tháng 10 2017

* Têrêxa Nguyễn Thị Kim Khánh Vi (Gx.Tuy Hòa)

Ngồi bên cửa sổ nhìn ra bầu trời rộng lớn ngoài kia, tôi thấy được một khung cảnh vô cùng đẹp, đẹp đến nỗi khiến tôi ngắm mãi không muốn rời mắt. Đó là cảnh hoàng hôn đang đổ dồn xuống biển, những tia nắng cuối ngày vẫn còn vấn vương trên những tán lá không muốn rời. Những hình ảnh đó càng khiến cho lòng người lay động trước vẻ đẹp của thiên nhiên, trước những điều kì diệu mà Chúa đã tạo ra và đã ban tặng cho loài người.
Tôi vẫn thường hay ngồi hàng giờ để ngắm những hình ảnh như vậy, càng ngắm nhiều tôi lại càng muốn ngắm tiếp. Em tôi vẫn thường hay hỏi:
- Chị cứ ngồi nhìn ra ngoài trời như vậy mà không thấy chán sao? Ngoài đó có gì đâu mà chị cứ nhìn hoài?
Những lúc nó hỏi như vậy tôi chỉ cười và nói với nó rằng :
- Cảnh ngoài đó rất đẹp mà, em cứ thử ngồi đây và nhìn đi rồi sẽ thấy.
Không đợi tôi nói xong nó đã bỏ đi và cũng chẳng muốn hỏi tôi thêm một điều gì về cái sở thích kì quái ấy của tôi.
Không phải tôi chỉ đơn giản là ngồi ngắm những khung cảnh như vậy thôi đâu. Hai năm trước tôi được biết đến cuộc thi Giải văn thơ Linh Mục Đặng Đức Tuấn từ một người chị trong giáo xứ, và tôi đã tham gia cuộc thi đó. Cuộc thi mang tính chất truyền giáo, dùng những dòng thơ những bài văn để giới thiệu về Thiên Chúa, về Hội Thánh, về Đức Mẹ... về cuộc sống và những ơn lành mà Chúa đã ban xuống cho loài người chúng ta. Ngoài ra, khi tham gia vào Câu lạc bộ rồi tôi còn được đi hành hương vào dịp hè mỗi năm. Trong cuộc hành hương đó tôi đã quen biết đươc rất nhiều người. Họ là những anh chị lớn hay những bạn bè cùng trang lứa và cũng có những em nhỏ tuổi hơn tôi. Nhờ những cuộc hành hương đó tôi học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ những anh chị đi trước, họ là những người chỉ đường và đốc thúc tôi viết bài để gửi về Câu lạc bộ đúng thời gian quy định. Nhờ tham gia vào Câu lạc bộ, tôi cảm nhận được sự gắn kết bền chặt của mọi người dù không quen biết nhau, giúp nhau cảm nhận được tình yêu bao la rộng lớn của Chúa.
Vì thế, mỗi dịp hè về mọi người ai cũng háo hức chờ thông báo danh sách và lịch trình đi hành hương. Ai cũng hớn hở vì sắp được gặp nhau, sẽ được cùng nhau đi chơi, tham quan các giáo xứ bạn, được tham gia đêm trao giải và được xem các tiết mục văn nghệ đặc sắc từ các bạn trẻ, các anh chị luôn sôi động và nhiệt huyết trong công việc...
Để có được thành quả cho Câu lạc bộ như ngày hôm nay cũng đã tốn rất nhiều công sức, mồ hôi của Ban tổ chức. Đó là Cha Khánh, người không quản khó khăn mệt nhọc luôn dõi theo Câu lạc bộ từ những ngày đầu tiên. Cha luôn tận tình chỉ dẫn đưa Câu lạc bộ ngày càng phát triển. Đó là các cha các chú trong Ban tổ chức, những người luôn bên cạnh, luôn giúp đỡ và tạo điều kiện tốt nhất cho những cây bút trẻ của Giáo phận có cơ hội học hỏi và phát huy tài năng của mình, giúp chúng tôi dùng ngòi bút của mình để ca tụng Thiên Chúa. Để không phụ lòng của Ban tổ chức, những thành viên trong Câu lạc bộ vẫn luôn không ngừng học hỏi và cố gắng để tạo ra những tác phẩm hay nhất, những từ ngữ đẹp nhất dâng lên Chúa.
Cũng chính vì muốn tạo ra những bài thơ những bài văn hay nhất cho mình, nên tôi vẫn hay ngồi ngắm cảnh vật xung quanh để cảm nhận thật sâu sắc vẻ đẹp của nó. Đó là vẻ đẹp mà Chúa đã dùng quyền năng và tình yêu của Ngài mà tạo ra.

Cầm bút lên, và tôi bắt đầu viết ra những điều ca ngợi Chúa…


“Chính anh em là ánh sáng cho trần gian”
(Mt 5,14)


L
  ạy Chúa
  viết về Chúa
  là thắp lên một ngọn đèn
giữa cuộc đời còn nhiều bóng tối.
Bóng tối vốn dĩ chẳng thể nào che mờ ánh sáng.
Chỉ cần một chút ánh sáng, màn đêm sẽ giãn ra.

Có những lúc như người lần giữa bóng đêm
con bước đi bằng những bước chân của hy vọng.
Mỗi trang viết là một tia sáng nhỏ
con thắp lên, mong soi tỏ hành trình.
Con thắp lên, để động viên chính mình
trong xác tín của ơn gọi làm ánh sáng.

Lạy Chúa
xin dẫn con đi
nhờ ánh sáng soi chiếu tự bên trong
nhờ có Chúa là ngọn nguồn ánh sáng.
Xin đừng để con chấp nhận dừng lại giữa chừng
với thực tại đổ vỡ và tan nát,
nhưng tranh đấu để tìm một lối ra
dưới ánh sáng soi đường của đức tin và đức mến.
Xin đừng để con đồng lõa và cộng tác với bóng tối
nhưng tìm cách thắp lên
chút ánh sáng của niềm tin và hy vọng
giữa đêm tối thất bại và nghi nan,
chút ánh sáng của nhân nghĩa và tình người
giữa dòng đời bon chen và thực dụng…

Xin giúp con chiến đấu mỗi ngày
để vượt thoát lối sống thụ động
để không thờ ơ với thế giới quanh mình.
Xin giải thoát con khỏi nhiều nỗi lo sợ mơ hồ
khi bủa vây con là màn đêm tăm tối.
Xin giúp con đừng bao giờ quên:
chính con được chọn và được gọi làm ánh sáng.

Trang viết của con, một ngọn đèn nhỏ bé
xin được tháp mình vào dòng truyền thống
của những người canh cánh với niềm thao thức
xây dựng cuộc đời, đẹp như đêm hội hoa đăng.


Tác giả: An Phú Hòa

* Matta Thái Thị Diễm My (Gx.Cây Rỏi)

          Noi gương Chúa Giêsu
               Con yên mến nhà thờ
            Tâm hồn như trẻ thơ
         Mong Chúa luôn ngự đến

               Là con Chúa ta nên
                  Thứ tha cho người khác
                    Giúp con thuyền trôi lạc
                      Cập bến bờ yêu thương

            Sẵn sàng đi muôn phương
         Lấy Tin Mừng soi lối
     Xé bức màn tội lỗi
 Đem tình Chúa chiếu soi

Sưu tầm: Ánh Sao Đêm
PHẦN THỨ BA
CÁC LOẠI VĂN

ĐOẠN THỨ II
VĂN MÔ TẢ

TIẾT THỨ NHẤT
NÓI CHUNG VỀ VĂN MÔ TẢ
87. Văn mô tả cần thiết và quan trọng. Muốn kể cho ai những điều mình đã thấy, đã làm hay đã cảm nghĩ, ta đều phải mô tả.
Văn kể chuyện một phần gồm bởi những đoạn tả liên tục. Ngay đến văn luận thuyết hay thư từ cũng phải chen vào rất nhiều đoạn miêu tả.
Vì thế, có thể nói rằng tả là cội nguồn của nghệ thuật viết văn. Chính cũng vì thế mà phải học văn tả trước hết.
88. Mục đích và tính chất văn mô tả.
Văn mô tả nhằm mục đích khiến cho người đọc tưởng tượng ra những điều mà ta nói đến, như khi họ được xem tận mắt bắt tận tay.
Nói kiểu khác, tả là vẽ bằng ngôn từ những cái mà họa sĩ phô diễn bằng nét và màu. Nghệ thuật mô tả có khi còn thần hiệu hơn cả nghề hội họa nữa, là vì nó thu nhập được và trình bày nổi cả đến tiếng động, vận chuyển hương vị và nhất là tư tưởng cảm tình thầm kín thiêng liêng…
89. Phân loại mô tả. Tùy theo đối tượng của nó, người ta chia văn tả làm nhiều thứ: tả cảnh, tả vật, tả người, tả sự việc…
Tất cả các thứ văn tả đều phải theo ít nhiều định luật chung. Sau đây, chúng tôi sẽ trình bày những nguyên tắc căn bản của việc mô tả nghiên cứu dưới hai phương diện nội dung và hình thức.

Những ví dụ và bài mẫu kèm theo sẽ giúp học sinh tự tìm ra các quy tắc riêng cho mỗi thứ văn tả, những quy tắc mà chúng tôi không muốn khảo sát chi li để tránh sự dài dòng.
90. BÀI MẪU  
PHÚT LÂM CHUNG
Image result for hình lúc lâm chung
Phần mở
“Không được, Em nghĩ như vậy thì lầm to. Khi thầy lâm chung, thầy trối trăn những gì em còn nhớ không?”
Câu hỏi của chị như gợi sự đau đớn ở trong lòng Huy, như vẽ ra trước mắt Huy một bức tranh bi thảm.
Phần thân

I)  Hình dung cụ Tú Lãm. Và quang cảnh gian phòng hấp hối
Hồi đó về cuối thu. Cụ Tú Lãm nằm trên giường bệnh, người gầy xọp chỉ còn nắm xương da bọc. Nhất là bộ mặt hốc hác, mắt sâu hoắc, má lõm hẳn xuống, chẳng khác gì một cái đầu lâu.
Đêm khuya, gió lạnh vù vù thổi qua khe cửa bức màn. Ngọn đèn dầu hỏa chiếu sáng rung rinh lờ mờ vào những câu đối sơn đen, sơn đỏ treo ở cột, ở tường. Sau bức màn the trắng, bài vị bà Tú đặt trên cái ngai sơn son thiếp vàng. Trên bàn thờ bộ thất sự bằng đồng trông ẩn lộ như trong tấm hình chụp không được rõ.
II)  Thái độ của Mai và Huy
Cạnh chiếc hỏa lò, than xoan đỏ ối, lách tách nổ liên phanh, Mai quỳ bên giường, hai tay nắm bàn tay khô khan của cha già, như cố giữ người ốm lại không cho rời sang thế giới bên kia. Còn Huy thì ngồi ở cái ghế gỗ bưng mặt khóc, thỉnh thoảng lại gọi:
-         Chị ơi, thầy có việc gì không, chị?
Mai cũng nức nở khóc không trả lời.
III)   Cụ Tú trối trăn và tắt thở
Cụ Tú hơi thở chỉ còn thoi thóp, dùng hết sức thừa nắm chặt tay con.
Mai biết rằng cụ muốn dặn một lời cuối cùng, liền ghé gần lại hỏi:
-         Thưa thầy, thầy dạy con điều gì?
Huy cũng làm theo chị, đứng dậy cúi đầu gần sát mặt người từ trần để nhận những lời giáo huấn tối hậu. Cụ Tú động môi thì thầm:
-       Lẽ tất nhiên, ai cũng phải chết. Các con không nên buồn. lúc nào cũng phải vui thì mới đủ can đảm, đủ nghị lực mà sống ở đời. Hai con nên theo gương Thầy. Thầy vui đến giờ cuối cùng. Thầy hy vọng rằng thế nào các con cũng làm vẻ vang cho thầy, cho linh hồn thầy ở nơi chín suối. Thầy hy vọng rằng thế nào em Huy cũng học thành tài và trở nên người hữu dụng cho xã hội. Thầy mất đi chẳng còn của cải gì để lại cho hai con. Thầy chỉ có ba gia bảo này ông cha để lại cho thầy, nay thầy lại truyền cho các con mà thôi. Là giữ lòng vui, giữ linh hồn trong sạch, và đem hết nghị lực ra làm việc.
Sức cụ Tú chỉ còn đến thế. Nói hết mấy câu tâm phúc, cụ thiêm thiếp dần dần.
Bên ngoài gió vẫn thổi vù vù hột mưa lốp đốp rơi trên mái ngói. Văng vẳng ở xóm xa tiếng chó sủa đêm…
Kết thúc
Trong khoảng mấy giây đồng hồ, cái mẫu đời dĩ vãng chạy qua trí nhớ Huy như bức tranh in thoáng trên tấm kính ảnh.
                                                                                  KHÁI HƯNG (Nửa chừng xuân)
Đoạn văn trích Nửa chừng xuân vừa đọc qua khiến ta tưởng tượng ra một sự việc thân ái, nghiêm trọng và não nùng.
Căn cứ vào những đoạn miêu tả mẫu do những ngòi bút tài tình, ta có thể rút ra ít nhiều nguyên tắc cốt yếu cho lối văn này.

Xin các bạn chờ đọc
TIẾT THỨ II
NỘI DUNG BÀI MÔ TẢ

Nguyễn Hoài Ân

Mùa Thu Cuối

Mùa thu cuối

Em còn đợi anh?

Trên mảnh phong tình

Nghe mưa rót những giọt buồn thăm thẳm.

Từ trong chuỗi ký ức

Em bước ra tinh khôi

Anh đưa tay níu chút hương tình lãng đãng

Nhưng sương khói vỡ tan một bóng hình.

Mùa thu cuối

Theo cánh lá phiêu linh

Và mắt ai ngơ ngác chiều không nắng?

Con phố cũ những đêm dài phẳng lặng

Xiết vòng tay đan kín những ưu tư.

Mùa thu cuối

Mùa thu trút lá

Nghe nồng nàn thương nhớ một làn hương

Và ta đếm bao nhiêu ngày để đợi

Mà ru hoài chuỗi băng giá trong tim.

Ngày 13/10/2017

Tan Chảy Những Hư Vô

Trong ký ức hoăn màu

Mảng rêu phong bám đầy ngăn kỷ niệm

Có khi thấy đời mình là một sân ga bé nhỏ

Để những lần con tàu ghé vội vã lại qua.

Cuộc đời trôi xa

Những phong trần lãng du miền cát

Chênh vênh như ngọn cỏ

Như hạt sương trong gió

Đánh đu với nỗi đa đoan.

Và có bao giờ bất tử

Mưa bốc đồng phủ kín cả nhân gian

Trong cắc cớ muôn điều là bí mật

Bên lưng trời thoai thoải

Một vạt nắng lách mây bay về.

Ta đâu nói gì mà đời xa ngái

Với tay nhau nhưng hờ hững khôn cùng

Đêm sải bước ru một vầng trăng lẻ

Khi nhìn lại

Tan chảy những hư vô.

Ngày 10/10/2017

 

Trần Thế Tiến

ĐÊM AN BÌNH

Đêm đông trải nhẹ tuyết sương,

Buông rơi khúc hát vấn vương, diệu vời.

Đêm đông đẹp ánh sao trời,

Đi vào hồng phúc đất trời kết giao.

Đêm đông ru khúc ngọt ngào,

Mênh mang tình Chúa hiến trao cho đời.

Đêm đông, Chúa xuống làm người,

Ơn thiêng cứu độ sáng ngời lung linh.

Đêm đông ngợp những ân tình,

Nồng nàn hơi ấm, câu kinh vang hòa.

Đêm đông hợp khúc đàn ca,

Hát mừng Chúa đến mở ra an bình.

MÙA HỒNG PHÚC

Ngoài kia sương tuyết ánh sao sa

Bêlem hang đá cánh đồng xa

Thánh Tử, Con Trời đã sinh hạ

Gọi mùa hồng phúc thắm màu hoa.

Trên trời dưới thế đồng hát ca

Kỷ nguyên trời đất kết giao hòa

Tình yêu Thiên Chúa mênh mông quá

Khiêm cung tìm đến ở cùng ta.

Tin Vui loan đến khắp gần xa

Nguồn ơn cứu độ những trào ra

Hồng ân giáng thế, ôi nhiệm lạ!

Ngàn năm còn đó khúc hoan ca.

+ Tạp bút

Jos. Nguyễn Diện (Vinh)

Bố mẹ ơi, con biết nói lời nào để tỏ bày hết những tâm tư, tình cảm và lòng biết ơn về những gì bấy nay bố mẹ đã hy sinh cho con.

Bố mẹ à, mới đó mà đã bốn năm kể từ ngày con rời xa vòng tay yêu thương của bố mẹ. Vâng, đã bốn năm rồi… Cuộc sống sinh viên nơi thành thị không như những ngày con sống dưới mái nhà thôn quê êm ả. Cuộc sống nơi đây cũng vui lắm, nhưng cũng đầy những gian truân thử thách. Lúc này con phải tự lập, tự lo liệu, và tự quyết định mọi thứ. Xa vòng tay yêu thương của bố mẹ, con cảm thấy lo sợ và có chút đượm buồn. Con sợ lắm, khi mà chưa bao giờ con rời khỏi vòng tay của bố mẹ. Nỗi sợ hãi và chút đượm buồn ấy dường như càng nhân lên mỗi khi màn đêm buông xuống, mang theo cơn mưa rả rích suốt đêm thâu.

Kỷ niệm đầu đời tự lập làm con không bao giờ quên, đó là ngày con nhập học, bước vào đời sống sinh viên ngày đầu tiên. Đó là ngày tháng của những cơn mưa bất chợt. Đôi mắt con ướt nhòe vì cơn mưa nặng hạt… Và con chợt nhận ra đôi mắt con cũng đang hoen dòng lệ. Con cảm nếm được vị mặn của dòng lệ pha lẫn những giọt mưa lăn dài trên khuôn mặt. Con nhận ra rằng không chỉ bầu trời tầm tả cơn mưa, mà lòng con cũng đang đổ mưa... Ngoài hiên phòng trọ, cơn mưa chiều vẫn rì rào, cơn mưa lòng cũng phập phồng rơi. Nó cứ chảy, chảy hoài suốt gần một giờ đồng hồ. Những hạt mưa rơi trong lòng không có những tiếng rì rầm như những hạt mưa đang rơi trên mái căn phòng trọ vắng, nó thầm lặng nhưng nặng ưu tư.

Lạ lẫm với cuộc sống nơi thành thị, với con người ở phố, điều đó làm con buồn và lo sợ. Nhưng bố mẹ ơi, con may mắn được sống trong một dãy trọ mà tất cả anh chị em đều là người Công giáo. Đặc biệt, đây là dãy trọ “trung tâm” của nhóm Bảo Vệ Sự Sống. May mắn là thế, nhưng cái may mắn này như một sự thử thách mà Chúa muốn gửi cho con, khi phòng đầu tiên là phòng dành riêng để đặt các em “thai nhi bị giết hại” mà nhóm đi thu gom từ các nhà thương, phòng khám về... Mới đầu thì mấy ai tránh khỏi được nỗi sợ hãi khi ngang qua phòng đó. Vậy mà con phải đối diện với nó. Mình con trong căn phòng vắng lặng khi màn đêm buông xuống, một mình chăn đơn gối chiếc, điều đó càng làm con sợ hãi hơn. Nhưng rồi dần dần con cũng quen. Con đã hòa nhịp với cuộc sống đượm đầy tình huynh đệ, bác ái, yêu thương với niềm hy vọng vào các anh chị cùng dãy trọ và của tất cả anh chị em trong nhóm.

Thế rồi, nỗi sợ hãi và chút đượm buồn nó rời xa con lúc nào mà con không hề hay biết. Thay vào đó, con trở nên vui vẻ hơn mỗi ngày. Con cảm nhận được tình yêu rộng lớn mà mỗi anh chị dành cho con khi con đang là một đứa mới chập chững bước vào đời sống tự lập. Các anh chị đã động viên chia sẻ, an ủi, đỡ nâng con trong những tháng ngày trống vắng cô đơn.

Bố mẹ yêu mến của con. Đã bốn năm, chắc chưa bao giờ con kể cho bố mẹ nghe về những điều này, không phải vì con nhút nhát, nhưng chỉ vì con muốn những ngày trở về nhà, con lại được thấy bố mẹ vui. Con chỉ muốn thấy nụ cười trên khuôn mặt người đã vì con mà dầm mưa dải nắng, vì con mà vất vả lo toan, vì con mà bàn tay mỗi ngày thêm khô cằn. Và hình như con đã thấy những sợi tóc bắt đầu phai màu trên mái đầu của bố mẹ, dường như tất cả những hy sinh đó chỉ để dành cho con.

Bố mẹ biết đó, là sinh viên thì mọi chi tiêu đều do gia đình chu cấp. Con biết hoàn cảnh gia đình mình như thế nào, con biết sức khỏe của bố mẹ bây giờ ra sao, nên con không bao giờ dám phàn nàn về số tiền con được nhận hàng tháng là ít hay nhiều. Với con, chừng đó là đủ lắm rồi. Con đang còn muốn nhận ít hơn nữa, bố mẹ à! Có đôi khi ngồi chia sẻ với chúng bạn, khi hỏi về số tiền chúng nhận hàng tháng, con chỉ biết cười và nghĩ bụng sao nhiều vậy? Có phải gia đình chúng có điều kiện hơn chăng? Nhưng đó chỉ là một thoáng suy nghĩ, vì con biết mỗi gia đình đều có hoàn cảnh khác nhau.

Bốn năm sinh viên, con đang ngày càng trưởng thành. Tuy vậy, con vẫn là đứa con dại khờ trong ánh mắt bố mẹ. Đã đến lúc, con cũng phải chọn lựa cho mình một hướng đi. Đường con chọn lựa chắc hẳn bố mẹ cũng đã hiểu rõ về con và ước muốn của con. Hãy luôn động viên và cầu nguyện cho con mỗi ngày bố mẹ nhé! Con luôn nhớ và cầu nguyện cho bố mẹ cùng gia đình mình trong mọi giờ kinh của con.

+ Tạp bút

Trần Nguyên Hạnh (Phú Cường)

Mỗi loài chim đều sở hữu một chất giọng khác nhau. Riêng họa mi được ưu ái một chất giọng trong trẻo và thánh thót khiến biết bao người say đắm. Dường như sinh ra để làm đẹp cho cuộc đời bằng tiếng hót, họa mi trở thành niềm say mê của biết bao người có dịp được một lần lắng nghe chất giọng thiên phú đó.

Ở thành phố này những ngày chớm đông, khí trời bắt đầu se lạnh trong cơn mưa lất phất. Những ngày nắng ấm tươi vui giờ chỉ còn đọng lại trong mỗi người những nuối tiếc. Thức dậy trong tiếng mưa ủ dột khiến những người vốn ham thích di chuyển cũng lười biếng mà quẩn quanh trong bốn bức tường. Chợt từ ban-công nhà ai, tiếng hót trong trẻo thánh thót của họa mi ngân vang cả con phố, xua tan cái không khí ảm đảm của một ngày mưa, và vô tình gợi lên trong mỗi người xa quê cảm giác khắc khoải, nhung nhớ như đang được thưởng thức tiếng hót của họa mi trong nắng ấm của quê nhà.

Từ lâu, tiếng hót của họa mi đã được xem như một cách giao cảm tuyệt vời của tự nhiên và con người. Nếu một nhành hoa, một tia nắng, mang đến cho con người những hình dung về cái đẹp thì tiếng hót của họa mi lại như một bản nhạc tươi vui của cuộc sống, có thể làm bất cứ ai được một lần lắng nghe tiếng hót ấy cảm thấy tha thiết yêu đời, yêu cuộc sống này hơn. Tiếng hót trong ngần của họa mi, còn như một cách gắn kết con người với tự nhiên bằng một mối hòa cảm đặc biệt. Không cần một cái nắm tay, một câu nói dịu dàng hay một cử chỉ vồ vập... Theo một cách thật bản năng, tiếng hót của họa mi cứ thế đến với con người như để chia sẻ cùng họ bao nỗi niềm của cuộc sống, mang đến cho cuộc đời bao hi vọng.

Ở quê, thật không khó để được nghe tiếng hót cao vút và thánh thót của họa mi. Cứ từ tháng 6 trở đi họa mi lại về làm tổ trên những chạng cây, những bụi cây rậm rạp quanh vườn. Những ai từng mê đắm tiếng hót của họa mi đều thông thạo từ nơi loài chim này làm tổ đến cách chúng xây tổ. Họa mi có thói quen làm tổ giống chim cu gáy, nghĩa là cũng chọn những chảng ba cây, hoặc là nơi có nhiều cành cây nhỏ đan qua chéo lại sẵn để làm điểm tựa chắc chắn. Chúng thường làm tổ không quá cao và tổ thường ở trong những bụi cây rậm. Người ta cũng thường bắt gặp tổ của chúng trong các lùm cây ở các đồi trọc, hay những cây cao mọc đơn lẻ ở khoảng đất trống trên một ngọn đồi, mặc dù họa mi thường sống trong rừng già, nơi có núi non hiểm trở, có thác có suối. Những người say mê tiếng hót của họa mi, nhờ tìm hiểu và biết được những đặc tính này, họ săn chim để thỏa mãn cảm giác được sở hữu tiếng hót mê đắm của chúng.

Tiếng hay đồn xa, ngày nay không chỉ ở thôn quê, tiếng hót của họa mi cũng đã theo chân của những người chơi chim để đến với thành phố náo nhiệt. Và thế là từ việc được bay nhảy tự do giữa rừng già, được hồn nhiên sống cùng muông thú, hít thở khí trời, tắm mình trong ánh mặt trời ấm áp, họa mi giờ chỉ còn nhìn ngắm thế giới bên ngoài qua những khung cửa nhỏ. Có lẽ vì thế mà tiếng hót của họa mi trở nên buồn hơn, khiến nhiều người xót xa hơn, đặc biệt giữa những ngày mưa buồn tẻ trong thành phố.

Có cô gái, một chiều mưa đứng trên ban-công vô tình nghe thấy tiếng hót của họa mi mà lòng chạnh buồn trong nỗi nhớ quê nhà. Không hiểu vì nỗi nhớ quê đang dâng lên trong lòng cô gái hay vì cái khung cảnh mưa buồn ở một nơi xa lạ, mà khi nghe thấy tiếng hót họa mi cất lên, âm thanh ấy bỗng trở nên buốt lòng giữa tiếng mưa rơi không ngớt.

Mỗi khi nghĩ về điều này, tôi chợt nhớ đến những câu hát về loài chim họa mi trong bài hát “Họa mi hót trong mưa” của nhạc sĩ Dương Thụ:

“Tiếng mưa rơi ngoài hiên, gió mưa như lạnh thêm

Có con chim họa mi hót trong mưa buồn lắm”…

Những giai điệu của ca khúc ấy, bỗng dưng chạm vào lòng tôi những nhịp thổn thức, cứ như thể ai đó đã mang tiếng hót trong trẻo thánh thiện của họa mi vùi dập nó, chôn giấu nó giữa cái thành phố ồn ào đầy khói bụi này. Qua bài hát, tiếng hót của họa mi cũng khiến con người liên tưởng đến nỗi lòng thầm lặng của người con gái khi phải xa người mình yêu:

“Trong mưa họa mi vẫn hót thật dịu dàng dịu dàng

Trên môi em tình yêu đã mất còn nồng nàn nồng nàn”

Thiên nhiên và con người từ lúc khai sinh đã luôn gắn bó và hòa hợp với nhau. Dù chỉ là một nhành hoa, một tiếng chim, hay một tia nắng ấm vẫn làm nên sức sống cho cuộc đời này. Nên nỗi lòng của thiên nhiên đôi khi cũng chính là nỗi lòng của con người, để rồi giữa những ngày mưa rơi ở một thành phố không phải là quê nhà, như một duyên cớ, bao nỗi niềm nhung nhớ lại trỗi dậy theo tiếng hót dịu dàng trong trẻo của họa mi.

Những ai đã trót yêu tiếng ca của họa mi, xin hãy trả họa mi về với rừng xanh, nắng ấm để những khúc ca của họa mi có thể làm đẹp cho cuộc đời, mang đến niềm vui, niềm tha thiết yêu đời cho con người… Để nỗi lòng của những người xa quê ấm lại, để một ngày mưa rơi như hôm nay, ở nơi xứ lạ nỗi nhớ bớt phần xót xa.

Suối Ngàn

Em như ngọc quí sáng ngời
Mẹ cha cộng tác, ơn trời tạo ra.
Khuôn vàng thước ngọc bao la
Nhờ ơn giáo dưỡng mẹ cha tháng ngày.

Lặng thầm sớm tối hăng say
Nâng niu tràng chuỗi trên tay nguyện cầu
Nến hồng thắp sáng đêm thâu
Đời con như ánh đèn chầu thiên thu.

Ngôi Cực Thánh! Chúa nhân từ
Thi ân giáng phúc đầy dư ngập tràn!
Phận hèn chẳng đáng thương ban
Con luôn được ngắm Tôn Nhan rạng ngời.

Xin người chớ lỡ buông lơi
Dù mang tì vết trong đời nhạt phai
Nhờ ơn Chúa đã an bài
Nên viên ngọc sáng công mài ngàn xưa.

 

Maria Tạ Thị Bích (Hà Nội)

Em vốn là loài Cỏ Hoang

Sống trong rừng vắng, không màng thế gian

Ngày đêm tiếng hát tiếng đàn

Đung đưa theo gió với làn tóc mây

Bạn em: chị lá, anh cây

Cùng đàn bướm nhỏ, với bầy chim ca

Cỏ Hoang em cũng có hoa

Không hương, không sắc… nhưng mà vẫn vui

 

Vì em chia sớt ngọt bùi

Cho rừng tươi đẹp, cho đời thêm xanh

Em mang thân phận Cỏ Hoang

Nhưng em ơn Chúa, ơn chàng Giêsu

 

Cỏ Hoang vì thế đi tu

Cầu cho nhân loại biết thu ơn Trời.



* Maria Nguyễn Thị Minh Thư(Gx.Cù Lâm)



Vào 6h sáng tôi thức dậy, vươn hai tay lên cao, ngáp một hơi thật dài rồi nhẹ nhàng đưa tay vuốt mái tóc, không quên cảm tạ Chúa vì một giấc ngủ bình yên mà Ngài đã ban. Tôi bước xuống giường, mở toang cánh của sổ, đưa mắt nhìn cảnh vật xung quanh. Những tia nắng vàng nhẹ nhàng chiếu trên những hạt sương long lanh đọng trên lá, trên những mái nhà. Làn gió Nam hiu hiu thổi, mang theo hương thơm dìu dịu của cánh đồng lúa mới. Một mùa hè nữa lại đến, mùa mà tôi mong đợi nhất trong năm.
Cứ nghĩ là tôi sẽ không cần phải thức khuya dậy sớm để vùi đầu vào đống sách vở, thay vào đó sẽ được xem phim, nghe nhạc, được ngủ nướng mà không bị ai đánh thức để đi học nữa… bảo sao lại không thích mùa hè cho được. Không dừng lại ở đó, còn một lí do quan trọng hơn, đó chính là tôi sẽ được gặp lại các thành viên của “gia đình Đặng Đức Tuấn”. Nghĩ đến đây, tôi đã thấy lòng nao nao.
Quên làm sao được cái cảm giác khi tìm thấy tên mình trong danh sách đạt giải văn thơ, nôn nao khi sắp đến ngày lên đường, hay hồi hộp trước khi tên mình được xướng lên trong buổi lễ trao giải. Nhớ những đêm được ngủ cùng “đồng bọn”, kể nhau nghe những câu chuyện kinh dị rồi những chuyện vui ở trường lớp hay giáo xứ. Và cứ thế, hết sợ khiếp vía rồi lại ôm bụng, lăn lộn mà cười. Đến đây, tôi được hòa mình vào các trò chơi tập thể. Không ngại bẩn, mặc kệ sự mệt mỏi, tất cả các thành viên đều tham gia một cách hăng say, tích cực.

Mới đó mà đã 4 năm tôi tham gia cuộc thi này. Nhớ ngày nào tôi còn là một cô bé rụt rè, e ngại, lại ít hòa đồng. Chính nhờ sự quan tâm, gần gũi, thân thiện của các Cha, các chú và các anh chị mà nay đã dần trở nên cởi mở, dạn dĩ. Sau mỗi chuyến hành hương, được nghe các chú, các anh chị nhận xét và sửa những lỗi của bài dự thi, tôi lại nhận thấy khả năng viết văn của mình vẫn còn thấp, và muốn học hỏi nhiều hơn nữa để hoàn thiện mình hơn, để có thể dùng ngòi bút của mình làm chứng nhân cho tình yêu của Thiên Chúa.
Cảm ơn Ban tổ chức đã tạo điều kiện để chúng con, những người con thuộc những giáo xứ khác nhau trong giáo phận Qui Nhơn này có cơ hội họp mặt, làm quen, đồng thời có thể học hỏi được nhiều điều để trau dồi tài năng mà Chúa đã ban cho mỗi chúng con. Nhờ sự dìu dắt, nâng đỡ nhiệt tình của quý Cha, các chú mà những mầm non như chúng con đang dần lớn lên theo thời gian. Mặc dù gặp không ít khó khăn, trở ngại nhưng Ban tổ chức vẫn luôn cố gắng hết mình vì một tương lai mới cho Giáo phận.

Nguyện xin Thiên Chúa phù hộ cho các cha, các chú có thể vượt qua được những khó khăn, thử thách để duy trì cuộc thi bổ ích này. Đồng thời cũng nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng, giúp sức cho chúng con để có thể viết nên những bài văn, bài thơ mang Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người.

Cát Đen

Thưa các bạn, hôm 17-10-2017 Đức Cha Giuse, Giám mục giáo phận Đà Nẵng, Chủ tịch Ủy ban Văn hóa trực thuôc trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đã mời các Ủy ban Văn hóa của 26 Giáo phận về Trung tâm Mục vụ Giáo phận Đà Nẵng để gặp gỡ, trao đổi về những sinh hoạt cụ thể của Uỷ ban Văn hóa tại các giáo phận và hội thảo những việc làm trong tương lai của Ủy ban.

Có 10 Giáo phận về tham dự:
- Đà Lạt
- Sài Gòn
- Phân Thiết
- Qui Nhơn
- Đà Nẵng
- Huế
- Vinh
- Hưng Hóa
- Bắc Ninh
- Hải Pòng
Sau lời khai mạc và định hướng sinh hoạt của UBVH, Đức Cha Chủ tịch giới thiệu cha thư ký.
Đầu giờ chiều, Cha thư ký trình bày đề án Thư viện và đề án Nguyện Đường Các Thánh Tử Đạo Việt Năm. Tiếp đến, từng thành viên nêu ý kiến của mình cũng như chia sẻ kinh nghiệp về sinh hoạt mục vụ văn hóa.
Có một ý kiến xem ra mọi người cùng quan tâm là chăm sóc Tiếng Việt cho người trẻ, cần có một cuộc thi Văn - Thơ dành cho các bạn từ 40 tuổi trở xuống. Ý kiến này được Đức Cha Chủ tịch ghi nhận. Ngài còn đưa ra một gợi ý: " Cuộc thi viết về Các Thánh Tử Đạo Việt Nam" vì, năm 2018 là kỷ niệm 30 năm Các Ngài được phong hiển thánh.
16g30 cùng ngày mọi người về nhà thờ Chính tòa để hiệp dâng thánh lễ tạ ơn với Đức tân Giám mục phụ tá Giáo phận Sài Gòn - Đức Cha Luy.


Bùi Thị Minh Ân

Đêm nay có lẽ là đêm lạnh nhất của mùa Đông trên đất Hà Thành. Lúi húi gom những hộp xi đánh giày, chiếc giẻ lau, bàn chải, bỏ gọn gàng vào thùng; thằng bé Khôi khoác chiếc áo mỏng te chạy thật nhanh về nhà để còn kịp đến nhà thờ dự lễ Giáng Sinh.

-Á!!! Khôi la toáng lên khi vấp phải một vật gì đó ở giữa đường.

Cúi xuống, nó chạm phải cái gì lạnh lạnh.

-Bà ơi, sao giờ này bà còn ngồi ở đây? Con bà đâu? Cháu bà đâu? Sao lại để bà co ro, lạnh lẽo đến thế này?

Khôi cởi chiếc áo khoác mỏng mà nó đang mặc trên người để choàng cho bà cụ. Biết làm sao bây giờ, Khôi dìu bà cụ về nhà mình. Đốt một đống lửa ở giữa nhà như cái cách nó vẫn làm để xua đi cái giá lạnh của đêm Đông, Khôi dìu bà cụ đến sưởi.

Ngoài kia, sương vẫn rơi, gió vẫn rít lên từng hồi.

Vốn đã nghèo, nhà cũng không còn gì để ăn ngoài vài mẩu bánh mì nho nhỏ. Nhưng bà cụ đã già, răng cũng không còn, làm sao làm ăn được bánh mì đây? Nhìn bà vừa đói, vừa lạnh đến run người, Khôi thương lắm. Nó chợt nhớ, hồi chiều lúc đánh giày có được bà khách Tây bo cho vài đồng lẻ, nó nghĩ chắc đủ để nó mời bà một ly sữa nóng đêm nay. Thế là Khôi vội chạy thật nhanh ra ngoài hàng mua cho bà một ly sữa nóng… ngoài trời mưa bay bay.

Đêm nay, chuông giáo đường lại vang lên, gợi cho Khôi nhớ về hai ngàn năm trước, cũng bị người đời xa lánh, cũng lạnh lẽo và cô đơn như bà cụ mà Khôi gặp bên đường.

Quỳ bên máng cỏ trong cái lạnh buốt giá của đêm đông, khẽ ngước nhìn lên Hài Nhi thơ bé, Khôi thỏ thẻ cùng Ngài:

“ Chúa hỡi, Chúa ơi, con có gì để dâng Ngài đêm nay.”

Hài Nhi Giê- su nhìn Khôi trìu mến như muốn nói cùng Khôi:

“Con đã dành cho Ta món quà quý giá nhất, con đã làm tất cả vì Ta.”

Giữa cái giá lạnh của đêm đông, sao nghe lòng ấm lên đến lạ.

Nguyễn Tuyển (Bà Rịa)

Bên Thềm Mùa Đông

Mùa nghiêng
đông đến bên thềm
Trăng côi khuyết nửa
dạt miền tương tư.

Thu buồn
ru khúc tạ từ
Chênh vênh mùa cũ
va vào hư vô.

Sụt sùi
chiếc lá ngẩn ngơ
Thu vừa độ chín
mà giờ cách xa.

Người đi
mấy dặm quan hà
Chiều hoang sương giá
lệ nhoà song thưa...

Phố Mùa Đông

Và thế là
phố đã bước vào đông
Mùi hoa sữa bớt nồng nàn hơn trước
Những con đường co ro trong rét mướt
Hàng cây già gầy guộc lá xanh xao.

Phố mùa đông
se sắt đến nao nao
Chiều hoang hoải sương trời giăng giăng trắng
Hàng ghế đá, công viên buồn phẳng lặng
Giọt nắng chiều tím tái... nhớ môi hôn.

Phố mùa đông
bỗng thèm chén rượu nồng
Thèm mông lung đôi ba lần lớ ngớ
Thèm vòng tay khạo khờ của một thuở
Để mùa về phố đỡ chút chênh chao...



L
ạy Chúa,
    được hiện diện trên cõi đời này là một đặc ân.
    Thế nhưng ngày càng có nhiều người trẻ tìm đến cái chết. 
Họ từ bỏ cuộc sống một cách vô tình.    

Cuộc sống vốn không dễ dàng. 
Mỗi người đều có cuộc chiến của riêng mình
để tìm ánh sáng từ những góc tối,
để vươn dậy từ những nỗi đau,
để không buông tay dễ dàng
mặc đời mình tàn hao và chết nghẹt...

Thế nhưng đôi khi, vì hèn nhát,
chúng con xem việc từ bỏ cuộc sống là một cách giải thoát. 
Chúng con không nhận ra rằng
từ bỏ cuộc sống đồng nghĩa với việc đang chối bỏ tình yêu Chúa.   

Đâu đó, ở những khe đất hẹp, 
những bông hoa vẫn cố vươn mình khoe sắc. 
Nó không từ bỏ.   

Đâu đó, mặc những cơn mưa tầm tã hay những ngày nắng cháy da,
nhiều mảnh đời vẫn lê những bước chân nhọc nhằn,
cố bám víu vào cuộc đời, để vươn lên.
Họ không từ bỏ.   

Đâu đó, trên những chiếc giường bệnh lạnh lẽo,
những cơ thể đã gầy còm và yếu ớt
vẫn cố duy trì từng hơi thở mỏng manh, để sống.
Họ không từ bỏ.   

Thế nhưng một số người trẻ
đang ở độ tuổi căng tràn nhựa sống
đang có một con đường, một tương lai
lại dễ dàng từ bỏ... 

Xin cho chúng con nhận ra
Chúa có cách riêng để tôi luyện một người Kitô hữu.
Chúa đặt chúng con vào cuộc chiến, nhưng không bỏ rơi.
Chúa dạy chúng con cách chiến đấu bằng những thất bại.
Chúa để chúng con lớn lên từ những tổn thương.   

Xin ban cho chúng con Sức Mạnh, 
để kiên cường bước trên những chông gai,
biết đứng lên sau những vấp phạm.

Xin dạy chúng con Khôn Ngoan,
để không bao giờ từ bỏ cuộc sống này, dù chỉ trong suy nghĩ.

Xin ban cho chúng con Kiên Nhẫn,      
để biết chờ đợi những trái ngọt Chúa sẽ dành cho chúng con.  

Xin dạy chúng con đức Khiêm Nhường, 
để không phản kháng trước thất bại bằng những hành động tiêu cực.

Và xin Chúa tiếp tục là người bạn đồng hành
trên con đường cuộc đời của chúng con.

Tác giả: A.D.

Bài tham gia mục "Góc Cầu Nguyện", 
xin gởi về địa chỉ email: giaansj@gmail.com



Văn Nguyên Lương (Qui Nhơn)

Lời Mồ Côi

Mẹ...

Những tưởng hạnh ngộ

đầy ắp niềm vui

Có biết đâu tiếng khóc vô âm dội vỡ bầu trời!

 

Con yêu mẹ

Lần về từ những áng mây chiều mồ côi

Con sợ...

Ngọn gió vô tâm đẩy con xa vòng tay mẹ

Tiếng gà gáy sáng quen thuộc cũng làm con thảng thốt

Thì thôi

Con đi...

 

Chỉ thương mẹ

Một ngày kia...

Thèm nghe tiếng khóc trẻ thơ

Thèm cất lên câu ầu ơ giữa chợ đời hỗn loạn

Bước qua vết thương lòng

Mẹ lại tìm con...

 

Con muốn về bên mẹ

Mà hàng rào thờ ơ ngăn cách

Yêu thương không thể vượt qua...

Đứng bên cầu con khóc

nước mắt con rơi xuống sông dài

Đời con như giề lục bình lưu lạc...

 

Nếu không được sà vào vòng tay mẹ

Thì thôi

Con đi...

Nhớ Khoảng Trời Tuổi Thơ

Chiều mưa phố vắng mình tôi

Cô đơn mây trắng lưng trời ngẩn ngơ

Nắng vàng kéo sợi hững hờ

Vẽ khung trời tím… Tuổi thơ ùa về

 

Ai xui cuốc gọi trưa hè

Giữa lao xao gió lũy tre đầu làng

Đôi diều vẫn cứ lang thang

Vút cao, múa lượn… ngỡ ngàng giấc mơ

 

Dòng sông xanh những bãi bờ

Núi xanh… cao những ước mơ bao đời

Ngẫm thương dáng mẹ tôi ngồi

Quanh năm mòn mỏi, một đời lo toan...

Tạ Hương Nhuận (Nha Trang)

Giấc ngủ chập chờn

chẳng đủ xua tan giá băng

Chẳng đủ xua đi

nỗi niềm đang thổn thức

Trong giấc mơ

bao lần em chợt tỉnh

Rót những tiếng kinh cầu

Trong giấc mộng không anh

Giấc ngủ chập chờn

chẳng thể làm nguôi quên

Hình bóng người thương

chỉ còn là ảo ảnh

Và vỡ tan như

bọt nước chiều mưa.

Lặng lẽ thu mình

trong giá lạnh đêm đông

Em đợi mong

về một ngày nắng ấm

Ngày anh về

xua giá băng trống vắng

Em lại êm đềm

trong giấc ngủ bình yên

+ Tạp bút

Nguyễn Hoài Ân (Quảng Ngãi)

Tôi cảm nhận được mùa Thu đến từ trong ánh nắng sáng sớm nay. Có lẽ sự thay đổi của màu nắng là những dấu hiệu thể hiện đặc trưng riêng nhất của mỗi mùa. Nắng mùa Thu khác lắm! Nó thanh thoát, dịu dàng giống như người con gái đang độ tuổi mười tám, đôi mươi vậy. Cái sắc nắng của mùa Hạ cuồng nhiệt, rực lửa của ngày hôm qua đã không còn nữa. Để rồi, sáng nay tôi lại mơ màng trong cái tiết trời thật đẹp, và bâng khuâng nhìn những cánh chim chao liệng trên nền trời xanh ngắt đang chở mùa Thu sang.

Mùa Thu mang đến cho ta những hương vị ngọt lành của cuộc sống. Đó là những gam màu tươi đẹp giống như một bức tranh trong khung vẽ mà người họa sĩ tài hoa đã tạo nên. Mơn man trong làn gió Thu là những khúc nhạc tình quyến rũ, say đắm hồn người. Mùa Thu trải ngát khắp làng quê. Cánh đồng được ướp hương nắng của mùa Thu trở nên vàng óng. Lòng tôi bỗng thấy có một chút bồi hồi xao xuyến khi nhìn thấy những thân cây lúa trĩu hạt đang chờ mùa gặt đến. Đôi mắt rưng rưng nhặt nhạnh những kỷ niệm ấm áp của tuổi thơ ở bên ba mẹ. Những ngày còn thiếu đói, mẹ tảo tần mót từng hạt gạo trong thúng còn sót lại để được bữa rau, bữa cháo qua ngày. Cha lam lũ ngoài đồng, chăm bón cho từng cây lúa cho mau lớn. Còn đâu đó trên lưng ba là những nỗi niềm cơ cực qua bao mưa nắng, vai áo bạc sờn màu dĩ vãng. Nghĩ lại mà thương, mà nhớ.

Từng chiều về, tôi thoáng nghe cái mùi hương nồng nàn của hoa sữa len lỏi mọi ngóc ngách ở khắp nẻo đường quê, sân trường hay góc phố. Với tôi, nếu phượng vĩ là loài hoa đặc trưng của mùa hè, và tượng trưng cho tuổi học trò thì hoa sữa cũng thế. Chỉ có điều là hoa sữa nở vào mùa Thu, mùa các cô cậu học trò trở lại trường học trong niềm hân hoan với cặp sách mới, quần áo mới, bạn bè mới…

Có lẽ hương hoa sữa cũng là mùi hương đặc trưng nhất của mùa Thu. Có những lần đi qua đâu đó, tôi nghe gió đưa hương hoa sữa thân quen. Tôi dừng xe, nhắm mắt và hít một hơi thật nhẹ nhàng để cảm nhận được cái hương vị của cuộc sống; hương vị của sắc trời mùa Thu, hương vị mà tôi yêu thích nhất. Hoa sữa bao giờ cũng gợi nhớ trong tôi những ký ức của một thuở cắp sách đến trường. Mỗi độ Thu sang, hương hoa sữa thoang thoảng bay vào ghé thăm lớp học của chúng tôi. Bạn tôi có nhiều đứa không thích hương hoa này, nhưng tôi thì cứ mặc nhiên. Vì tôi biết một điều đơn giản là mùa Thu đã sang và sẽ mang đến cho chúng ta những điều mới, niềm hy vọng mới trong cuộc sống.

Mùa Thu đẹp, nhưng cũng gợi cho con người ta có một chút gì đó u buồn. Những chiếc lá héo úa thay nhau nhuộm vàng rồi theo cánh gió bay về muôn phương. Mùa Thu chìm khuất trong đáy mắt của những kẻ si tình đang chờ đợi một tiếng yêu thương, nhưng không thấy hồi âm. Tôi chợt thèm, thèm một “tình yêu ở lại” như lời bài hát “Thư tình cuối mùa Thu” mà nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ thơ Xuân Quỳnh đã viết: “Mùa Thu ra biển cả/ Theo dòng nước mênh mông/ Mùa Thu vàng hoa cúc/ Chỉ còn anh và em/ Là của mùa Thu cũ…/ Chỉ còn anh và em/ Cùng tình yêu ở lại…”

Đã bao lần mùa Thu đi qua. Dòng thời gian cứ lùi dần. Ta lớn lên, và biết rằng cuộc đời không phải toàn màu hồng mà còn có những vất vả, chông gai mà dù muốn hay không ta cũng phải một lần bước qua. Cuộc sống bon chen nặng gánh “cơm áo” làm cho con người ta trở nên mệt mỏi, khô cằn. Mấy ai cảm nhận sâu sắc được ngoài kia Thu đã về, mùa đã sang. Không biết có ai giống như tôi không? Mở rộng đôi bàn tay ôm mùa Thu vào lòng, vân vê từng sợi nắng. Vì tôi sợ mùa Thu sẽ lạc mất giống như bao lần đến, bao lần đi không nuối tiếc. Tôi muốn giữ cho mùa Thu mãi là của riêng tôi, mặc kệ cho ngoài kia cuộc sống có nổi trôi như thế nào. Dẫu biết đó là ích kỷ, nhưng thà ích kỷ một lần để được say đắm đúng nghĩa với mùa Thu.

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget