tháng 4 2017

Làn khói trắng vấn vương
Năm phụng vụ kết thúc
Nhìn lại một bước đường
Niên thánh đầy ân phúc.

Trong đêm khuya thổn thức
Biết bao tội tình qua
Ngỡ sống đời công trực
Lòng gian dối ngã sa.

Hồn con tựa sa mạc
Chúa thương tưới ơn lành
Khoác vào tấm áo mới
Nhú lên muôn mầm xanh.

Khắp vũ trụ trời đất
Giao hòa hợp xướng ca
Cùng thiên thần các thánh
Quê Trời - chung một Cha.

MARIA HUỲNH THỊ THU HƯƠNG (Gx. Cây Rỏi)


LỜI GIỚI THIỆU TẬP SAN MỤC ĐỒNG
của Đức Giám mục Giáo phận Qui Nhơn
Giáo phận Qui Nhơn đang tiến gần đến Năm Thánh sẽ khai mạc vào ngày 26 tháng 07 năm 2017 và bế mạc vào ngày 26 tháng 07 năm 2018, kỷ niệm 400 năm hạt giống Tin Mừng lần đầu tiên được gieo vào lòng đất giáo phận tại Nước Mặn vào tháng 07 năm 1618, do các thừa sai Dòng Tên. Vào thời kỳ ấy, Nước Mặn vừa là trung tâm truyền giáo, vừa là cái nôi của chữ quốc ngữ, và kể từ đó văn chương công giáo bằng quốc ngữ đã trở thành một trong những phương tiện hữu hiệu để rao giảng Tin Mừng trên quê hương Việt Nam.
Để chuẩn bị cho biến cố trọng đại này, trong thập niên qua Tủ sách Nước Mặn của giáo phận Qui Nhơn đã hình thành và tính đến nay có 32 đầu sách đã được phát hành. Ban Văn Hóa của giáo phận cũng đã tổ chức các chương trình đào tạo tài năng văn thơ cho giới trẻ, để giới trẻ công giáo tiếp nối sự nghiệp của các bậc cha anh trong việc vận dụng khả năng truyền đạt của tiếng Việt vào công cuộc truyền bá Tin Mừng. Các chương trình này hằng năm đã thu hút sự tham gia nhiệt tình của nhiều cây bút trẻ, không những trong giáo phận Qui Nhơn, mà còn trong cả nước. Nhiều giải thưởng đã được trao tặng để khẳng định tài năng và nhiều tác phẩm đã được ấn hành để gửi đến các độc giả gần xa như một món quà chia sẻ.
Giờ đây, đứng trước thềm Năm Thánh giáo phận, Ban Văn Hóa muốn mở ra một sân chơi mới cho các bạn trẻ thích văn thơ qua Tuyển tập Văn thơ Công giáo MỤC ĐỒNG sẽ được phát hành vào mỗi mùa trong năm, với sự tham gia đóng góp của các tác giả trẻ trong cả nước. Cũng như các mục tử trên cánh đồng Bêlem ngày xưa, sau khi gặp gỡ Hài nhi Giêsu đã trở về, "vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe" (Lc 2,20), các bạn trẻ tham gia Tuyển tập Văn thơ Công giáo Mục Đồng hôm nay cũng sẽ dùng ngọn bút của mình, để hân hoan kể lại cho mọi người về Đức Giêsu mà họ gặp gỡ trong cánh đồng cuộc sống.
Để Tuyển tập Văn thơ Công giáo Mục Đồng này trở thành một sân chơi mới ngày càng mở rộng và thêm chất lượng, tôi tha thiết mời gọi các bạn trẻ tham gia đóng góp các tác phẩm tâm đắc của mình. Tôi cũng trân trọng giới thiệu Tuyển tập này với quí độc giả xa gần, ước mong được quí độc giả nhiệt tình đón nhận, ủng hộ và khuyến khích.
Qui Nhơn, Tết Đinh Dậu 2017
+ Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Giám mục Giáo phận Qui Nhơn





LÁ THƯ MỤC ĐỒNG
(Mục Đồng tự giới thiệu)

Xin thân ái chào các bạn trẻ. Qua 8 năm phục vụ, chúng tôi được biết có rất nhiều bạn trẻ Công giáo yêu thích văn thơ. Nhiều bạn đã quen các cuộc thi do Ban Văn hóa và Giáo dục Giáo phận Qui Nhơn tổ chức, thế nhưng nhiều bạn khác không có điều kiện tham gia. Nhiều bạn đã đọc các tuyển tập thơ văn của Giải văn thơ Linh mục Đặng Đức Tuấn và Giải Viết Văn Đường Trường hoặc những sách vở khác của Tủ sách Nước Mặn, nhưng nhiều bạn không có cơ hội tiếp cận những ấn phẩm ấy.

Để đáp ứng nhu cầu của bạn trẻ khắp nơi, nhân dịp Giáo phận Qui Nhơn tiến vào Năm thánh kỷ niệm 400 năm Tin mừng đến trên quê hương Nước Mặn, trang Mục Đồng này sẽ là sân chơi dành cho tất cả các bạn trẻ yêu văn thơ, để các bạn có thể đến với Chúa Cứu Thế Giêsu và đến với nhau qua văn thơ.

Chúng tôi thân ái chào đón sự tham gia của tất cả các bạn. Sẽ có góc dành cho những sáng tác mới của các bạn. Cũng có góc chuyên đề và sự kiện giới thiệu với bạn những hoạt động thơ văn Công giáo đó đây. Có góc dành cho bạn thích nghe nhạc, có góc giúp bạn đến thăm những chân trời mới lạ trên cánh đồng Dân Chúa. Cũng có góc dành cho tâm sự của người chăn chiên và của tiếng gọi. Cả những bạn nhí cũng có thể tìm gặp mình tại góc Hương cỏ non nữa nhé.

Khoảng ba tháng một lần, Mục Đồng sẽ ấn hành một tuyển tập, như Mục Đồng số ra mắt với lời giới thiệu của Đức Giám mục Giáo phận Qui Nhơn dưới đây.

Mời các bạn cùng ghé thăm, thưởng thức và hơn nữa, mời các bạn cùng tham gia cuộc chơi văn thơ. Khi tham gia, bạn đừng quên tự giới thiệu tên thánh, tuổi, giáo xứ và giáo phận của mình nhé.

Mến chúc các bạn đầy tràn ân sủng, tình yêu, bình an và niềm vui của Chúa Kitô Phục sinh.

Thay lời Ban Văn hóa và Giáo dục Giáo phận Qui Nhơn,

Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh

Con dâng lên cho Chúa
Một mảnh đất khô cằn
Mong suối nguồn thánh ân
Tuôn đổ làm tươi mát.

Con dâng lên cho Chúa
Một mảnh đời lang thang
Mong Ngôi Lời ủi an
Nụ cười thay nước mắt.

Con dâng lên cho Chúa
Một trái tim nhỏ nhen
Mong mưa gội hờn ghen
Để quảng đại tha thứ.

Con dâng lên cho Chúa
Một trái tim tự kiêu
Mong lửa bừng tin yêu
Quên mình mà phục vụ.

Con dâng lên cho Chúa
Một tâm tình đơn sơ
Gửi kèm vài ý thơ
Đón chờ ngày Chúa đến.


TÔMA NGUYỄN HOÀNG ANH VŨ (Gx. Xuân Quang)

Maria, Mẹ con ơi!
Đẹp xinh diễm phúc rạng ngời hào quang.
Mary, Mẹ khắp nhân gian,
Con xin hát khúc ca vang về Người.
Nụ hoa dâng Mẹ thắm tươi,
Tỏa lòng thành kính thay lời tạ ơn.
Con sai không chút giận hờn,
Mẹ thương tha thứ yêu hơn mỗi ngày.
Dạy con lẽ phải điều hay,
Hướng lòng mến Chúa hăng say tông đồ.
Rao lời Chúa khắp thành đô,
Ai ai cũng biết Kitô nhân lành.
Hiến dâng phục vụ chân thành,
Noi gương theo Mẹ, em anh sum vầy.
Nhờ Mẹ ơn Chúa tràn đầy,
Đoàn con hưởng phúc, sớm ngày bình an.
Đường đời lắm lúc gian nan,
Nguyện xin Mẹ giúp ủi an tâm hồn.
"Mary", Mẹ của riêng con,
Bên con mọi lúc, để con tựa vào!

ANÊ TRẦN THỊ CẨM LỆ
(Gx. Kiên Ngãi)

Xóm Ca Tô nằm bên sườn Tây của ngọn núi U Num. Đó là một xóm đạo có truyền thống lâu đời, nghe đâu được lập từ tận thời của các Cố Tây. Được huấn luyện theo truyền thống nhà đạo, cư dân xóm Ca Tô vốn tính tình hiền hòa và hiếu thuận lắm. Đời sống của cả xóm xoay nhịp theo tiếng chuông nhà thờ. Sáng sớm, mọi người thức giấc theo tiếng chuông, đến nhà thờ dự Thánh Lễ, rồi ai nấy về nhà vác cuốc ra đồng. Chiều chiều, khi tiếng chuông ngân lên báo hiệu kết thúc một ngày, mọi người lần lượt kéo nhau về quây quần bên mái ấm gia đình. Sau giờ cơm tối, tiếng kinh râm ran lan từ đầu làng đến cuối xóm.

Ngày nọ, có một nhóm người của làng Prôt từ sườn Đông ngọn núi U Num tìm sang làm quen. Họ đến để xin tham gia cầu nguyện chung với bà con xóm đạo. Dân Ca Tô vốn đã có tiếng là hiếu khách, khách lỡ đường ghé ngang còn được bà con đón vào tận nhà để mời nước mời trà huống gì là nhóm khách đạo đức muốn cùng cầu nguyện chung.

Nhà ông Chín được chọn làm nơi tập trung, để mọi người đón khách và cầu nguyện “giao lưu”. Cứ mỗi tối thứ Năm hàng tuần, làng Ca Tô vui như vào hội. Khoảng sân trước nhà ông Chín được dọn dẹp sạch sẽ để làm chỗ cho bà con đến ngồi đọc kinh. Vài chiếc bàn con con được bày ra, dăm ấm trà và vài ba bịch kẹo mứt. Có nhiều người hẹn nhau đến sớm, trước cả tiếng đồng hồ, để tranh thủ gặp gỡ và hỏi han nhau, từ chuyện mùa màng, chuyện nhà cửa, chuyện con cái, và đủ thứ chuyện đầu làng cuối xóm.

Sau buổi tối cầu nguyện đầu tiên, bà con xóm Ca Tô cứ nức nở khen những người bạn làng Prôt. Nào là: sao mà ai cũng có vẻ đạo đức và giỏi giang quá! Nào là: họ được học và am hiểu Kinh Thánh lắm, câu chữ cứ đọc vanh vách. Đã vậy họ còn nhớ Kinh Thánh giỏi quá, đọc một câu Kinh Thánh ra bao giờ họ cũng kèm theo cái chú dẫn câu này đọc ở sách nào, chương mấy, câu mấy!

Bầu khí cả xóm vui rôm rả. Ông Chín nghe lòng mình cũng vui rôm rả.

***

Nhưng ông Chín phải thừa nhận rằng những người bạn mới từ làng Prôt cũng mang đến cho bà con xóm đạo Ca Tô nhiều thách đố.

Nhớ hôm cầu nguyện đầu tiên, khi ông Chín chuẩn bị kết thúc giờ kinh như thường lệ, thì ông Mười, trưởng nhóm của những người bạn từ làng Prôt, chợt đề nghị nên đọc một đoạn Kinh Thánh ngắn cho mọi người nghe trước khi kết thúc. Thật là ngại quá! Ông Chín phải lục tung cái tủ sách gia đình thì mới tìm thấy quyển Kinh Thánh bìa đã bám đầy bụi. Ông Chín còn nhớ hôm đó ông Mười trân trọng mở sách, đọc câu: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”. Rồi ông Mười còn bình thêm: Chúa dạy chúng ta hãy đi. Làm theo Lời Chúa dạy, chúng tôi đã đi, và đến đây với bà con xóm Ca Tô.

Như vậy hóa ra muốn sống đạo tốt, theo đúng lời Chúa dạy, thì người ta phải đi. Chỉ một từ “đi” nho nhỏ thôi, mà làm ông Chín bị đụng chạm và thấy nhột quá sức. Tính ra, từ hồi nhỏ tới giờ, ông Chín vẫn nghĩ chỉ cần ngày nào cũng đi từ nhà đến Nhà Thờ thì đã đủ để làm một tín hữu tốt. Xóm đạo Ca Tô của ông được xây dựng như một hợp thể hoàn chỉnh: có nhà thờ, có chợ, có trường học, có một bệnh xá nhỏ. Cả xóm đã như một mô hình khép kín, ít khi nào nghĩ tới chuyện phải đi ra bên ngoài. Chừng như cuộc sống này đã đầy đủ lắm rồi, tiện lắm rồi, không ai muốn vươn mình ra thêm.

Thật ra, có thể nói gia đình ông Chín là một trong những gia đình đạo đức và rất trung thành trong việc giữ giờ kinh tối. Rất nhiều lần ông Chín ước muốn mời bà con tụ họp đến nhà mình đọc kinh buổi tối, để tạo một bầu khí đạo đức hiệp thông cho cả xóm. Nhưng cứ chần chừ mãi mà ông vẫn không làm được. Vì cứ lo trước nghĩ sau, vì ngại. Cái nhịp sống thường ngày cứ đều đặn trôi qua. Những giờ kinh tối vang lên từ các gia đình riêng rẽ, nghe thì đạo đức đó, nhưng vẫn cứ rời rạc và lẻ loi thế nào…

May quá, Chúa gởi tới những người bạn của làng Prôt. Họ đến, như mang theo một luồng khí mới. Họ làm ông Chín giật mình nhận ra rằng, thì ra để giữ đạo tốt người ta không thể sống theo kiểu đạo ai nấy giữ, mạnh ai nấy lo. Thì ra để sống đúng theo lời Chúa dạy, người ta không thể sống theo kiểu chỉ biết xây tường rào để bảo vệ chung quanh nhà mình, nhưng phải biết xây cầu để vươn đến những nhà khác.

***

Ông Chín thích những người bạn mới đến từ làng Prôt. Nhưng thật lòng ông không thấy phục lắm, nhất là cách họ đọc Kinh Thánh. Hình như họ câu nệ vào chữ và hay bắt bẻ dựa trên nghĩa đen của từ ngữ nhiều quá. Trong một mức độ nào đó, ông tin rằng chỉ tập trung vào chữ thì người ta sẽ không còn có thể thấy nghĩa.

Chẳng hạn mới tuần rồi, sau giờ kinh tối, Ông Mười mượn quyển Kinh Thánh của ông, rồi đọc lên: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, như Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi!” Trích sách Đệ Nhị Luật chương 5, câu 16. Đọc xong, ông Mười phát biểu:

- Thưa bà con, tôi thấy hình như bản dịch Kinh Thánh này có gì đó không ổn. Sao lại dùng chữ “thờ” ở đây? Sao lại nói “thờ cha”? Đức tin của mình đâu cho phép mình thờ ai ngoài Chúa…

Ông Mười còn chưa kịp dứt lời thì một người khác trong nhóm bạn làng Prôt đã lên tiếng, đọc ngay một câu Kinh Thánh:

- Đúng rồi. Sách Thánh có dạy: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi!” Trích sách Đệ nhị luật chương 6 câu 13.

Người này còn chưa dứt, thì một người khác đã thêm vào:

- Câu này được Chúa Giê-su trích lại ở Tin Mừng Mát-thêu chương 4 câu 10b.

Ông Mười chốt lại:

- Chữ “thờ” chẳng phải chỉ nên dùng cho một mình Thiên Chúa thôi sao? Nói “thờ cha kính mẹ” có phải là nói thờ cúng ngẫu tượng không?

Dân xóm Ca Tô há miệng ngồi nghe. Thoạt đầu Ông Chín cũng tắt tịt. Có người bắt đầu tự hỏi: ủa, vậy hóa ra trong quyển Kinh Thánh mà mình nghe mỗi ngày trên Nhà Thờ vẫn có những chỗ dịch khó hiểu vậy sao?

Im lặng một lúc lâu lắm, ông Chín mới lên tiếng:

- Tôi thấy chữ “thờ” này đâu có vấn đề gì ghê gớm lắm đâu. Là kiểu nói của người Việt mình mà! Ông bà người Việt của mình vẫn thường dạy con dạy Cháu: “Một lòng thờ mẹ kính cha/cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Chúng ta vẫn hiểu “thờ mẹ kính cha” theo nghĩa giữ tròn đạo hiếu của con cái đấy thôi, đâu có phải là “thờ” theo kiểu thờ phượng hay thờ cúng hay thờ thần linh chi đâu. Cần gì phải bắt bẻ từng chữ như thế!

Ông Chín vừa dứt lời thì ông Giáo Ba của làng Ca Tô lại lên tiếng.

- Đúng rồi. Theo tôi biết Kinh Thánh được viết bằng tiếng ngoại quốc mà. Đâu như tiếng Do-thái, hay Hy-lạp, hay A-ram gì gì đó… rồi sau đó mới được dịch ra tiếng Việt. Dịch từ tiếng ngoại quốc sang Tiếng Việt mà cứ dịch theo từng chữ thì nát bét hết. Nhớ hồi nhỏ, tôi và mấy đứa bạn đã từng bị ông giáo dạy tiếng Tây gõ đầu vì tội dịch ngang phè cái câu “Comment allez-vous?”, một câu chào hỏi lịch sự và trân trọng theo nghĩa “anh khỏe không?”, thành “Các bạn đi như thế nào?” Quả là tụi tôi dịch rất sát từng chữ đấy thôi. Sát mà trật…

Sau khi cánh đàn ông đã lên tiếng, Cô Năm giáo lý viên của xóm Ca Tô lại tiếp lời:

- Theo tôi thì đây chỉ là cách nói thôi. Nhớ nhớ hồi còn đi học, các Thầy cô có dạy là có ông Ga-li-lê nào đó đã chứng minh rằng không phải mặt trời xoay quanh trái đất, nhưng là trái đất xoay quanh mặt trời. Trái đất chuyển động chứ mặt trời không có chuyển động. Vậy mà mỗi ngày người ta vẫn cứ gọi là “Mặt Trời mọc” rồi “Mặt Trời lặn” đấy thôi! Đâu có ai bị kêu nói vậy là sai hay là phản khoa học gì đâu…

Sau phần “phản biện” của ông Chín, ông Giáo Ba, và Cô Năm, bà con xóm Ca Tô vỗ tay rần rần. Phấn kích nhất là mấy đứa nhỏ nhỏ trẻ trẻ. Bọn nhóc nói: đọc kinh kiểu này vui thiệt! Hồi giờ cứ nghĩ đọc kinh cầu nguyện thì chỉ cần nhắm mắt đọc thuộc lòng cho hết bộ kinh bổn từ đầu cho tới cuối là xong. Ai biết là có thể vừa đọc kinh vừa “tranh luận” với nhau về Kinh Thánh vui vậy chứ!

Niềm vui của bọn trẻ làm ông Chín giật mình. Ông Chín tự hỏi lại mình về những giờ kinh gia đình mà ông vẫn thường hướng dẫn. Có thật khi cầu nguyện, “chỉ cần nhắm mắt đọc thuộc lòng cho hết bộ kinh bổn từ đầu cho tới cuối là xong”? Cầu nguyện như vậy, liệu có còn phù hợp với bọn trẻ con cháu của ông không? Thế hệ này hay muốn tìm hiểu và thích đặt câu hỏi tại sao. Còn ông, kinh kệ hình như chỉ là chuyện thuộc nằm lòng. Mọi sự cứ tự nhiên mà tuôn ra theo môi miệng, tự nhiên như lời kinh của lòng ông dâng lên Thiên Chúa. Ông cứ đọc, cứ thuộc, rồi truyền lại cho con, cho cháu, như của gia bảo hồi môn từ thế hệ này sang thế hệ kia.

Nhưng phải thừa nhận rằng ông không thực sự hiểu hết những điều mình đọc, cũng chưa thật sự để tâm lắm vào việc tìm hiểu. Giả như có ai hỏi nghĩa của những câu kinh mà ông thường đọc, có khi ông bí tị. Đã có lúc ông nghĩ, những chuyện tranh luận hay tìm hiểu như vậy có lẽ thuộc về lĩnh vực cao siêu của thần học, là chuyện dành riêng cho các Cha, các Thầy, các Sơ là những người được học cao hiểu nhiều. Còn giới bình dân như ông chỉ lo yên tâm mà học thuộc kinh kệ để đọc đã là quý rồi. Vậy là đủ.

Giờ ông mới nhận ra, cái đủ đó là đủ cho ông, nhưng hình như không đủ cho con cháu của ông. Không phải ông không thấy những ánh mắt chia trí lo ra trong khi những khuôn miệng vẫn cứ đều đều đọc kinh. Không phải ông không thấy nét mệt mỏi trên gương mặt những đứa cháu mình vào mỗi giờ kinh tối. Đã nhiều phen ông bối rối khi mấy đứa cháu nội hỏi ông về ý nghĩa của một câu nào đó mà nó không hiểu…

Ông nhận ra, mình có thói quen đọc kinh là rất tốt. Thói quen ấy đủ để nuôi dưỡng đức tin cho thế hệ của ông trong buổi khó khăn. Nhưng với thời hiện đại, với những đứa trẻ hiện đại, chỉ đọc thuộc lòng những điều mình không hiểu trọn vẹn, thì làm sao có thể giúp chúng sống đức tin ngày nay!

Cầm trên tay quyển Kinh Thánh, ông Chín lần giở từng trang, ngón tay run run như chạm vào Lời thánh thiêng và mầu nhiệm. Ông Chín xin cho mình hiểu hơn lời Chúa dạy, xin cho đức tin của mình được bén rễ sâu hơn từ Lời Chúa, xin cho mình đủ lớn trong đời sống thiêng liêng để có thể làm rường cột cho gia đình và có thể hướng dẫn đức tin cho con cháu mình.

Ông Chín ngước nhìn lên ngọn núi U Num, và thầm cám ơn những người bạn đến từ sườn núi phía bên kia. Ông nhận ra rằng ông và họ là anh em của nhau, vì họ là những người con cái của Thiên Chúa, họ cũng tuyên xưng niềm tin vào Đức Giê-su.

Nhưng ông cũng nhận ra rằng chỗ đứng và điểm xuất phát của ông và của họ khác nhau. Mỗi người ở một bên khác nhau của chân núi. Mỗi người nhìn ngọn núi từ góc nhìn khác nhau. Chân núi này rộng quá, nếu mỗi người đều chỉ đứng ở vị trí của mình, chắc chắn chẳng ai có thể nghe được ai, chẳng thể nào hiểu nhau và chẳng thể nào giao lưu đối thoại với nhau được gì cả. Để gặp gỡ họ, ông nghĩ mình cần phải ra đi, phải có một hành trình leo lên núi. Điểm gặp gỡ của những khác biệt nếu không nằm dưới chân núi, thì hẳn phải nằm trên đỉnh núi. Mỗi người cần leo lên từ chỗ của mình. Càng lên cao, khoảng cách sẽ càng thu hẹp, người ta sẽ càng gần nhau hơn. Và điểm chung, điểm quy tụ, điểm gặp gỡ, chắc chắn nằm trên đỉnh núi.

Vậy nên ông Chín vẫn háo hức đợi tới ngày thứ Năm, ngày mà bọn trẻ vẫn gọi là “đọc kinh giao lưu” hay “tranh luận về Kinh Thánh”. Chắc chắn ông và bà con trong xóm đạo Ca Tô sẽ còn nhận được nhiều câu hỏi khó trả lời. Chắc chắn đức tin của ông sẽ còn bị chất vấn. Nhưng ông Chín nhận ra, đó là cách tốt nhất để mình đào sâu lại cái nguồn đức tin của mình, để mình đi tìm câu trả lời cho mình và cho con cháu của mình. Lẽ phải thường không nằm ở người này, cũng không nằm ở người kia, nhưng lẽ phải dần dần hiển lộ khi người này với người kia đối thoại được với nhau.

Còn nhớ, trước khi ra về, ông Mười đã thòng vào tai ông Chín một câu vừa bình luận vừa hỏi theo kiểu khó trả lời:

- Anh Chín à, tôi thấy bà con xóm Ca Tô của mình chịu khó đọc kinh và nhớ được nhiều kinh thật đó. Nhưng hình như lại ít đọc Lời Chúa quá! Có chắc ngày nào cũng cứ đọc hết kinh này tới kinh kia thì mình sẽ được Chúa cứu không?

Phải trả lời sao đây ta?..

CAO GIA AN, S.J.

Con vụng dại, sao đủ lời để nói
Và ngây ngô như đứa trẻ học vần
Quay quắt, nhọc nhằn, từng bữa nuôi thân
Vẫn đói rách, vẫn lầm than, cơ nhỡ

Đã có lúc, chạy như người trốn nợ
Buồn, cô đơn, trống trải. Bỗng giật mình
Có phải vì đang thiếu vắng lòng tin?
Nên ngã quỵ ở cuối đường khô khát

Nên mỏi mắt chờ chiêm xuân giáp hạt
Hừng đông ơi, đâu vạt lúa nương đồng?
Thèm cả mùa màng, mùi rạ rơm thơm
Yêu thửa mạ non xanh lên vành nón

Chúa gọi con, nhưng sao Ngài chẳng chọn?
Bởi lọt lòng, con đã trót đa mang
Cứ hắt hiu lùm cỏ dại mọc hoang
Cứ pha tạp những bụi bùn, vôi vữa

Đã ra khác, chẳng còn là con nữa
Vì bao lâu là mãi mãi, bao giờ?
Giữa chợ đời, phải nuốt nhục mà mua
Lầm lẫn giữa âm mưu và trí tuệ

Ôi, cuộc sống mỗi ngày càng dâu bể
Rình rập, bao vây, luôn phải dè chừng
Cuộc cờ tàn, ai trở mặt, quay lưng?
Lấy gian dối làm bùa mê, lẽ sống

Bao ước mơ, bao nguyện thầm, tuyệt vọng
Tận đáy lòng con, giằng xé tư bề
Ở ngã ba đường, xuôi ngược, ủ ê
Chẳng lẽ, cắn răng, cúi đầu, cam chịu?

Trở về thôi, dù tật nguyền, ốm yếu
Để nhìn trời đang mọng nước long lanh
Dưới tán lá xanh, chim hót chuyền cành
Có mây biếc hẹn nhau về rất thấp

Ra ngoài ngõ - vào trong nhà, từng chặp
Có hào quang và nhật nguyệt, cầm ca
Ôi, những phép mầu, điềm lạ đêm qua
Con run rẩy chờ Xuân tươi lá mạ

Vâng, lạy Chúa, đầm đìa ơn phước cả
Đến bây giờ, con mới được nghỉ ngơi
Giang tay ra và ngước mắt lên trời
Để nếm trải những nồng nàn, thiêng thánh

Để miệng lưỡi con thơm tho đạo hạnh
Để thấy sinh sôi hoa trái đầu mùa
Lạy Chúa Trời, con hạn hán mong mưa
Mưa mầu nhiệm, no đầy ơn Cứu rỗi

Qua cửa hẹp, dù đường trơn, quãng lội
Bên kia sông, đồng cỏ mượt xanh rì
Chấp chới ngàn mai, một đóa tường vi
Vừa nứt nụ, chực chờ đêm trừ tịch

Con tắm mát, gìm mình trong Bí tích
Ngày ra Giêng, nhân đức mới tròn trăng
Đêm Khải huyền, đêm sáng rỡ sao băng
Đêm Nhã nhạc về rưng rưng, đầy ắp

Mười ngón tay chắp thành hàng bạch lạp
Cùng muôn kinh trọng thể đã ra đời

 

Gò Dầu, 18.2.2017
Xuân Đinh Dậu
LÊ ĐÌNH BẢNG

Ta chợt nghe tiếng gà bên sông gáy
Lá vườn khuya chao động ngọn gió bay
Em thắp lửa dùm ta thêm hơi ấm
Ngồi chờ xuân đọng lại chén trà say

Khúc sông chiều
Ngõ ngày xưa đã vàng hoa mai nở
Dấu rêu xanh lối cũ tự bao giờ
Về quê chưa? Anh ra bờ sông đợi
Khúc sông chiều vẫn cứ đẹp như thơ

Hồn quê
Tết trở về đứng bên thềm giếng cũ
Thương gáo dừa và nước mát trong lu
Mẹ đã giữ hồn quê cho con cháu
Hồn quê ơi còn đọng đến thiên thu

Trên đường hoa cúc
Về Tu Bông đứng nhìn lên đèo Cả
Mây đầu sông toả bóng xuống quê nhà
Gió cuối năm thổi trên đường hoa cúc
Vang vọng chiều trong tiếng hát dân ca.

TRẦN VẠN GIÃ

Xin thân ái chào quý bạn đọc,

Thay lời Ban Biên tập, chúng tôi xin mến chúc bạn và gia đình dồi dào sức khỏe, bình an và hạnh phúc trong tình yêu Thiên Chúa.

Chúng tôi rất vui được làm quen với bạn qua ấn phẩm Mục Đồng tập 1 này. Bạn chịu khó đọc thử từ đầu tới cuối và giới thiệu cho người khác cùng đọc nhé. Tiếp đến bạn có thể giúp chúng tôi lắng nghe những nhận xét và góp ý của họ rồi phản hồi cho chúng tôi chứ?

Bởi số lượng có hạn, Mục Đồng tập ra mắt này được gửi đến mỗi giáo xứ chỉ có 5 quyển. Đang khi đó lượng người trẻ trong giáo xứ từ giáo lý viên, huynh trưởng, ca viên, sinh viên và những người thích văn thơ có thể khá đông. Mong bạn sẽ có những sáng kiến đặc biệt để giúp họ cũng biết đến Mục Đồng.

Có thể chính bạn hoặc những người khác trong giáo xứ đã và sẽ có những tác phẩm thơ văn mang nội dung Kitô giáo muốn chia sẻ mà chưa biết gửi về đâu. Tại sao lại không gửi cho Mục Đồng nhỉ? Chúng tôi rất mong tìm được ở đó những bông hoa tươi thắm để giới thiệu với bạn đọc khắp nơi.

Khi gửi bài xin bạn nhớ ghi rõ tên thánh, họ và tên, năm sinh, giáo xứ, giáo phận, địa chỉ, số điện thoại và email liên lạc.

Chúng tôi ước mong phục vụ bạn đọc thật nhanh chóng và chính xác nhưng thiếu nhân sự. Do đó, ước mong các bạn đọc trong cùng một giáo xứ đăng ký mua ấn phẩm theo một danh sách chung, cử một người đứng tên nhận ấn phẩm và giao lại cho anh chị em theo danh sách đăng ký. Xin dùng mẫu phiếu đăng ký ở trang sau.

Xin chân thành cám ơn và thân ái chào các bạn.

Chủ biên

Lm. Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget