thì giờ không còn đi lại được nữa. Một đứa cháu xa nhà chỉ biết cầu nguyện và luôn ngoan để mãi là niềm tự hào của ngoại, và để ngoại không buồn thôi. Ba năm ngoại nằm một chỗ, không còn gọi tôi dậy mỗi sớm mai để đi lễ 5 giờ như xưa được nữa, không còn nấu các món ăn vào những dịp lễ bổn mạng, và rất nhiều điều không thể làm được nữa. Đến cái ước muốn đơn giản là đi đến nhà thờ mỗi khi nghe hồi chuông thánh đường vang lên, chỉ một lần thôi cũng được, nhưng có lẽ ước nguyện đó chỉ thực hiện được khi vâng theo tiếng Chúa gọi mà về với Ngài. Hơn nửa năm ngoại không còn ăn uống được bất cứ thứ gì, sữa và Mình Thánh Chúa là nguồn dinh dưỡng duy nhất, nên thật sự con rất sợ tới ngày đó, ngày mà “người đẹp” được tới nhà thờ lần cuối để đi theo tiếng gọi của Chúa trên quê trời. Đời người rồi ai cũng phải ra đi theo đúng quy luật cuộc sống “sinh-lão-bệnh-tử “, nhưng thật sự tận đáy lòng con vẫn muốn ngoại ở mãi với con, để con được giận hờn, làm nũng với ngoại, để con luôn có một người đứng sau và ủng hộ con trong mọi việc. Dù sai hay đúng “người đẹp” vẫn động viên con cố gắng, dẫu cho mọi người không đồng ý nhưng ngoại vẫn cho phép con thất bại để mạnh mẽ, để trưởng thành và lớn lên bằng chính kinh nghiệm bản thân mình. Có lẽ vì sống với ngoại từ lúc lọt lòng mẹ tới giờ, nên với con ngoại là tất cả. Nhớ lúc bé mỗi lần về nhà ba mẹ chơi, ăn cơm tối với ông bà nội, ba mẹ và mấy đứa em xong là con đòi về ngoại. Lúc đó cũng chừng 8 giờ tối rồi, mẹ bảo đi ngủ đi rồi mai dẫn về, thế nhưng con nhất quyết ngồi đó khóc cho đến khi nào chở con về với ngoại mới thôi.

Hôm nay ngày của Mẹ, con tham dự thánh lễ Thiếu Nhi, kết thúc thánh lễ Cha phó đã cho phát một đoạn phim để nói về tình thương của mẹ dành cho con cái, dù con không ngoan ngoãn, hay trách móc nhưng mẹ vẫn hy sinh tất cả cuộc đời cho con. Con đã khóc và nhớ ngoại, một người phụ nữ suốt đời vì con cháu, một người luôn tận tâm cho công việc nhà Chúa. Một mùa hè nữa lại đến, cảm ơn ngoại đã cho con những ngày hè đầy yêu thương, cảm ơn vì đã đến trong cuộc đời con, cảm ơn vì những hy sinh trong suốt bao năm tháng nuôi nấng con. Nguyện xin Chúa và Mẹ Maria luôn bên ngoại trong những đau đớn của bệnh tật thể xác, và gìn giữ linh hồn ngoại luôn mãi. Con nhớ Ngoại – “người đẹp” của lòng con!


* Anna Nguyễn Thảo Nhi (Gx.Trường Cửu)

         

         Tuy nhà không giàu nhưng ba mẹ tôi bao bọc tôi kĩ lắm, chẳng bao giờ tôi phải động vào những công việc khiến bàn tay của mình phải ửng đỏ lên cả. Ai cũng bảo tôi giống “tiểu thư”, từ bạn bè cho đến người thân, từ lớn đến bé đều mỉa mai tôi như thế. Hồi nhỏ tôi thích nghe như thế lắm, và tôi cũng tập cho bản thân mình có phong thái một tiểu thư thực sự.
Từ ngày mẹ có em bé, tôi yêu em bé lắm! Tôi có em, tôi sẽ không cô đơn nữa, tôi nghĩ mình sẽ luyện cho cu cậu trở thành một tiểu thiếu gia để hợp với tôi là tiểu thư. Nhưng ba mẹ dần lơ tôi đi, chỉ biết ôm lấy em bé suốt ngày. Ba mẹ hết thương tôi như trước rồi. Lúc nào cũng bắt tôi phải nhường em thứ này, nhường em thứ kia. Tôi bắt đầu thấy ghét em bé! Từ bỏ ý định luyện nó thành “tiểu thiếu gia”, thay vào đó tôi sẽ biến nó thành “ôsin” của tôi. Tôi cố ý hành hạ nó hết lần này đến lần khác. Mẹ bảo tôi cho em bú sữa thì tôi đổ trên người nó, mẹ nghiêm khắc nhắc nhở tôi. Trông em thì lại chọc cho em khóc, em quăng đồ của tôi thì tôi đánh vào mông rồi bỏ vào kho mặc cho nó khóc thét. Mẹ vô cùng tức giận, đánh tôi rất nhiều và nhốt vào kho. Lần đầu tiên tôi bị mẹ đánh nên cảm thấy rất sốc. Tôi đã khóc và cầu xin mẹ mở cửa nhưng mẹ chẳng tha thứ cho tôi. Bóng tối là thứ đáng sợ nhất trong cuộc đời tôi. Tôi bắt đầu ghét mẹ vì mẹ không thương tôi như trước nữa mà thương em hơn. Trong lúc hoảng sợ, tôi đã cầu nguyện với Chúa rằng Chúa hãy trừng trị mẹ vì tội không công bằng. Cũng bởi vì lòng đố kị đã khiến cho lý trí của tôi đi hướng sai lệch với ý Chúa muốn là phải thảo kính cha mẹ mình. Tôi không còn yêu mẹ nữa. Và cơn ác mộng bóng tối cứ bám theo tôi mãi, chẳng dứt vào mỗi giấc ngủ.
Theo thời gian, tôi dần lớn lên trong sự ganh ghét. Tính “tiểu thư” của tôi vẫn chưa thay đổi, vẫn không muốn động tay vào công việc nhà. Còn thằng em tôi thì ngược lại, ai cũng khen nó là con trai mà giỏi việc nhà, ngoan ngoãn. Phải sống chung nhà với nó, gặp nó mỗi ngày tôi lại càng ghét nó thêm. Tôi luôn bày trò, sai bảo nó làm rất nhiều việc cho tôi. Chắc nó ghét tôi lắm nhưng sao vẫn im lặng và không dám ho he gì với tôi dù chỉ một cái trừng mắt. Tôi vẫn luôn lầm tưởng những điều đó là do Chúa làm theo những gì tôi cầu xin. Lúc đó tôi chỉ biết nghĩ rằng chỉ có Chúa mới yêu tôi thôi, còn lại chẳng ai quan tâm tôi cả.
Nếu có người bất chợt hỏi tôi về công việc của mẹ chắc tôi đứng hình, bởi tôi chẳng biết mẹ làm công việc gì để nuôi gia đình trong khi ba thì thất nghiệp. Nhưng tôi cũng chẳng buồn quan tâm làm gì vì mẹ chẳng yêu tôi mà. Ở trường, tôi oách lắm! Bạn bè vây quanh, nịnh nọt tôi vì tôi hay dẫn lũ nó đi ăn hàng. Thế mà ở trường vui hơn ở nhà, cứ mỗi lần nhìn thấy bản mặt thằng em là thấy khó chịu. Nhiều lần ba khuyên tôi nên thương em nhiều hơn nhưng những điều đó chẳng tồn tại trong tâm trí tôi. Tôi càng ngày càng hách dịch và lên mặt. Đến hàng xóm cũng thấy khó chịu, tôi vẫn không quan tâm.
Mấy hôm sau, tôi cố ý tổ chức một buổi tiệc nho nhỏ chủ yếu để sai vặt thằng em. Mặc dù biết nó ngày hôm sau có mấy bài kiểm tra nhưng vẫn muốn hành xác nó. Kế hoạch không thành khi mẹ đi làm về sớm, chuẩn bị tất cả và bảo nó lên học bài. Không cam tâm nhưng cũng đành chịu. Khi bạn tôi đến, mẹ muốn lên xem thử bạn bè tôi chơi như thế nào nhưng tôi sợ tụi bạn thấy được vẻ quê mùa của mẹ nên mới đẩy mẹ xuống bếp và trách:
- Ở dưới bếp được rồi, mẹ lên nhà chi vậy?- Tôi dùng dằng.
- Mẹ không thể biết con chơi với ai à? Hay con…
- Con mắc cỡ lắm, con chơi với ai mẹ cứ mặc kệ con, đừng quan tâm làm gì, mẹ lo việc của mẹ kìa. Con lên chơi với mấy đứa…
- Con này, mẹ chỉ sợ con chơi với mấy đứa hư hỏng.
- Mẹ không thương con thì thôi chứ đừng làm con mất mặt…
Nói xong tôi quay phắc đi, bỏ mặc phản ứng của mẹ. Lúc lên nhà, lũ bạn hỏi tôi:
- Bà đó mẹ mày hả?- Tụi nó ngó vào bếp.
- Điên hả? Ôsin nhà tao đó… Bây nhiều chuyện quá, lo ăn uống kìa, cần gì cứ bảo bà ấy lấy.
Tôi đâu biết rằng những câu nói vô ý đó đã động chạm sâu sắc đến trái tim mẹ. Tôi cũng đâu ngờ là thằng em tôi cũng nghe được đoạn nói chuyện đó. Vì quá xúc động nên bất ngờ mẹ thả khay ly đang cầm trên tay, mẹ ngã xuống. Những mảnh vỡ của ly đã đâm vào da thịt của mẹ làm rỉ máu, máu chảy nhiều lắm, và không ngừng. Thằng em chạy đến đỡ mẹ và khóc òa. Tôi run lẩy bẩy, lũ bạn lao nhao xuống bếp. Tôi liền đuổi tụi nó về hết. Thằng em vừa mếu máo vừa thét:
- Chị có thương mẹ không vậy? Chị làm mẹ chảy máu rồi này, mẹ bị bệnh máu khó đông đấy. Đúng, chị chẳng nói sai tý nào, mẹ đúng là làm ôsin đấy, mẹ chịu làm ôsin để kiếm tiền cho chị em mình học đấy. Chị độc ác lắm! Em ghét chị…
Tôi ngồi sụp xuống như người vô hồn. Sao tôi chẳng biết gì cả? Tôi run rẩy gọi xe cấp cứu. Ba bị bệnh, nghe ồn ào nên ra khỏi phòng nhưng lại chứng kiến cảnh đau thương này, ba rơi nước mắt đau lòng. Ba nhìn mẹ, rồi như muốn nói gì đó với tôi:
- Con à! Con có biết là…
- Đừng…- Mẹ can lại dù đang rất mệt.
Đến bệnh viện, tôi thầm nguyện với Chúa sẽ bảo bọc mẹ tôi. Tôi hối hận vô cùng vì lúc trước đã xin Chúa trừng trị mẹ. Tôi lại khóc, khóc như hồi còn bé. Tôi không muốn có thêm cơn ác mộng nữa. Bác sĩ bảo mẹ tôi cần truyền máu, tôi xin được lấy máu tôi truyền cho mẹ.
Sau khi xét nghiệm, bác sĩ bảo tôi là máu không trùng nên không thể truyền, cần kiếm gấp một người khác chứ không kịp nữa rồi. Tôi như chết lặng, tôi là ai? Tôi phải làm sao để giúp mẹ? Điều hôm trước mẹ không cho ba nói có lẽ nào là sự thật về thân phận của mình. Tôi không phải con ruột của ba mẹ. Chẳng lẽ, mẹ yêu tôi đến mức cam chịu những gì tôi đã làm sao? Tôi vô tâm quá, tôi muốn xin lỗi mẹ nhưng lại ngập ngừng trước cửa phòng không dám vào. Em tôi, nó nắm tay tôi và đi thẳng vào chỗ mẹ. Lần đầu tiên tôi có cảm giác chị em với nó. Chắc là tôi thương nó rồi, nhưng lúc nhận ra thì chẳng phải là ruột thịt. Tôi nắm chặt tay mẹ và quì sấp:
- Con xin lỗi mẹ, con hư quá đúng không mẹ? Con biết hết rồi, con biết mẹ đã yêu con như thế nào rồi. Con có biết quá muộn không mẹ? Mẹ ơi,con xin lỗi mẹ…
- Con có ghét mẹ nữa không?- Mẹ thì thào.
- Không, mẹ ơi! Con yêu mẹ mà.
- Mẹ cảm ơn con, chưa muộn đâu con gái yêu của mẹ. Cảm ơn Chúa vì con đã nhận ra điều con mới biết đi…
Khi có thứ gì đó thì nên trân trọng, đừng để khi sắp mất đi rồi mới nuối tiếc, rồi cố gắng giữ lại. Vậy nên hãy yêu mẹ mình khi còn có thể. Hãy luôn yêu thương và cầu nguyện với Chúa để Ngài gìn giữ những người thân xung quanh mình. Hãy nhớ lấy!


* Anna Nguyễn Hải Hòa(Gx.Cây Rỏi)

Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã được cha mẹ quản lý chặt chẽ. Vì sợ tôi hư nên cha mẹ không cho tôi tiếp xúc nhiều với bạn bè, hễ học xong ở trường là tôi phải về nhà ngay, không được rong chơi la cà. Chính vì thế mà tính cách sống cô lập đã hình thành trong tôi. Dần dần lớn lên, tính cách đó được biểu hiện rõ.
tuổi 14, 15 thì ai ai cũng có bạn có bè nhưng đối với tôi thì không. Trong
những giờ ra chơi ở trường, tôi chỉ ngồi một chỗ, cúi mặt xuống bàn, không chuyện trò hay chơi đùa với ai. Bởi tôi không thích sự ồn ào, không thích giao tiếp, lại càng không thích lối sống tập thể. Ấy vậy mà tính cách cô lập đó của tôi dần dần biến mất kể từ ngày tôi được đi hội trại Đặng Đức Tuấn. Lúc mới nhập trại, mọi người ai ai cũng tay bắt mặt mừng sau một năm gặp lại. Còn tôi thì rụt rè, không muốn giao lưu với họ. Các anh chị sinh viên tổ chức các trò chơi, tất cả trại sinh đều tham gia rất nhiệt tình, thì tôi lại tách mình ra và chỉ đứng nhìn. Trong đầu tôi lúc đó như có ai thúc giục: "Phải đến tham gia cùng mọi người, hà cớ gì phải tách mình ra như thế?". Tôi chần chừ, hồi hộp vì trước đây tôi chưa từng tham gia vào những trò chơi như vậy, và rồi tôi cũng đến tham gia. Đúng là vui thật. Từ đó tôi mới cảm nhận được cảm giác sống tập thể là như thế nào, hòa đồng với mọi người có ý nghĩa ra sao. Trong suốt những ngày trại, tôi được kết bạn với các trại sinh khác, được họ kể chuyện vui hay chia sẻ những kỉ niệm về các hội trại lần trước... thật là thú vị. Tôi thầm cảm tạ Chúa vì đã đưa tôi đến ngôi nhà này, nơi mà mọi người đều xem như anh chị em với nhau, đoàn kết, yêu thương, sẵn sàng hết mình vì tập thể. Nhờ đó mà tôi đã thay đổi tính cách của mình, biết quan tâm đến người khác hơn. Tôi trở nên linh hoạt hơn, và điều đặc biệt là tôi đã nhận thức được sự quan trọng khi tiếp xúc với mọi người xung quanh. Chính từ sự tiếp xúc đó, tôi có thể rút ra được nhiều bài học, nhiều kinh nghiệm sống cho mình.
Nguyện xin Thiên Chúa luôn luôn bảo vệ, hướng dẫn con để con mạnh mẽ hơn nữa trên con đường mà con phải bước qua, đó chính là con đường tương lai đầy thử thách và cạm bẫy.


* Matta Võ Thị Thu Uyên (Gx.Phú Hòa)

Con là một nốt nhạc trầm
Kính dâng lên Chúa âm thầm tin yêu
Đời con ngang trái lắm chiều
Mong sao Chúa đến thương yêu mọi bề

Con yêu Chúa rất say mê
Chân bước theo Chúa không nề hà chi
Nhưng mà cũng có nhiều khi
Không nghe lời Chúa con đi một mình

Chúa ơi xin chớ vô tình

Trong con, Chúa chính bóng hình yêu thương.

Cát Đen
28/5-3/6/2017 Anh em trong trong Ban văn hóa và giáo dục của Giáo phận Qui Nhơn hành hương 6 Giáo phận thuộc Giáo tỉnh Hà Nội thật ý nghĩa. Anh em gặt được những kết quả nhất định những nơi mình đến và những người mình gặp gỡ. Đặc biệt khi giao lưu với các anh chị em trong giới cầm bút mới biết mọi người cùng có chung một suy nghĩ, một khao khát: bảo tồn và phát triển Tiếng Việt và dùng ngôn ngữ nghệ thuật chuyển tải lời Chúa vào môi trường mình đang sống. Đây cũng là điều được Quý Đức Cha ủng hộ và khuyến khích.
Xin Thiên Chúa chúc lành và hoàn tất việc tốt đẹp mà Ngài đã khởi sự nơi mỗi chúng ta. A men


* Anna Nguyễn Hải Hòa (Gx.Cây Rỏi)

Tôi muốn làm con sóng
Giữa đại dương mênh mông
Muốn vẫy vùng khắp nơi
Muốn vỗ vào mặt trời

Tôi muốn làm chú ong
Miệt mài bay khắp đồng
Hút cho nhiều nhụy hoa
Mang hương ngọt tặng đời


Tôi muốn làm hạt muối
Ướp vị mặn cho đời
Muối từ biển ngoài khơi
Muối đi vào cuộc sống

Tôi muốn làm ngọn gió
Bay đi khắp mọi miền
Xua hết mọi ưu phiền
Của dòng đời vội vã

Tôi muốn làm ngọn nến
Hi sinh cả thân mình
Thắp sáng bàn thờ Chúa
Tan chảy vào lời Kinh

Tôi muốn làm ngôi nhà
Người vô cư ẩn náu
Để không như tro trấu
Bị gió cuốn đi xa.


MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget