tháng 5 2017

Trăng Thập Tự

Xin ngồi xuống bên lòng Thầy một lúc

Mà lắng nghe từng nhịp nhẹ đang rung

Của trái tim kiên trì và nhẫn nhục,

Của trái tim yêu mến đến kỳ cùng.

 

Xin ngồi xuống và nhìn bằng mắt Chúa

Phuờng tham ô, bóc lột với Giakêu.

Xin ngồi xuống, vỗ về bằng tay Chúa

Kẻ ốm đau, người lầm lỡ, dân nghèo.

Xin ngồi xuống và lắng theo lời Chúa

Mà yêu thương bằng cõi lòng Cha.

Xin ngồi xuống, lắng theo làn Gió nhẹ

Mà ủi an, khích lệ, thứ tha.

 

Xin ngồi xuống, chung nhịp lòng Con Thảo

Mà mến yêu, thờ phượng Chúa Cha.

Xin ngồi xuống, chung nhịp lòng muôn thuở,

Nhịp hiến dâng và lãnh nhận hải hà.

 

Xin ngồi xuống và xin lắng xuống,

Lắng không gian vào tận cõi vô cùng,

Lắng bây giờ vào vô thuỷ vô chung,

Lắng giọt động vào trong biển lặng.

______________________________

Trần Dũng
(Vinh)
Giải Triển Vọng Viết Văn Đường Trường 2013

- Có lẽ con sẽ dừng lại.

Đan nói câu đó với bà Hoa buổi sáng thì buổi chiều đã có chuyện. Đầu tiên là ông anh trai định cư ở Nhật bắn tin gãy gọn: “Chú thật khéo biết đùa!”. Bà cô nghỉ một buổi làm, chạy xe máy từ thành phố về, nghiêm giọng: “Cháu lớn rồi. Sống biết điều một chút!”. Còn cái Ly, cô em gái đang học trung học thì mếu máo: “Nhà mình rồi đến loạn mất thôi!”. Bà Hoa đóng cửa phòng, bỏ ăn, cả ngày chỉ thều thào duy nhất một câu: “Mày giết tao đi còn hơn! Rồi làng trên xóm dưới đều biết chuyện, từ nay tao sống không bằng chết”.

Chuyến xe khách đầu tiên rời thị trấn Dạ Cát lúc trời vừa hửng sáng. Đan ngồi vắt vẻo trên băng ghế cuối, mặt ngó ra phía khung kính, ngắm dòng người, cảnh vật qua ô cửa nhỏ. Đời ở đấy cứ thế lướt đi, nhanh chậm, lắc lư theo vòng lái của bác tài xế. Kể cũng là một cái thú. Xung quanh Đan, một vài vị khách bắt đầu ngủ gật gù. Vùi đầu vào giấc ngủ để xua đi cái mệt, hoặc đơn giản hơn là quên đi đoạn đường dài hàng tiếng đồng hồ, lúc tỉnh dậy cũng vừa kịp thời điểm xe vào bến, biết đâu cũng là một cái thú khác. Chuyến xe cũng như đời người, nhiều lúc ngắn ngủi lắm, chỉ bằng một cái chớp mắt thôi.

Chủng viện Bình Minh rốt cuộc chỉ có những bước đi dè dặt. Người ta cứ mãi loay hoay làm sao để cỗ xe kia không còn chạy với vận tốc ì ạch, nhưng cũng chẳng chấp nhận những vòng quay quá nóng vội. Thiếu đi một cái hồn, cải cách này nằm gối đầu lên canh tân khác. Nó khiến Đan mệt mỏi. Đó là cái cung cách mà anh vẫn thường ví von với những đứa trẻ bị tước mất quyền được ngã, bởi có một dàn barie được dựng nên quá dày đặc. Vô trùng! Đứa trẻ ấy cuối cùng cũng lớn lên, cũng mừng lễ hội trưởng thành như ở một vài nước nào đó mà Đan có dịp đọc trên báo, nhưng rất có thể là một-người-trưởng-thành-không-bao-giờ-biết-cách-tự-đứng-lên. Ở cái xứ này, phàm cái gì không kiểm soát được, hoặc giả không đủ khả năng kiểm soát, thì giải pháp đơn giản nhất là cấm. Đan phì cười trước sự lan truyền chóng mặt của hội chứng này. Nó gần như không có ranh giới, kể cả phạm vi tôn giáo.

Điện thoại báo có tin nhắn.

- Anh về quê à?

- Kỳ nghỉ cuối cùng của đời chủng sinh. Nhưng sao em biết?

- Anh quên là tôi vẫn dõi theo anh à! Có điều đó là một sự quan tâm trong vô vọng thôi. Thật ra chỉ muốn biết anh đã đi được bao xa? Thế thôi!

Hình ảnh Thư bất chợt tràn về, quét nhanh vào một vùng tối sáng của kí ức. Màu của thời gian. Kỷ niệm ngày xưa giờ loang lổ vết rong rêu. Đan quen Thư từ hồi hai đứa dọn tới ở chung khu ký túc xá của trường. Mất ba tháng để yêu nhau, ba năm quyện chặt vào nhau, và có lẽ cả một đời để xem nhau là người xa lạ. Ra trường, đùng một cái Đan xách ba lô vào chủng viện. Vài năm sau Thư cũng làm đám cưới. Chồng cô là con trai của một đại gia có tiếng ở đất Hải Dương. Chuyện tưởng chừng như đã kết thúc. Đan cũng đã phần nào nguôi quên. Nhưng Thư thì như con thú bị trọng thương, cứ mãi bám theo, cứ phải ám ảnh kẻ đã gây ra cho mình những vết đau rỉ máu. “Anh đi rất xa, đủ để nhận ra rằng tình yêu với em đã hết!” - Đan trả lời tin nhắn.

Xe qua cầu Bình Nguyên thì suýt tông phải chiếc xe máy tạt qua đường. “Mẹ cha mày! Đi đứng thế à?” - Bác tài vứt điếu thuốc hút dở qua cửa xe, thủng thẳng buông một câu chửi thề. Tiếng mấy vị khách ở dãy ghế đầu nhao nhao lên đồng cảm. Dân Việt ở đâu cũng thế, người ta bện chặt vào nhau, sẵn sàng nổi xung lên mỗi khi sự an toàn của số đông bị đe doạ, dù bằng cái cách chẳng lấy làm văn minh gì cho lắm. Chẳng thế mà sau sự cố ấy, hành khách trên xe dễ dàng mở lòng với nhau hơn. Tiếng cười nói chộn rộn hẳn lên. Những câu chuyện không đầu không cuối được đan dệt một cách tự nhiên, qua giọng kể mộc mạc nhưng lại có sức thấm đẫm hồn người. Chuyện thằng bé mù chữ bán báo dạo chạy khắp nơi rao tin về một tai nạn xây dựng, không hay biết rằng nạn nhân trong mẩu tin vừa rao là bố của mình. Chuyện bà vợ kia rủ ông chồng có chứng bệnh hoang tưởng đóng cửa phòng tự vẫn, kết quả là sau khi uống vào cơ man là thuốc an thần thì chỉ có người chồng chết. Người vợ bán hết nhà cửa, ruộng vườn trốn đi với người tình trẻ, sau khi đã chu đáo lo lắng hậu sự cho ông chồng xấu số. Hay như chuyện một nông dân ở Hải Phòng, dùng mìn tự chế với súng hoa cải để giữ đất giữ vườn trước sự cưỡng chế của các nhà chức việc địa phương, nhưng cuối cùng thì bất lực, chẳng thể bảo vệ cho mình và người thân trước bản án nhiều tranh cãi...

Những câu chuyện, mặt người, phận đời Đan đã đọc thấy, đã gặp và chạm phải ở đâu đó. Nhưng như thói quen thu mình lại, ngồi bên ô cửa trên mỗi chuyến đi, chúng đã lặng lẽ lướt qua. Vô cảm đã thành căn bệnh trầm kha, lây lan vào cả chủng viện - nơi chưa bao giờ, chưa một ai nghĩ rằng sẽ nhiễm bệnh và đáng ra không bao giờ được quyền nhiễm bệnh. Nụ cười Đan méo xệch đi. Đời luôn có những trớ trêu thú vị. Ở cái nơi chỉ gồm những cái tên xa lạ, lên chung một chuyến xe, ngồi với nhau chỉ một đoạn đường, hết hành trình thì kẻ ngược người xuôi, con người ta lại không mảy may e ngại trút hết những thứ tít tận sâu thẳm của tâm can. Đan đồ rằng cánh nhà văn lúc nào cũng ca cẩm không có cảm hứng mới, nếu chịu khó bỏ công đi xe khách vài ba bận thôi, thì cũng đã có khối cái để viết mà không cần phải nhọc nhằn đi vào những trại sáng tác, bám theo đề tài này đường hướng nọ. Đó là chưa kể khối cái để viết ở đây là những điều rất thật, rất đời. Mùi của nhân sinh bao giờ chả ngai ngái cay nồng.

- Và anh hạnh phúc chứ?

Tin nhắn của Thư kéo Đan ra khỏi mớ triết lý hỗn tạp này để ném vào một đám bòng bong khác. Hạnh phúc là thứ khó nắm bắt nhất trong thế giới hổ lốn này. Và nó chưa hẳn là một điều có thực, kiểu như ‘‘rừng mơ’’ trong tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa” bên Tàu. Nó cũng có thể là một thứ trang sức, đẹp và sặc sỡ. Nhưng người nghèo không mua nổi vì quá đắt đỏ, cũng không ăn được, còn người giàu thì săn đón đổi chác liên tục, miễn sao cho hợp mốt. Hạnh phúc là hai tiếng được nhân loại mơ ước nhất, và rất có thể cũng là vô nghĩa nhất. Đan và Thư đã từng đi tìm nó, người này hứa hẹn mang nó lại cho người kia, nhưng cái mà cả hai nhận được chỉ là một thứ khác, na ná như hạnh phúc chứ không phải là hạnh phúc. Đan không còn đủ sức cho cuộc kiếm tìm thứ trang sức xa xỉ kia, khi mà kí ức vẫn còn trơ ra đấy những vết thẹo. Kéo nhẹ móc khoá ba lô, Đan lấy ra chiếc áo chùng thâm cũ. Chín năm trời chứ chẳng ít, anh mặc nó hàng ngày, nhẹ và mỏng manh lắm, nhưng chất nặng những buồn vui, trắc trở. Đan cười, có lẽ đây là chiếc áo rộng nhất trên thế giới này mà con người có thể nghĩ ra được. Thì chẳng phải tấm áo ấy che được vô số cảm xúc giằng xé, bao bọc một cơ thể với quá nhiều tì vết, chất chứa kỳ vọng của biết bao người. Màu đen chẳng phải người ta đã nói là màu của bí ẩn hay sao?

- Em biết là chúng ta đã tìm được gì rồi mà. Anh chỉ ổn thôi.

- Thế anh vẫn đi tiếp chứ, một con đường không dành cho mình?

- Vẫn. Anh đang cố yêu nó!

- Rồi anh sẽ rời bỏ nó như cách anh đã từng buông tay với tôi. Rồi anh sẽ đi tìm một tình yêu khác. Đàn ông các anh là giống thích phũ phàng lắm mà!

Ngần ngừ một lúc rồi Đan cũng trở lại với các ký tự trên bàn phím.

- Không hẳn thế. Con đường này có một thứ ngôn ngữ riêng mà không phải ai cũng có thể đọc được.

- Cũng thế cả thôi. Linh mục bây giờ giống một loại cocktail hơn. Đẹp đấy. Hấp dẫn đấy. Nhưng chẳng còn nguyên chất...

Đan sững lại. Dòng chữ lạnh lùng ấy vừa làm một cú va đập ngoạn mục. Thư sắc sảo và táo bạo ngay cả trong những lúc cô chới với nhất. Ai đó đã nói, sắc đẹp tự nó đã là một thứ tài năng. Thư may mắn sở hữu cả hai báu vật trời cho ấy, thế mà chúng cũng không thể giúp cô có một cuộc sống tròn đầy. Đời Thư là sự chắp nối những đứt gãy này bằng những đứt gãy khác. Ngày Đan quyết định khép lại những hẹn hò, Thư không níu kéo nhưng chỉ cảnh báo anh: ‘‘Linh mục được nhận quá nhiều. Nhận thì phải cho. Nhưng chả ai có thể cho cả một đời. Ân điển luôn tiềm tàng những hình phạt vô biên. Có lẽ vì thế mà những người có cái đầu tỉnh táo hơn đã lựa chọn để không trở thành linh mục’’. Thư nói rất nhẹ chứ không gay gắt, nhưng Đan có cảm giác như mình vừa trải qua một cơn động đất có cường độ nhiều richter.

- Nhưng sống cho người khác cũng là một lẽ sống - Đan chau mày.

- Nếu không sống nổi cho mình thì lấy gì để sống cho người khác hả Đan? Nếu thứ cả tôi và anh tìm được không phải là hạnh phúc thì còn hi vọng mang nó lại cho ai? Cứ làm người hùng đi, nếu anh còn đủ sức!

Con đường dẫn đến một triền dốc nhỏ. Lắc lư. Những hàng cây ngái ngủ trong nắng mới. Tiếng cười nói lúc nãy cũng bặt dần. Câu chuyện dang dở của năm năm về trước lại hiện về như một thước phim âm bản...

- Tại cái Thư đúng không? Anh vẫn còn yêu nó? - Bà Hoa nhìn sâu vào mắt Đan.

- Bọn con đã chấm dứt. Thư cũng đã có gia đình riêng. Chỉ tại con không đủ tình yêu cho con đường này. Nó vốn không dành cho con, mẹ ạ!

- Bố anh và tôi ngày trước lấy nhau có phải vì yêu đương gì đâu. Thế mà vẫn ăn đời ở kiếp với nhau đấy thôi!

Đan xoắn xuýt mười ngón tay vào với nhau, khẽ khàng:

- Ơn gọi này huyền nhiệm lắm, không đơn giản là chuyện dựng vợ gã chồng đâu mẹ.

Chẳng thể dừng lại được nữa rồi, cả anh và mẹ. “Lại đây, tôi muốn cho anh xem thứ này!” - Bà Hoa đến trước chiếc tủ có đặt bức di ảnh, lấy ra từ ngăn kéo một chiếc hộp màu vàng: Là một tấm áo lễ.

- Bố con trước khi mất đã trao nó lại, dặn mẹ phải đưa tận tay cho con mặc trong ngày lễ thụ phong. Coi như đây là di nguyện của bố.

Đan bất động hồi lâu. Chiếc áo lễ lặng lẽ rơi xuống nền đá lạnh toát. Một sự tĩnh lặng bao trùm.

Đan đến ngồi ở bến sông, hướng cái nhìn lên khoảng thinh không vòi vọi rồi thư thả áp đôi tay xuống lòng đất. Gần chỗ anh ngồi, bạt ngàn loài hoa chưa kịp gọi tên. Hoang dại. Bên kia là quê anh, khói lam chiều nơi căn nhà nhỏ dâng lên một cách hồn hậu. Gió từ lòng sông thổi vào mát rượi. Bao năm rồi sông chẳng già đi, vẫn cứ chảy đời sông. Giá mà có thể chảy nhịp của sông, giá mà có thể học cách chảy của nước, Đan sẽ chậm nhẹ trôi qua những làng quê, bến xe, phố chợ, để cùng đám người khốn khổ kia kể cho nhau nghe câu chuyện về cuộc sống. Mà cuộc sống tăm tối ấy, Đan đồ rằng nó cũng có thể là một thánh đường lắm chứ. Cả thứ tạp âm nhức nhối kia nữa, anh sẽ thổn thức như đã từng thổn thức trước những bản thánh ca ngọt lành. Mấy hôm trước thôi, Đan đọc báo thấy nhà văn Nguyên Ngọc nói Tây Nguyên đang bị băm nát, đang chết đi cái hồn. Bất giác anh muốn đến Tây Nguyên, đơn giản chỉ để xem phận người ở đấy chới với thế nào, có bị băm nát như làng và rừng, như nắng và gió không?

Nắng cứ lui mãi về chiều, toả thứ màu sắc vàng vọt trên mảnh đất nhiều lầm lụi. Căn nhà nhỏ vốn yên ắng giờ rộn hẳn lên bởi sự xuất hiện của mấy vị khách. Bà Hoa chễm chệ trên chiếc ghế chính diện phòng khách, thư thả nhấp chén nước.

- Chỉ ít tháng nữa thôi là cháu Đan làm linh mục. Ông nhà tôi chẳng may vắn số, trước lúc mất dặn tôi phải lo cho cháu một cái lễ thật chu đáo. Còn phải báo công cho tổ tiên họ mạc.

Người đàn ông ngồi cạnh với tấm lưng to bè, nhả từng đợt khói đặc quánh từ điếu thuốc trên tay, xởi lởi:

- Tháng tới em tính làm một chuyến vào Nam, trước là thăm cánh bà con họ hàng trong đó, sau là thưa chuyện của cháu Đan. Phải báo trước để họ còn sắp xếp việc nhà, việc cơ quan nữa.

- Chú Tôn tính như thế là phải. Tôi cũng đã đặt vấn đề thuê hẳn một đầu bếp khách sạn ở Vũng Tàu lên thực đơn cho mấy ngày tiệc mừng. Việc hệ trọng, phải là đầu bếp chuyên nghiệp hẳn hoi, chứ chị Hoa nhờ người ở đây, nói thật tôi chẳng yên tâm lắm! - Tiếng một người đàn bà khác.

Ông trùm Văn trầm ngâm suốt từ nãy giờ cũng sốt sắng góp chuyện. Giọng ông nhấn nhá hào sảng, ra cái cung cách của một người đứng đầu họ đạo.

- Sa Nam này từ lúc lập họ đến nay mới có linh mục đầu tiên. Chúng tôi đã bàn với các bậc cao niên trong làng. Các cụ bảo ngày đó không chỉ là lễ tạ ơn của riêng nhà bà cụ Hoa mà còn là ngày hội lớn của Sa Nam. Sẽ có một cuộc đón rước tân chức từ bến sông về nhà thờ họ với trống hội, cờ xí rợp trời. Tôi đi nhiều, thấy các nơi họ tổ chức rình rang lắm. Tiếng là họ lẻ, họ nghèo nhưng phải cho cả xứ này biết cái tầm của Sa Nam không nhỏ một chút nào. Lát nữa thầy Đan về, tôi sẽ bàn kỹ hơn.

Câu chuyện cứ dày lên mãi. Bên này sông đã thấp thoáng lên đèn...

Đan như bị đóng đinh vào bến sông bên kia. Chỉ cách mấy thước sông thôi sao mà vời vợi thế. Có tiếng người gọi đò.

- Anh đi đây. Đến với một tình yêu mới. Chưa biết phải làm gì, nhưng cứ đi đã. Ít ra không phải mua một niềm vui ngắn bằng một nỗi buồn dài! - Đan bấm nút gửi tin nhắn, khoác ba lô đứng lên.

Bàng bạc trên sông những vạt sáng nhạt nhoà...

__________________________________________________________________________________

Lê Đình Bảng

Khi ấy, ngày măng tơ mới nhú

Tôi nghe rừng lá động hiên ngoài

Hình như, gió thở hương thần khí

Của đất, trời, sương, hoa mãn khai

 

Khi ấy, thiêng liêng, mầu nhiệm quá

Mà thơm tho mấy dải thiên hà

Mười phương nứt lộc, đêm quỳnh nở

Rợp cả rừng khuya, em, nhã ca

 

Khi ấy, gỗ trầm reo thánh tích

Chim quyên về dưới cụm hoa đào

Hồn tôi bỗng trổ ra vàng đá

Như phải bùa mê tận cõi nào

 

Có phải nguồn cơn đương cám dỗ

No nê phách ngọt đàn say rồi

Bồ câu ơi, cái gì như thể…

Ai đến làm quen giữa tiệc mời

 

Có phải thời gian như mật rót

Khi không, sao bổi hổi, bồi hồi?

Có gì thanh thoát, mênh mang quá

Mạch nước ngầm reo trong giếng thơi

 

Có phải hồn tôi đương mở cửa

Nên chăng, trời cũng muốn chiều người

Mời em xin nhảy mừng trong dạ

Theo những tình nhân vui sánh đôi

 

Ở đấy, lúa đồng chiêm ngậm sữa

Và quyên ca ríu rít vàng mười.

____________________________________

Lê Đình Bảng

Cho tôi một lòng tin

Nhỏ nhoi như hạt cải

Cho tôi làm cỏ dại

Ở bên đường không tên

 

Tôi yếu đuối như sên

Tôi trơ thân gỗ mục

Hãy gọi tôi tỉnh thức

Lập lòe một que diêm

Tôi trầm tư trong núi

Như một gã tiều phu

Xin làm nhà ẩn tu

Dù bọt bèo rêu rác

 

Ba hồi tôi đói khát

Ba hồi tôi dở điên

Tôi như con dế mèn

Ngủ vùi nơi gò mả

 

Ngọc ẩn mình trong đá

Kho báu giữa đồng không

Người thả lưới trên sông

Có chim, thu, nhụ, đé

 

Vâng ngày mai tận thế

Ai nấy xếp hàng đôi

Hỏi người còn yêu tôi

Rã rời thân bụi cát

____________________

Maria Trịnh Thị Huyền Trân

(Qui Nhơn)

Giải Triển Vọng Viết Văn Đường Trường 2013

Mùa hè rộn rã, vui vẻ và hào hứng của năm lớp 11 đã trôi qua một cách nhanh chóng. Tôi lại chuẩn bị học lên một lớp nữa. Hôm đó, khi đã nhận lớp, sắp xếp chỗ ngồi và phân công ban quản lý lớp xong xuôi, cô giáo thông báo chúng tôi chính thức là những học sinh lớp 12. Lớp chúng tôi mới học qua bốn tuần đầu thì có một cô bạn từ Nha Trang chuyển ra. Thật tình mà nói thì tôi không thích cô bạn mới này cho lắm. Có lẽ vì cô ấy xinh đẹp, ăn nói dịu dàng, dễ thương hơn tôi; lại là con nhà giàu có, học giỏi nên tôi càng thêm ganh tị. Bởi vậy, tôi không bao giờ nói chuyện với cô bạn mới mặc dù chúng tôi ngồi cùng một bàn với nhau. Thậm chí là cả tháng sau tôi mới biết họ tên đầy đủ của bạn ấy là Nguyễn Huyền Trang. Đôi lúc, Trang có bắt chuyện với tôi, nhưng lúc nào tôi cũng trả lời cộc lốc, thỉnh thoảng còn kèm theo cái trừng mắt nảy lửa.

* * *

Một bữa nọ, nhân dịp ngày quốc tế phụ nữ 8/3, cả lớp chúng tôi quyết định tổ chức một bữa tiệc liên hoan linh đình. Tôi và Trang có nhiệm vụ đi đặt chỗ ở quán ăn. Phải làm việc chung với người mình ghét quả là không vui và không hứng thú tí nào! Vậy nên mặt mũi tôi lúc nào cũng tối sầm lại. Nhưng rồi do mệt và đói, hai chúng tôi ghé vào một tiệm phở bình dân nằm ở ven đường. Lúc cô bán hàng bưng bát phở thơm lừng, nóng hổi còn nghi ngút khói đến trước mặt Trang, thì tôi mới biết một điều mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Mắt mở to, miệng há hốc, tôi ngạc nhiên vô cùng khi thấy Trang làm Dấu Thánh Giá một cách kính cẩn trước khi ăn. Thì ra Trang là người Công giáo. Vậy mà bấy lâu nay tôi không hề biết. Có phải tôi vô tâm quá chăng? Đang mải mê suy nghĩ, chợt nghe giọng Trang dịu dàng lên tiếng:

– Này, Trân ăn đi chứ! Phở nở trương ra hết rồi kìa!

Tôi giật mình nhìn xuống bàn thì thấy bát phở đã được bưng ra từ hồi nào. Tôi đáp lại gọn trơn:

– Biết rồi!

Đang chuẩn bị ăn thì Trang lại lên tiếng:

– Trân không làm dấu cảm ơn và mời Chúa ăn cùng sao?

Mặt đỏ bừng lên vì cảm giác xấu hổ, tôi ậm ừ trả lời cho qua chuyện: “Tui quên!”, rồi cúi gầm mặt xuống không nói một tiếng nào.

Thật ra đằng sau câu trả lời ấy là một sự dối trá, một sự bao biện cho hành vi sai trái của mình. Sự thật là tôi đâu có quên, tôi vẫn nhớ như in những gì giáo lý dạy là phải tự hào mình là con Thiên Chúa. Nhưng tôi đã sợ ánh mắt của mọi người, sợ tiếng nói xì xào của dư luận. Tôi sợ người ta biết mình là người có đạo, tôi thấy xấu hổ khi để họ trông thấy mình làm dấu. Vậy mà Trang lại…

Nhưng tôi vẫn quyết định làm theo sự bao biện lừa bịp đó, mặc dù tôi biết điều này là không tốt và đáng xấu hổ đối với một người đạo gốc như tôi. Tôi cảm thấy cay cú với Trang ngày một nhiều thêm. Bởi vì chính Trang – một người tôi ghét cay ghét đắng – lại thấy được lỗi sai của tôi mà không phải ai khác! “Có khi nào chính Chúa sắp đặt việc này chăng?” - Tôi tự hỏi.

* * *

Bây giờ, tự dưng cơn đói trong tôi không còn tồn tại. Tôi chỉ mãi tập trung suy nghĩ về việc làm sai trái vừa rồi của mình. Và thỉnh thoảng tôi liếc mắt nhìn sang bàn ăn bên cạnh, đang có một bà mẹ và bốn đứa con nhỏ ngồi ăn. Trông họ không được khá giả mấy, nói đúng hơn là có vẻ nghèo đói. Quần áo họ mặc trên người thật sự rất cũ, cũng có vài chỗ vá lại nhưng được cái là rất tinh tươm, sạch sẽ. Họ ăn một cách ngon lành. Những đứa nhỏ luôn miệng tíu tít khen ngon. Đôi lúc, chúng còn nghịch ngợm trêu đùa với nhau và phá lên cười. Trông chúng thật trong sáng hồn nhiên hệt như những thiên thần.

Lúc họ ăn xong cũng là lúc tôi đến quầy tính tiền. Sau khi đã trả phần mình, tôi toan vội bỏ đi trước để khỏi về cùng Trang. Đột nhiên tôi thấy mặt người phụ nữ tái xanh, có vẻ bối rối và lúng túng. Cô ấy cứ loay hoay tìm cái gì đó mà tôi không biết. Lúc này, Trang cũng đang chăm chú nhìn cử chỉ kì lạ của người phụ nữ. Bất giác, người phụ nữ lững thững đi đến quầy rụt rè hỏi:

– Chị ơi, phần em hết bao nhiều tiền?

– 100 ngàn – một phần người lớn và bốn đứa nhỏ.

– Chị ơi! Em lỡ làm mất tiền… chỉ còn ít thôi… Em thật sự xin lỗi chị… em…

– Này! Ăn xong rồi định quỵt tiền sao? Đúng là cái đồ…

– Chị ơi! Mong chị…

Nhìn lũ trẻ ngơ ngác thật tội nghiệp. Chợt tôi thấy Trang mở túi xách, rút ra tờ 100 ngàn vứt xuống đất, rồi thản nhiên nhặt lên như không có chuyện gì, chạy thật nhanh tới chỗ người phụ nữ đáng thương ấy.

– Cô ơi! Cô đánh rơi tiền này!

Người phụ nữ nước mắt lưng tròng, chợt hiểu ra ý của Trang, lấy tay gạt nước mắt, nhận lấy tiền và đưa cho người bán hàng.

Khi đã thanh toán tiền xong, người phụ nữ quay lại nghẹn ngào nói:

– Cảm ơn, cảm ơn cháu… Tất cả việc làm này của cháu cô sẽ không quên. Nó thật sự ý nghĩa với cô và cả bốn đứa con cô nữa. Cảm ơn vì đã cho những đứa con cô thấy được màu hồng cuộc sống – một màu hồng chan chứa tình thương con người. Chúng đã thấy được một cử chỉ ấm áp tình đồng loại mà trước giờ chúng chưa nhận được từ những người khác, kể cả ba của chúng. Nhờ đó mà chúng tiếp tục hi vọng, tin tưởng vào cuộc sống và hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Nói xong, người phụ nữ lặng lẽ cầm tay các con bước ra khỏi quán. Nhìn họ khuất dần, mất hút vào dòng người xô bồ tấp nập, tôi đã khóc và Trang cũng vậy. Những giọt nước mắt đồng cảm cứ tuôn rơi trên gò má của hai đứa.

* * *

Hai chúng tôi lặng lẽ dắt xe ra về. Chợt Trang lên tiếng:

– Trông họ thật đáng thương phải không Trân?

– Ừ… Mà Trang không thấy tiếc sao?

– Tiếc gì?

– 100 ngàn ấy…

– À… Không đâu! Giúp người gặp khó khăn là việc nên làm mà! “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”… Có phải Chúa dạy như thế không Trân nhỉ?

Trang khúc khích cười một cách thân thiện.

– Ừ! Trang nói đúng. - Tôi đáp lại.

– Mình là người giúp việc nhà Chúa nên phải làm như thế thôi. Một người giúp việc có ích, một người giúp việc đúng nghĩa cho chủ mình.

“Một người giúp việc” sao? - Tôi nghĩ thầm và chợt cười tủm tỉm. Hình như đây là lần đầu tiên tôi cười với Trang, lần đầu tiên tôi tỏ ra thân thiết với Trang như thế. Tự dưng tôi thấy hối hận quá! Tôi muốn xin lỗi Trang vì tất cả, nhưng không tài nào mở miệng được nên đành im lặng.

– Bầu trời lúc hoàng hôn thật đẹp phải không Trân? - Trang hỏi.

– Ừ! Bởi vì nó có màu hồng đấy, màu hồng của tình người… Này “người giúp việc”, chúng ta về nhanh thôi! - Tôi thúc giục.

Trên đường về, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về những chuyện đã xảy ra trong ngày hôm nay, ngày đã cho tôi một bài học quí giá…

Xin hãy tha thứ cho con, Chúa ơi! Xin hãy để con trở nên người giúp việc nhà Chúa, trở nên một tôi tớ trung thành rao giảng Tin Mừng bằng cuộc sống đời thường. Cảm ơn Chúa, vì Ngài đã ban cho đời có những người như Trang, để tô cho cuộc sống tươi đẹp những màu hồng…

Cảm ơn Chúa!

Cảm ơn Trang!

______________________________________________________________________________________

Lời m đầu (HOA BIỂN 25)

Cùng quý bạn đọc và các thành viên CLB,

Đã bắt đầu vào Hạ cùng cái nắng nóng oi bức thật khó chịu… Với các học sinh, sinh viên thì đây là lúc chạy đua với những ngày ôn thi. Sự tất bật của công việc hằng ngày và những mối quan hệ giao tiếp, lắm khi lôi tuột con người vào những vòng xoáy chênh vênh… Rất may họ được diễm phúc làm con cái Chúa nên đã có một nơi chốn bình yên để quay về. Bởi đâu có dễ gì để thoát ra khỏi sự mỏi mệt, đâu có dễ gì thu về một khoảng trống vắng riêng mình, một dấu lặng của tâm hồn… Đây cũng là những ngày trong Tháng Hoa với lời mời gọi trở về của Mẹ, ngàn hoa lòng dâng lên để tìm thấy cõi an yên trong tay Mẹ chở che. Họ được đắm mình trong khoảng lặng của riêng mình với Chúa, thinh lặng và cầu nguyện để được trở về với những gì mà từ đó mình đã ra đi… Và để được chầm chậm ngắm nhìn quê hương vĩnh phúc trên Trời như một tình yêu chẳng thể nhạt nhòa…

* HOA BIN 26 sẽ phát hành vào dịp Hội trại và trao giải Đặng Đức Tuấn 2017 với những nội dung chính như sau:

+ Những kỷ niệm đẹp và những dấu ấn khó phai mờ qua các mùa Giải văn thơ Đặng Đức Tuấn. Việc tham gia Giải đã có tác động và đem lại những lợi ích gì cho cuộc sống tâm linh của bản thân mình và những người chung quanh.

+ Sống mùa Hạ với Chúa và với cộng đoàn giáo xứ. Những hoạt động vui tươi và bổ ích, làm chứng nhân cho tình yêu Thiên Chúa để bước vào Năm Thánh kỷ niệm 400 năm Tin Mừng đến với Giáo phận.

<> Lưu ý: Riêng thơ, nhận tất cả các thể loại thơ (trừ trường ca và thơ châm biếm), nhưng nhớ phải làm đúng luật. Ngoài ra BBT cũng đã mở thêm trang mục “âm nhạc”, nhận những ca khúc phổ thơ hoặc tự viết lời. Mời các bạn tích cực tham gia.

* Hạn chót nhận bài cho “Hoa Biển 26” là ngày 1/7/2017.

Sáng tác gởi qua bưu điện xin gởi về địa chỉ: Nguyn Thanh Xuân- 25 Trần Quốc Toản- Tp.Quy Nhơn, Bình Định- (Gởi bằng đường bưu điện cần gởi trước thời hạn ít nhất 10 ngày để tránh bị chậm trễ). Tuy nhiên, để thuận tiện cho việc biên tập và trao đổi sửa chữa bài vở, khuyến khích gởi bài qua email: vanthoqnclub@gmail.com

Các bạn cũng có thể vào Website của Giáo phận (http://gpquinhon.org) để theo dõi thông tin của CLB và nội dung các tập nội san Hoa Biển đã phát hành (Mục “Văn hóa-Nghệ thuật”- CLB Sáng tác). CLB cũng đã lập trang Facebook với tên: CLB ĐỒNG XANH THƠ QUI NHƠN. Ngoài ra trang Web của Tập san Mục Đồng (tapsanmucdong.net) cũng đã chính thức “khai trương” với chuyên mục “VƯỜN ƯƠM” dành cho các bạn trẻ. Các bạn hãy tích cực vào đây để kết nối, giao lưu trao đổi thông tin, tham gia mọi sinh hoạt và chương trình tập huấn của CLB.

Thân ái,

Ban Biên Tập

------------------------------------------------------------------

* Xin nhanh chóng tiếp tục gởi bài cho HOA BIỂN 26 theo các nội dung nêu trên. Ngoài ra cũng có thể viết bài về những chủ đề khác trong đời sống tâm linh Kitô giáo. Hạn chót nhận bài là ngày 1/7/2017. Tuy nhiên nên gởi bài trước hạn (đặc biệt với những bài gởi qua bưu điện cần gởi thật sớm) để BBT có thời gian trao đổi, sửa chữa bài viết nếu thấy cần thiết. BBT cũng sẽ ưu tiên chọn in những bài gởi trước.

MỤC LỤC ( HOA BIỂN 25)

* Lời mở đầu

  1. “Tháng Hoa” về ( Phạm Thị Triều Viễn )
  2. Tâm tình Tháng Hoa ( Nguyễn Như Quỳnh )
  3. Chuyện loài hoa… ( Nguyễn Đình Văn )
  4. Tình yêu và tràng hạt Mân Côi ( Ngô Thùy Duyên )
  5. Tình yêu xuất phát từ sự ích kỉ ( Đoàn Thị Ái Thoa )
  6. Hy sinh ( Thái Thị Diễm Yến )
  7. Tháng 5 về ( Lê Thị Thanh Hà )
  8. Tin tưởng ( Phan Nguyễn Cẩm Nhung )
  9. Quay về với Tháng Hoa ( Nguyễn Thị Lan Phương )
  10. Điểm 10 của Bi ( Nguyễn Minh Khả )
  11. Cúp học bất thành ( Nguyễn Mậu Linh Vũ )
  12. Chùm thơ DÂNG ( Nguyễn Vũ Hồng Kha )
  13. Tháng Hoa ( Thái Thị Diễm My )
  14. Tháng Hoa ( Thái Thị Thu Giang )
  15. Tháng của Mẹ ( Hồ Thị Thúy Thi )
  16. Tâm tình Tháng Hoa ( Trương Thị Diễm Phúc )
  17. Dâng Mẹ ( Võ Thị Kim Yến )
  18. Một đóa hoa ( Trần Thị Mỹ Hạnh )
  19. Hoa tháng 5 ( Nguyễn Thị Hồng Ngọc )
  20. Lòng con dâng kính Mẹ ( Vy Nữ Kiều Ngân )
  21. Cành hoa tâm tình ( Kiều Tấn Lực )
  22. Mùa hoa về ( Hồ Hoàng Diệp )
  23. Đóa hoa lòng ( Huỳnh Thị Thu Hương )
  24. Hoa lòng con dâng ( Ngô Thùy Duyên )
  25. Theo Mẹ ( Đỗ Lê Khánh Hạ )
  26. Quà tặng Mẹ ( Đoàn Thị Ái Thoa )
  27. Mẹ đã dạy con ( Nguyễn Đan Thanh )
  28. Bên con Mẹ nhé! ( Nguyễn Thị Trà My )
  29. Mẹ là… ( Nguyễn Minh Tiến )
  30. Mẹ khuyên ( Nguyễn Thị Như Quỳnh )
  31. Tấm lòng con ( Nguyễn Đình Văn )
  32. Của lễ ( Nguyễn Minh Khả )
  33. Mẹ ơi! ( Nguyễn Mậu Linh Vũ )
  34. Sống phục vụ ( Trần Thị Huyền Trang )
  35. Xin Mẹ ( Nguyễn Hải Hòa )
  36. Về với Chúa ( Nguyễn Thị Kim Khánh Vi )
  37. Cánh sao ly hương ( Nguyễn Vũ Hồng Kha )
  38. Xanh ( Nguyễn Thị Hồng Ngọc )
  39. Nhớ ( Nguyễn Hải Hòa )
  40. Giấc mơ trưa ( Nguyễn Thị Thanh Trà )
  41. Cho con một lòng tin ( Nguyễn Thị Mận )
  42. Niềm vui của “các em” ( Huỳnh Thị Dạ Thảo )
  43. Tuổi thơ tôi ( Đồng Thị Bích Duyên )
  44. Tâm tư tuổi 20 ( Nguyễn Phúc Hoàng Anh )
  45. Yêu là tha thứ ( Lê Minh Thư )
  46. Im lặng và cảm thông ( Trịnh Thị Hiền )
  47. Cho và nhận ( Cao Thị Tường Vi )
  48. Nơi ấy con có Người ( Phạm Đình Phi Thái )
  49. Thư gửi bạn ( Nguyễn Thảo Nhi )
  50. Thư gởi “gia đình Đặng Đức Tuấn” ( Trương Thị Diễm Phúc )
  51. Con xin chu toàn ( Nguyễn Hoàng Hiệp )
  52. Cho con xin ( Trịnh Thị Mỹ Phương )
  53. Chúa ơi! ( Lê Minh Ngọc )
  54. Ngài là ai? ( Trần Thị Kim Dung )
  55. Ngài là điểm tựa ( Đoàn Thị Ái Thoa )
  56. Tôi đã thấy ( Vy Gia Thịnh )
  57. Yêu thương ( Nguyễn Ngọc Thanh Hiền )
  58. Bèo dạt, lá rơi ( Nguyễn Ngọc Thanh Hiền )
  59. Từng ngày với Chúa ( Lê Thị Quỳnh Nga )
  60. Giữ vững một tình yêu ( Cao Thị Tường Vi )
  61. Máu Thánh ( Đồng Thị Bích Duyên )
  62. Ước ( Cao Quỳnh Trường Nhi )
  63. Có Chúa, sống thanh nhàn ( Võ Thị Kim Trâm )
  64. Mùa hè sôi động ( Nguyễn Hải Hòa )
  65. Cậy mùa ( Nguyễn Phúc Hoàng Anh )
  66. Tạ ơn ( Phan Nguyễn Cẩm Nhung )
  67. Gặt trong vui mừng ( Trần Thị Mỹ Hạnh )
  68. Nguồn yêu thương Thập Giá ( Hoàng Hiệp - Hồng Ngọc)
  69. Niềm vui mới (Dương Thị Thái Chân)
  70. Tin vui CLB (Nguyễn Thanh Xuân)
  71. Danh sách các tác giả đạt giải ĐĐT 2017

----------------------------------------------------------------------------------

+ Hoa Biển 25 phát hành vào khoảng ngày 10/ 6 năm 2017. Mỗi thành viên chính thức của CLB (theo danh sách cập nhật tháng 10/2016) đều được nhận 1 tập HB 25 và sẽ được gởi về theo đơn vị giáo xứ. Riêng mỗi tác giả có bài được chọn in trong Hoa Biển 25 còn được nhận thêm 1 tập báo biếu. Xin liên hệ Cha sở để nhận, hoặc đến nhận trực tiếp tại văn phòng Ban Văn hóa (phòng 129, Chủng Viện Qui Nhơn). Lưu ý: Nếu muốn nhận trực tiếp xin báo trước với chị Hiền (Đ.T: 0935.435916 hoặc 056.3501373) để giữ báo lại ở VP.

Nổi tiếng vì nhận nhiều giải cao trong các cuộc thi “Những cuốn sách vàng” do TP. Hồ Chí Minh tổ chức, cha Giuse Nguyễn Hữu Triết (Trưởng ban Mục vụ Văn Hóa TGP Sài Gòn, chính xứ Tân Sa Châu) có hẳn một “bộ sản phẩm cổ” liên quan đến Truyện Kiều và Nguyễn Du. Số đèn cổ cha sưu tầm đã lên tới 1.400 chiếc.



Ngồi trò chuyện dưới ánh sáng của cây đèn cổ đời nhà Mạc thế kỷ XVI, vị linh mục tâm sự nhiều về một thú chơi, “thực ra là một hình thức biết ơn tiền nhân và giữ gìn văn hóa thôi”. Cha là người cởi mở, say mê chia sẻ từ chuyện đồ cổ cho tới những chuyện “sống đạo” trong xã hội ngày nay.

Được thụ phong linh mục lúc 27 tuổi, có hơn 20 năm là phó xứ Gia Định và gần 20 năm chánh xứ ở Giáo xứ Tân Sa Châu, hẳn cha nhận thấy đời sống đạo có nhiều thay đổi theo thời cuộc. Vậy theo cha, điều gì thay đổi rõ rệt nhất?

Toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của các đô thị đã tạo ra nhiều xáo trộn, phân tán, nên hiếm khi nào còn xứ đạo toàn tòng như ngày xưa nữa. Đời sống tập trung có mặt tích cực là người ta nhìn theo nhau, theo một tấm gương nào đó, rồi lễ lạt đông đảo, công việc chung sẽ trôi chảy,… Nhưng mặt tiêu cực của việc sống quần tụ là tâm lý ỷ vào bầy đàn, theo niềm tin bầy đàn, không đào sâu niềm tin cá nhân. Giống như nếu được cha mẹ bảo bọc kỹ quá, thì cuộc sống cứ êm xuôi đều đều như vậy, đến khi gặp phải hoàn cảnh tứ tán thì rất đáng lo, người nào vững vàng mới vượt qua được. Bây giờ xã hội thay đổi, hiện tượng di dân, đô thị hóa, thay đổi công ăn việc làm, nơi cư trú, người ta đi khắp nơi kiếm sống, cả ra nước ngoài…

Vâng, chỗ nào cũng thấy, đến cả tai nạn tàu ở tận Bắc cực, hay nạn nhân cướp biển Somali, cũng có người Việt Nam…

Chính sự phân tán trong đời sống, đi khắp nơi như vậy, giáo hữu cũng dễ phân tán trong việc giữ đạo.

Nhưng tính truyền thống rất mạnh, nhất là trong tôn giáo, phải không thưa cha?

Đúng là truyền thống sẽ không mất đi, nhưng không được chuẩn bị tốt cũng sẽ sút giảm. Mỗi người phải sống với niềm tin của mình trong xã hội, một hiện tượng bình thường cho mọi tôn giáo. Ngày xưa cả đời cụ tổ cho đến con cháu đều ở cùng một làng, trong một lũy tre. Vấn đề ly dị tôi chưa bao giờ nghe, nay thì nhiều lắm, trong giáo dân cũng đã có, vì ảnh hưởng chung của xã hội.

Vậy theo cha, đó có phải là vấn đề bức xúc nhất trong đời sống đạo của hôm nay không?

Bức xúc nhất là làm sao để có được đức tin trưởng thành, yêu cầu lớn nhất để có thể đối phó với thực tế. Có đức tin trưởng thành thì vứt ở đâu cũng sống được. Thiếu nó, Giáo hội sẽ gặp nguy hiểm.

Bây giờ trong rao giảng của các vị linh mục, phải thay đổi thế nào để phù hợp với đời sống thực tế, thưa cha?

Giáo lý được liên hệ với những điều mới mẻ. Xưa làm gì có thụ tinh nhân tạo, đồng tính, chuyển giới! Chúng tôi phải chuẩn bị Giáo lý hôn nhân Công giáo cho giới trẻ, huấn luyện mục đích hôn nhân gồm hai điều, vợ chồng yêu thương giúp đỡ nhau, cộng tác với Chúa trong chuyện sinh nở và giáo dục con cái. Chúng tôi phải mở lớp Giáo lý hôn nhân rồi mới làm lễ hôn phối cho các cặp vợ chồng trẻ. Có hai đặc tính của hôn nhân Công giáo, đó là một vợ một chồng và bất khả phân ly, không ly dị.

Công giáo sẽ xử lý ra sao khi thực tế đang phá vỡ dữ dội những luật này, ngay chuyện phá thai thì Việt Nam cũng đứng vào hàng đầu thế giới?

Phải bằng biện pháp giáo dục thôi, chúng tôi không có những chế tài theo kiểu luật pháp. Với Hội thánh thì chỉ rút phép thông công, không được xưng tội, rước lễ. Còn thì chỉ thông qua giáo dục, kêu gọi mọi người sống có lương tâm, trách nhiệm. Ngay các vấn đề bên ngoài xã hội, luật pháp đã có những quy định, chế tài, xử phạt hẳn hoi nếu vi phạm, cũng vẫn phải dùng nhiều biện pháp giáo dục.

Khi xã hội có những biểu hiện lệch lạc, sẽ có những cơ chế khác bù đắp vào, đó là truyền thống văn hóa, mối liên kết giữa các gia đình, làng xã, sự từ bi, tấm lòng tương trợ, hoạt động tôn giáo…, gọi chung là vốn xã hội. Cha thấy sống đạo liệu có phát huy được nhiều điểm tích cực không?
 
Cha Giuse Nguyễn Hữu Triết cùng mẫu đèn cổ
Tôn giáo rất cần thiết trong xã hội như thế. Nếu sống đạo, dù theo Công giáo, Tin lành hay Phật giáo đều sống theo đạo lý, đề cao công bằng bác ái, từ bi, tôn trọng sự sống, văn minh, tình thương yêu. Người biết sợ Chúa, sợ Trời đất, thì mới không dám làm điều ác; chứ không sợ, không tin gì cả, thì chẳng có gì níu giữ cả…

Nhưng nếu chỉ vì sợ mới làm thì đâu có tốt và bền vững?

Chỉ có sợ thì trình độ đạo đức không cao, nhưng cần thiết. Luật pháp cũng vậy, phải có chế tài. Hãy nhìn sang nước bạn, Singapore ít có tội phạm ma túy vì luật pháp rất nghiêm, chỉ tàng trữ vài trăm gram heroin là treo cổ. Tổng thống Mỹ, thủ tướng Úc đứng ra xin giảm hình phạt cho công dân nước mình cũng không được. Giữ thành phố xanh sạch, vất mẩu thuốc lá bị phạt 500 đô. Ở Paris thủ đô nước Pháp, trên cột đèn vẽ hình con chó, nhắc việc cấm chó phóng uế, nếu vi phạm, phạt 450 euro. “Già đòn non nhẽ” mà. Nếu ở nước ta, ai đua xe bị bắt sẽ bị tịch thu xe, nếu có bố mẹ là công chức thì buộc phải từ chức, chắc chắn nạn đua xe phải bớt. Người theo đạo nào thì trước tiên phải là công dân tốt, sống tự giác, tuân thủ pháp luật. Được vậy, xã hội sẽ bớt nhà tù, không cần nhiều công an. Tôi có dịp ở Đan Mạch ba tháng, suốt thời gian đó cũng đi nhiều nơi, vậy mà chưa thấy được một viên cảnh sát.

Chắc cha đi nghiên cứu ở nước ngoài nhiều?

Không, tôi đi thăm anh tôi. Công việc của một cha xứ không hề ít. Ngoài tế tự, lễ giảng, giải quyết các nhu cầu tôn giáo, hôn nhân, rửa tội, giải quyết xin di chuyển…, còn có công việc mục vụ, điều hành các lễ nghi, tổ chức hoạt động bác ái như “bữa cơm nhân ái” 170 suất ăn trưa cho người nghèo, cơ nhỡ…

Cha có thể kể một kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời linh mục của mình?

Hơn 40 năm, nhiều kỷ niệm lắm. Nhưng có lẽ tôi hài lòng nhất khi nhớ về sự giản dị của đời phục vụ. Năm 1972, ngày đi nhận chức phó xứ Gia Định. Một xe đạp lọc cọc chở chiếc vali, đi từ chợ Cầu – Gò Vấp về Gia Định, không người tiễn đưa, không ai ra đón, như cô dâu tự về nhà chồng. Người đầu tiên tôi gặp là ông thầy tên Tế phụ trách văn phòng của Trường Thánh mẫu có tới 1.300 học sinh. Ông thầy Tế hỏi: “Ông đi đâu đây?”. Tôi đáp: “Tôi là cha phó đến nhận nhiệm vụ”. “Vậy à, cha Sở có gửi chìa khóa đây”. Rồi chưa kịp chào, cha Sở đã mời ra ngay nhà thờ làm công tác mục vụ, ban phép hòa giải cho người tới xưng tội. Vào việc liền, âm thầm, đơn giản, hợp với bản chất nông dân của tôi, thuở bé chăn trâu bò ngoài đồng quen với đời sống đơn giản. Tiệc tùng tôi sợ lắm.

Cha nổi tiếng nhờ việc sưu tầm sách cổ với hai giải nhất trong cuộc thi “Những cuốn sách vàng”, có năm nhận tới sáu giải. Từ bản Truyện Kiều khắc ván in từ thế kỷ XIX độc đáo, dường như nay đã “quần tụ” thành một bộ sản phẩm. Cha có gì mới chia sẻ với mọi người?

Đúng là ngày càng đồ sộ. Bên cạnh gần hai mươi bản Truyện Kiều chữ nôm rất quý, cổ xưa, tôi đã sưu tầm thêm được 200 bản Truyện Kiều in tiếng Việt và tiếng Pháp, Anh, Đức, Rumani, Hàn Quốc. Có cả bản chữ nổi cho người khiếm thị. Rồi khoảng 700 đầu sách nghiên cứu Truyện Kiều và Nguyễn Du, hơn 700 tờ báo và tạp chí viết về Truyện Kiều và Nguyễn Du. Có 50 bức tranh vẽ Kiều. Ngoài ra, còn có nhiều sản phẩm như chén, thống, tượng sứ, guốc sơn mài có hình vẽ Kiều, rất nhiều cuốn băng ngâm Truyện Kiều, toàn những tác phẩm “thứ dữ”, tạo nên một bộ tác phẩm vẫn đang được làm giàu, sưu tập thêm.


Còn việc sưu tầm đèn cổ của Cha đã nổi tiếng khắp nơi, Cha có thể cho biết bây giờ con số đèn đã lên tới bao nhiêu cái rồi và đôi nét đặc sắc về chúng?

Kể cả đèn cổ và đèn xưa (theo quy định đèn xưa là chưa tới 100 năm), tôi đã có được 1.400 cái, làm từ rất nhiều chất liệu: đồng, bạc, gang, thủy tinh, antimoan, nhôm, sắt, sứ, gốm, đất nung, hoặc có bầu đèn làm bằng gỗ. Về niên đại thì cái cổ nhất là cái đèn Sa Huỳnh đã 2.500 năm. Đèn có xuất xứ từ 14 quốc gia, màu sắc phong phú tuyệt đẹp. Cái đất nung thô màu gạch, thủy tinh nhiều màu, gốm sứ đủ hình vẽ đa dạng. Dáng dấp đủ hình đủ kiểu, tuyệt vời lắm.

Trong số đó, cây đèn cổ nhất cha có được là nhờ vào đâu?

Cây đèn Sa Huỳnh ấy có dáng vẻ rất đơn giản, giống cái lọ, cho mỡ động vật vào thắp sáng, tim đèn làm bằng vỏ cây. Tôi có được nó nhờ mua cả cái mộ chum Sa Huỳnh, bên trong có cả các hũ, lọ, chậu hoa, được chôn dưới đất hàng ngàn năm. Mộ chum thì tôi quen lắm, người ta giới thiệu là tôi biết liền.

Nhiều người thắc mắc rằng, bảo quản đèn cổ có cần điều kiện gì đặc biệt không, thưa cha?

Chỉ cần giữ gìn đừng để xô lệch, đổ vỡ thôi, không làm gì đặc biệt.

Và vì sao thú sưu tập lại là cây đèn chứ không phải thứ gì khác?

Trước hết là nhờ vào văn học. Nào là Tắt đèn, Ngọn đèn dầu lạc, truyện thời danh Lục Vân Tiên “Trước đèn đọc truyện Tây Minh”. Truyện Kiều nhắc nhiều tới đèn, sách hay, đọc dưới đèn, cảo thơm lần giở trước đèn… Tôi đi tu, đọc Thánh kinh từ bé cũng thấy nhắc nhiều tới đèn, nó biểu tượng cho đời sống thánh thiện, minh bạch. Chúa cũng nói, các con là ánh sáng thế gian… Ca dao tục ngữ cũng vậy, gần mực thì đen, gần đèn thì sáng; thông minh gọi là sáng dạ… Từ văn học, đời sống, cho đến Thánh kinh, tục ngữ ca dao… Tôi thấy cây đèn có nhiều ý nghĩa quá, sách đi đôi với đèn, nó còn là ánh sáng trí tuệ.

Một dạo nghe nói cây đèn sứ Trung Hoa, cây đèn Pháp chóa thủy tinh chân cẩm thạch giá tới gần 100 triệu đồng, cha mê lắm nhưng đắt quá nên chưa mua được, bây giờ số phận chúng ra sao rồi?

Tôi đã cố gắng mua được rồi. Cây đèn sứ Trung Hoa nằm trong bộ sưu tập đèn cuối đời Thanh, rất hiếm, đúc nguyên. Cây đèn chóa da cọp cao gần một mét, đắt lắm, vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, của những gia đình người Pháp giàu có.

Cái thú thưởng thức đèn cổ, ngồi dưới ánh sáng của chúng hẳn là có gì đó đặc biệt…

Thú sưu tầm là giữ gìn văn hóa, các kỷ vật của người xưa, một hình thức biết ơn tiền nhân. Cây đèn đã qua bao nhiêu người dùng. Ngày xưa chỉ có đèn dầu là nhất, có lúc đốt bằng mỡ trăn, mỡ chuột. Nước ta bốn ngàn năm văn hiến rồi mà. Mình sưu tầm, như góp phần tiếp tục giữ ngọn lửa. Còn thưởng thức thì trước tiên nhìn đèn cũng như nhìn thấy lịch sử hàng trăm, hàng ngàn năm. Đời người ngắn ngủi, so với thời gian đối diện với chứng tích của cây đèn cổ thì mình còn kém rất xa. Tôi nhớ lời một anh bạn chơi với nhau đã bốn mươi năm, thường cùng nhau ra đường Lê Công Kiều ngắm tìm đồ cổ. Anh ấy dẫn lời một người Anh nói về thú chơi đồ cổ. Rằng người chơi đồ cổ là người yêu đời nhất, cũng là người chán đời nhất, là người yêu nước nhất và đầu tư được vốn liếng lớn nhất. Có khi thu lợi bất ngờ.

Yêu đời nhất thì có thể suy đoán được, còn vì sao lại là chán đời nhất? Có phải do chỉ đắm chìm vào quá khứ mà quên sống thực tại không?

Không phải. Yêu đời nhất là thế này: dù anh có làm lớn đến đâu, giàu có đến đâu, cái gì cũng có, nhưng chắc chắn không thể có cái đèn Sa Huỳnh 2.500 năm của tôi. Niềm tự hào học theo kiểu cụ Tản Đà, “ta cũng hơn ai cái cảnh nghèo”, đó là “không ai bằng mình”. Đại gia mang tiền tới, chưa chắc tôi đã bán cho. Còn chán đời nhất là do so sánh, “mày hãy còn đây, mày sống lâu, như cái đèn Đông Sơn đã 2.000 năm, còn thân tao sắp phải chia ly mày rồi”, đó là đau đớn nhất. Yêu nước nhất, là gìn giữ không để chảy máu cổ vật. Không phải “la oai oái” như bây giờ ai sang Thổ Nhĩ Kỳ mà rinh cái bình củ tỏi gốm Chu Đậu về được không? Cái bình mà nhờ nó, chúng ta đã tìm ra được cả nguồn gốc nghề gốm Chu Đậu của ông cha. Nếu mình giữ cho văn hóa còn thì đất nước còn, văn hóa mất thì mình mất. Tôi nghĩ mỗi công dân đều có bổn phận đó.

Thế còn “nhà đầu tư” và những bất ngờ giá cả?

Đầu tư tiền bạc thì phải có, nhưng với tôi, không có ý nghĩa làm giàu. Một người bạn kể câu chuyện hay xảy ra trong giới sưu tầm cổ vật mà anh chứng kiến vào một buổi chiều trên đường Đồng Khởi. Có một người ở miền Tây lên bán cái lọ đất nung. Chủ hàng không muốn mua, trả tới trả lui mới mua được 50 ngàn đồng. Chỉ lát sau, một khách Trung Quốc vào ngắm nghía, soi chụp kỹ lắm, chủ nhà biết là “dân máu mua” nên hét giá thật cao, cuối cùng bán được 13 cây vàng! Những chuyện ấy là may rủi thôi. Nói về đầu tư gặp may thì ai cũng đã nghe câu chuyện anh cày ruộng ở Mỹ tìm được đồng tiền vàng từ năm 1932 loại không phát hành, các nhà khảo cổ đánh giá tới 7 triệu rưỡi đô. Rồi chuyện con tem 2 xu có hình bà Victoria, thế giới chỉ có một cái. Đó là những chuyện ly kỳ về chơi đồ cổ. Riêng tôi, tôi không gặp chuyện gì bất ngờ liên quan đến tiền bạc.

Nhưng chuyện kỷ niệm đáng nhớ lúc đi sưu tầm thì cha có nhiều chứ?

Nhiều, nhưng tôi lại thích những kỷ niệm đơn giản mà hồi hộp. Khoảng năm 2003 ra Hà Nội, đi chơi Nghi Tàm với anh bạn, bất ngờ gặp một lúc ba cây đèn quý, một của Đông Sơn, một của Bát Tràng và một cây đèn thủy tinh. Túi không đủ tiền, may mà có anh bạn cho mượn, nhưng cái cảm giác choáng váng khi thấy chúng và sự “hú hồn” suýt không mua được bữa ấy thật khó quên.

Như tất cả những người sưu tầm cổ vật luôn nghĩ tới tương lai cho những cổ vật suốt đời mình sưu tập, cha đã nghĩ tới chưa?

Tôi sẽ hiến cho Giáo hội quản lý để cho mọi người thưởng thức. Nhiều hiện vật của tôi đã biếu, ở Huế, La Vang, ai cũng có thể vào xem. Hiện nay, bộ Truyện Kiều đồ sộ đã đưa ra rồi. Ở dòng Thiên An, có cả thủ thư, vì Đức cha ở đó có ý định làm thư viện về Cố cả Léopold Michel Cadière (linh mục năm 1892 lúc 23 tuổi, sang Việt Nam làm mục vụ tại giáo phận Huế. Là người sáng lập Hội Đô thành hiếu cổ quy tụ 40 nhà nghiên cứu Pháp – Việt. Ông để lại 245 sách, khảo luận nghiên cứu Việt Nam). Ở TP. Hồ Chí Minh, cách đây mấy năm tôi có hiến vào Nhà truyền thống Giáo phận Thành phố ở đường Tôn Đức Thắng, đã trưng bày nhiều tượng, ảnh, đồ cổ về văn hóa dân tộc, tôn giáo. Có cả bộ đèn mang tên “Ánh sáng muôn dân” 960 cái, khách du lịch Đông – Tây đều thích. Đèn từ thời Đông Sơn đến thế kỷ XX, cái non nhất là cái có trước 1975. Đáng tiếc là nhân sự người quản lý chưa được ổn định.



Cha còn viết rất nhiều, tới hàng chục cuốn sách nhỏ mang tên Những suy nghĩ vẩn vơ về rất nhiều vấn đề thời cuộc sâu sắc, gắn bó với đời sống hằng ngày. Cha có định xuất bản như các tác phẩm đồ sộ của Đức cha Bùi Tuần được nhiều người hoan nghênh?

Đức cha Bùi Tuần là bậc lớn, cây bút lớn. Những suy nghĩ của tôi, muốn như những lời tâm sự chuyện đạo lẫn chuyện đời, in rất nhỏ, là loại chia sẻ với mọi người, biếu tặng đọc chơi chứ không in ra để bán.

Cha viết nhiều “suy nghĩ vẩn vơ” về thời cuộc, vậy vấn đề xã hội nào khiến cha bức xúc nhất?

Đó là vấn đề công bằng. Còn nhiều cảnh bất công quá. Chúng ta phải cố gắng làm sao giảm bớt bất công, bởi nếu sống trong bất công thì cũng không sao có hạnh phúc được.

Cha vào Nam năm 1954, lúc mới chín tuổi, xa mãi quê hay có khi nào về lại thăm gia đình?

Gia đình tôi đã sống ở nhiều nơi kể từ khi vào Nam, cặp cảng Sài Gòn. Đó là Bình Xuyên, Bến Cát, Sóc Trăng, Hố Nai, Trảng Bom, Tam Hiệp. Tôi có trở lại thăm quê ở Hải Dương, như mọi nơi trên đất nước, quê hương tôi cũng khác xưa nhiều lắm.

Là người bận rộn, nhưng thường dân chơi đồ cổ hay có “hội” trao đổi ý kiến, sở thích, đánh giá, cha có tham gia hội nào không?

Có chứ. Hội Cổ vật TP. Hồ Chí Minh đông tới cả trăm thành viên, họp hằng tháng. Câu lạc bộ sách Xưa và nay cũng thường họp ở đây. Ở cái bàn trà này, một tuần cũng có tới năm tối, anh em tới uống trà, nói chuyện, bình luận, giao lưu, chuyện của những dân “ghiền đồ cổ” mà, vui lắm.

Xin cảm ơn cha


Theo Vietnamnet.vn

Lê Hồng Bảo
(Nha Trang)

Có lúc ta cặm cụi
Làm thơ để dối lòng
Đôi khi ta rong ruổi
Dối cuộc đời long đong

Mưa có khi tiêu sái
Giả bong bóng phập phồng
Chiều có khi nắng quái
Giả trời trưa khật khùng

Biển nhiều phen dậy sóng
Nên suối giả vờ sông
Mây vờ như phiêu lãng
Núi chập chùng ngóng trông

Vỉa hè chân ai bước
Cho phố giả vờ đông
Bụi đường vờ vương vấn
Mắt em còn cay không?

Gặp em ta giả tỉnh
Xa rồi mới mỏi mong
Em giả như không biết
Để Trời còn bất công!

Quán trưa mùa vắng khách
Khói thuốc vờ mênh mông
Cà phê buông chầm chậm
Vờ đếm giọt hư không

Thôi cứ vờ thanh thản
Dù đời đầy bão giông
Một mai ta cát bụi
Biết đâu em thật lòng!

________________________

Lê Đình Bảng

Thôi, dọn lòng không, như mộ trống

Tiếc gì rơi rớt những vàng hương

Đời cho bao dấu đinh gai nhọn

Đau xé lòng nhau, rướm máu hường

 

Bởi giữa sinh ly và tử biệt

Từ trong còn mất, nẻo vô thường

Về đâu, trăng xế ngang đầm lạnh

Giọt nước cành dương, ai xót thương?

 

Khóc đã đằm lưng vai áo nhặm

Ơn trời, ơn đất, gạo thành cơm

Mùa Chay, lại một mùa Chay nữa

Cây biết đau và lá biết buồn

 

Là những dấm chua và mật đắng

Từng đêm canh thức đợi hừng đông

Nào ai thả lưới buông câu, nhỉ

Có để thuyền neo đậu bến trong?

 

Đôi lúc, bởi ơ hờ, nguội lạnh

Con mơ hồ giữa có và không

Lòng tin hóa phong rêu, cằn cỗi

Hỏi Chúa còn yêu con nữa không?

 

Con biết mình khô khan, yếu đuối

Nhưng hằng tin được rỗi linh hồn

Từ trong giọt máu sau cùng ấy

Đã nhú chồi xanh mưng búp non

 

Lạy Chúa, chiều nay chân gối mỏi

Nhọc nhằn lên dốc núi chon von

Bài ca ai hát Exsultet

Có phải là lời Chúa gọi con?

(Trích: Có một vườn thơ đạo 3)

___________________________________

+ Ban Giám khảo Giải văn thơ Linh mục Đặng Đức Tuấn đã hoàn tất việc chấm giải năm nay vào chiều 19-5-2017. Xin chúc mừng các bạn đã đạt giải có tên trong danh sách dưới đây. Thứ hạng các giải thưởng sẽ được công bố trong lễ trao giải tổ chức vào tối 18-7-2017 tại Chủng viện Qui Nhơn, trong Hội trại hành hương đón chào Năm thánh Giáo phận.

+ Nhiều bạn tuy không đạt giải nhưng có bài viết đạt điểm khá. Để tưởng thưởng, những bạn có điểm tổng kết từ trung bình trở lên tiếp sau những bài đạt giải sẽ nhận được quà tặng khích lệ đồng đều là tuyển tập Lá Thư Đêm Noel của Nhà xuất bản Kim Đồng. Danh sách các bạn sẽ được đăng trên trang mạng của Câu lạc bộ. Ban biên tập cũng sẽ chọn những bài viết khá đưa lên blog Mục Đồng.

+ Đặc biệt, tiến vào Năm thánh Giáo phận, để tạo thuận lợi cho những bạn đã đạt giải từ những năm đầu, cho cả những bạn chưa bao giờ dự thi và cả những tác giả nhỏ tuổi đang ôn luyện chờ ngày đạt giải, Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Giáo phận đã ban phép thực hiện Tập san MỤC ĐỒNG, ấn hành mỗi năm 4 tập, và một không gian mở cho những người yêu thích văn thơ là Blog MỤC ĐỒNG, tại điện chỉ www.tapsanmucdong.net

+ Ấn phẩm Tập san MỤC ĐỒNG số 1 đã được phát hành rộng rãi đến các giáo xứ và giáo họ biệt lập trong Giáo phận, mỗi nơi 10 quyển. Các thành viên CLB Đồng Xanh Thơ Qui Nhơn và cả những bạn chưa là thành viên nhưng có bài dự thi giải Đặng Đức Tuấn năm nay cũng được tặng một quyển.

+ Ấn phẩm Tập san MỤC ĐỒNG sẽ dành 20% số trang cho các cây bút lứa tuổi sinh viên - học sinh. Các thành viên CLB có bài đăng ở đây cũng được hưởng nhuận bút như nhuận bút Hoa Biển.

+ Góc “Hương cỏ non” của Blog MỤC ĐỒNG cũng đón chào bài viết của các cây bút lứa tuổi sinh viên - học sinh, cả văn và thơ. Xin gửi bài về <tapsanmucdong@gmail.com>, nhớ ghi rõ tên thánh, họ và tên, năm sinh và giáo xứ. Các thành viên CLB có bài đăng ở đây cũng được hưởng nhuận bút bằng 50% nhuận bút Hoa Biển.

+ CLB Đồng Xanh Thơ Qui Nhơn chỉ dành riêng cho các bạn trẻ thuộc giáo phận Qui Nhơn. Những bạn hiện chưa là thành viên CLB khi có đủ 3 bài đăng trên Hoa Biển hay ấn phẩm MỤC ĐỒNG, hoặc 6 bài trên Blog MỤC ĐỒNG (hoặc tính tương đương: 1 bài trên báo giấy = 2 bài trên báo mạng), có thể làm đơn gia nhập Câu lạc bộ Đồng Xanh Thơ Qui Nhơn.

Hy vọng cả ấn phẩm và trang mạng MỤC ĐỒNG sẽ giúp sinh hoạt CLB tiến mạnh. Từ nay, các tin tức và và thông báo về sinh hoạt của CLB, mời các bạn theo dõi trên blog MỤC ĐỒNG, tại góc Câu lạc bộ Đồng Xanh Thơ Qui Nhơn.

Tm Ban Điều Hành CLB ĐXT QN

Tađêô Nguyễn Thanh Xuân

DANH SÁCH TÁC GIẢ ĐẠT GIẢI

GIẢI VĂN THƠ LM ĐẶNG ĐỨC TUẤN LẦN VIII – 2017

* Phú Hữu: Agata Võ Quỳnh Như - Anê Nguyễn Thị Cẩm Lụa - Maria Nguyễn Huỳnh Yến Tiên - Matta Nguyễn Thị Thúy Vi - Xêxilia Lê Thị Thu Na.

* Vườn Vông: Anê Lê Thị Thanh Hà - Maria Nguyễn Thị Mỹ Thơ.

* Cây Rỏi: Anna Nguyễn Hải Hòa - Anna Thái Thị Diễm Yến - Anna Thái Thị Thu Giang - Inhaxi Ô Kiều Quang Nhân - Luxia Trương Thị Diễm Phúc - Mađalêna Trần Nguyễn Quỳnh Giao - Maria Đoàn Thị Ái Thoa - Maria Trần Thị Mỹ Hạnh - Matta Thái Thị Diễm My - Matta Trần Thị Huyền Trang - Têrêxa Thái Thị Mỹ Trà - Têrêxa Trần Nguyễn Vy Xuyên.

* Trường Cửu: Anna Nguyễn Thảo Nhi - Gioakim Nguyễn Hoàng Hiệp - Anna Nguyễn Thị Lan Phương.

* Phú Hòa: Anna Nguyễn Thị Hậu - Isave Lê Thị Phương Linh - Maria Huỳnh Thị Ngọc Bích - Matta Võ Thị Kim Yến - Matta Võ Thị Thu Uyên - Matta Võ Trịnh Như Quỳnh.

* Ngọc Thạnh: Anna Nguyễn Thị Thanh Trà - Gioakim Nguyễn Minh Quân - Maria Nguyễn Thanh Ánh Đông - Maria Nguyễn Thị Thúy Hồng.

* Xuân Quang: Anna Nguyễn Trần Ngọc Châu - Maria Lê Minh Ngọc - Maria Thái Hoàng Thảo Vy - Tôma Nguyễn Hoàng Anh Vũ.

* Gò Thị: Giuse Lê Nguyễn Minh Hoàng Hiếu.

* Mằng Lăng: Isave Phạm Thị Kim Quanh.

* Tuy Hòa: Maria Lê Thị Quỳnh Nga - Maria Nguyễn Thị Trúc Như - Maria Trần Thị Kim Dung - Matta Mai Thị Kim Cúc - Têrêxa Đậu Cao Hoàng Nhi - Têrêxa Nguyễn Thị Kim Khánh Vi.

* Cù Lâm: Maria Nguyễn Thị Hồng Diệu - Maria Nguyễn Thi Minh Thư.

* Tân Quán: Maria Phan Nguyễn Cẩm Nhung .

____________________________________________________________

DANH SÁCH NHỮNG BẠN ĐƯỢC NHẬN QUÀ KHÍCH LỆ

GIẢI VĂN THƠ LM ĐẶNG ĐỨC TUẤN 2017

A. BỘ MÔN THƠ NHI ĐỒNG

1. Giuse Trần Nhật Hào (Ngọc Thạnh)

2. Luxia Trần Cao Khánh Linh (Ngọc Thạnh)

3. Phaolô Trần Vĩnh Phú (Vườn Vông)

4. Phanxicôxaviê Đào Minh Trung Nghĩa (Phú Hòa)

5. Têrêxa Nguyễn Thị Kim Trà (Phú Hòa)

6. Têrêxa Nguyễn Thị Kim Nương (Phú Hòa)

7. Phaolô Nguyễn Ngọc Tường Văn (Phú Hòa)

8. Catarina Cao Quỳnh Trường Nhi (Tuy Hòa)

B. BỘ MÔN THƠ THIẾU NIÊN

1. Phêrô Kiều Tấn Lực (Cây Rỏi)

2. Anna Lê Thị Hồng Đào (Cây Rỏi)

3. Maria Nguyễn Thị Trà My (Cây Rỏi)

4. Anna Hồ Thị Thúy Thy (Cây Rỏi)

5. Luxia Huỳnh Thị Kim Thương (Cây Rỏi)

6. Têrêxa Nguyễn Thị Kim Khánh Vi (Tuy Hòa)

7. Maria Trịnh Thị Hiền (Tuy Hòa)

8. Mara Trịnh Thị Mỹ Phương (Tuy Hòa)

9. Têrêxa Lê Thị Mỹ Duyên (Tuy Hòa)

10. Maria Nguyễn Thị Kim Lan (Tuy Hòa)

11. Maria Bùi Thị Mỹ Duyên (Gia Chiểu)

12. Anê Nguyễn Thị Thu Hiền (Phú Hòa)

13. Simon Đỗ Quang Nhật (Phú Hòa)

C. BỘ MÔN VĂN NHI ĐỒNG

1. Phêrô Hồ Quốc Việt (Cây Rỏi)

2. Anna Võ Trần Ái My (Mằng Lăng)

3. Anê Đào Minh Hoàng Thục (Tuy Hòa)

4. Phêrô Lê Văn Lộc (Phú Hòa)

5. Maria Bùi Thị Ngọc Khuê (Phú Hòa)

6. Simon Lê Quang Long (Phú Hòa)

7. Luxia Bùi Châu Tuyên (Phú Hòa)

D. BỘ MÔN VĂN THIẾU NIÊN

1. Maria Nguyễn Thị Kim Lan (Tuy Hòa)

2. Anna Phạm Thị Triều Viễn (Tuy Hòa)

3. Maria Trịnh Thị Hiền (Tuy Hòa)

4. Vêrônica Đoàn Thị Kim Anh (Tuy Hòa)

5. Maria Huỳnh Thị Diễm Quỳnh (Cây Rỏi)

6. Luxia Trương Thị Diễm Phúc (Cây Rỏi)

7. Maria Lê Minh Thư (Trường Cửu)

8. Phêrô Ngô Đức Thịnh (Trường Cửu)

9. Anna Nguyễn Trần Ngọc Châu (Xuân Quang)

10. Maria Nguyễn Thị Mỹ Thơ (Vườn Vông)

11. Matta Bạch Cao Thanh Thúy (Phú Hòa)

12. Matta Võ Trịnh Như Quỳnh (Phú Hòa)

13. Maria Nguyễn Thị Hoài Bão (Phú Hòa)

14. Maria Đậu Thị Trúc Ly (Tuy Hòa)

15. Anna Trần Thị Kiều Oanh (Vườn Vông)

_________________________________________

CÂU LẠC BỘ ĐỒNG XANH THƠ QUI NHƠN

Bảng Điểm Tích Lũy Vào Đại Học – Cập nhật tháng 05-2017

+ Tài khoản của bạn được tính thành điểm. Cuối giải Đặng Đức Tuấn VII - 2016, mỗi điểm tương ứng với 3.000 VND – Trị giá các điểm sẽ tăng dần tùy theo sự giúp đỡ của các ân nhân.

+ Số điểm của các bạn dưới đây tính đến sinh hoạt hết tháng 5-2017.

+ Bạn nào thấy điểm mình bị tính sai, xin thông báo để điều chỉnh.

+ Những điểm màu đỏ: mới cập nhật.

TÊN THÁNH, HỌ

TÊN

NĂM SINH

GIÁO XỨ

HB 23

Tổng kết

1/2017

HB

24

Tổng kết mới

01

Maria Huỳnh Thị Ngọc

Bích

2000

Phú Hòa

 

1.000

 

02

Anna Nguyễn Trần Ngọc

Châu

2001

Xuân Quang

 

500

   

03

Maria Nguyễn Thị Hồng

Diệu

2003

Cù Lâm

 

1.300

   

04

Maria Trần Thị Kim

Dung

2002

Tuy Hòa

 

450

   

05

Maria Bùi Thị Mỹ

Duyên

2001

Gia Chiểu

 

200

50

250

06

Maria Ngô Thùy

Duyên

2000

Ngọc Thạnh

150

1.000

50

1.050

07

Têrêxa Lê Thị Mỹ

Duyên

1999

Tuy Hòa

150

600

50

650

08

Anna Lê Thị Hồng

Đào

1999

Cây Rỏi

 

400

   

09

Maria Nguyễn Thanh Ánh

Đông

2006

Ngọc Thạnh

 

200

   

10

Anê Thái Thị Thu

Giang

2001

Cây Rỏi

 

2.750

50

2.800

11

Anê Lê Thị Thanh

1999

Vườn Vông

100

700

100

800

12

An1na Vy Nguyễn Mai

Hạ

2001

Phú Hòa

 

750

   

13

Maria Trần Thị Mỹ

Hạnh

2000

Cây Rỏi

100

1775

100

1.875

14

Maria Trịnh Thị

Hiền

 

Tuy Hòa

50

1050

50+50

1.150

15

Gioakim Nguyễn Hoàng

Hiệp

2000

Trường Cửu

50

550

150

700

16

Anna Nguyễn Hải

Hòa

1999

Cây Rỏi

50

2075

150

2.225

17

Maria Nguyễn Thị Thúy

Hồng

2005

Ngọc Thạnh

50

450

50

500

18

Anna Nguyễn Thị Mỹ

Huyền

2004

Gò Thị

 

200

   

19

Maria Nguyễn Thị Kim

Lan

 

Tuy Hòa

100

100

   

20

Isave Lê Thị Phương

Linh

2000

Phú Hòa

 

1450

   

21

Anê Nguyễn Thị Cẩm

Lụa

2002

Phú Hữu

 

950

   

22

Phêrô Kiều Tấn

Lực

1999

Cây Rỏi

50

700

   

23

Madalena Huỳnh Võ Cẩm

Ly

2002

Vườn Vông

 

200

   

24

Têrêxa Nguyễn Thị

Mận

1999

Cây Rỏi

 

1.600

100

1.700

25

Anê Nguyễn Thị Thảo

My

2001

Quảng Ngãi

 

1.700

   

26

Matta Nguyễn Thị Aí

My

2000

Phú Hòa

50

400

   

27

Mátta Thái Thị Diễm

My

2000

Cây Rỏi

50

2.025

   

28

Maria Nguyễn Thị Trà

My

2001

Cây Rỏi

50

2025

   

29

Maria Lê Thị Quỳnh

Nga

 

Tuy Hòa

150

1.100

50

1.150

30

Matta Vy Nữ Kiều

Ngân

1999

Phú Hòa

 

450

   

31

Maria Lê Minh

Ngọc

2002

Xuân Quang

150

1.250

100

1.350

32

Maria Lê Thị Thu

Nhã

2001

Phú Hữu

 

850

   

33

Phêrô Hồ Hoài

Nhân

2002

Vườn Vông

 

200

   

34

Catarina Cao Quỳnh Trường

Nhi

2005

Mằng Lăng

150

150

   

35

Têrêxa Đậu Cao Hoàng

Nhi

2000

Tuy Hòa

150

550

200+50

800

36

Anna Nguyễn Thảo

Nhi

2000

Trường Cửu

 

1.200

100

1.300

37

Agata Võ Quỳnh

Như

2002

Phú Hữu

 

200

   

38

Maria Phan Nguyễn Cẩm

Nhung

1999

Tân Quán

200

1.175

200

1.375

39

Anê Nguyễn Thị

Nữ

2001

Châu Me

 

1.200

   

40

Anê Nguyễn Hạnh

Nữ

2001

Vườn Vông

 

800

   

41

Phaolo Trần Vĩnh

Phú

2003

Vườn Vông

 

200

   

42

Luxia Trương Thị Diễm

Phúc

2001

Cây Rỏi

50

1.650

150

1.800

43

Anna Nguyễn Thị Lan

Phương

 

Trường Cửu

100

950

100

1.050

44

Maria Huỳnh Thị Lan

Phương

1999

Châu Me

 

550

   

45

Isave Phạm Thị Kim

Quanh

1999

Mằng Lăng

 

1.000

   

46

Maria Huỳnh Thị Diễm

Quỳnh

1999

Cây Rỏi

 

1.750

100

1.850

47

Maria Nguyễn Thị Như

Quỳnh

1999

Chợ Mới

 

700

   

48

Matta Võ Trịnh Như

Quỳnh

2001

Phú Hòa

 

1.000

   

49

Anre Võ Thành Hoàng

Sơn

2001

Bàu Gốc

 

250

50

300

50

Gioakim Nguyễn Đức

Tài

2000

Vườn Vông

 

650

   

51

Phero Phạm Đình Phi

Thái

1999

Tân Quán

150

900

150

1.050

52

Maria Huỳnh Thị Dạ

Thảo

1999

Châu Me

 

700

   

53

Maria Đoàn Thị Ái

Thoa

2003

Cây Rỏi

150

650

50

700

54

Maria Nguyễn Thị Mỹ

Thơ

2002

Vườn Vông

 

600

100

700

55

Maria Nguyễn Thị Minh

Thư

2001

Cù Lâm

 

1.500

   

56

Maria Lê Minh

Thư

2001

Trường Cửu

100

700

100

800

57

Luxia Huỳnh Thị Kim

Thương

2000

Cây Rỏi

 

1.500

   

58

Anna Hồ Thị Thúy

Thy

2000

Cây Rỏi

 

675

50

725

59

Anna Nguyễn Thị Thanh

Trà

2003

Ngọc Thạnh

 

950

100

1.050

60

Têreexxa Thái Thị Mỹ

Trà

2002

Cây Rỏi

100

800

   

61

Matta Trần Thị Huyền

Trang

2000

Cây Rỏi

50

1.275

   

62

Maria Nguyễn Thị Huyền

Trang

2003

Tuy Hòa

     

63

Maria Nguyễn Ngọc Nhã

Trân

2002

Kim Châu

 

800

   

64

Maria Võ Thị Kim

Trâm

 

Chợ Mới

 

450

   

65

Matta Võ Thị Thu

Uyên

1999

Phú Hòa

100

2.500

   

66

Toma Nguyễn Hoàng Anh

1999

Xuân Quang

50

600

   

67

Inhaxiô Nguyễn Hoàn

2003

Quảng Ngãi

 

200

   

68

Tê rê xa Nguyễn Thị Kim Khánh

Vy

 

Tuy Hòa

50

1.400

50

1.450

69

Catarina Cao Thị Tường

Vy

2000

Mằng Lăng

150

400

   

70

Têrêxa Trần Nguyễn Vy

Xuyên

2003

Cây Rỏi

 

1.100

150

1.250

71

Maria Phan Thị Thu

Ý

2000

Bàu Gốc

 

1.200

   

72

Matta Võ Thị Kim

Yến

2001

Phú Hòa

100

2.025

200

2.225

73

Anna Thái Thị Diễm

Yến

2002

Cây Rỏi

100

1.550

   

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget